Thay đổi chóng mặt

Thứ năm, 31/05/2018 10:52

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn đang theo đuổi các hành động thương mại nhằm vào Trung Quốc, động thái mà chính quyền Bắc Kinh thật sự bất ngờ. Bởi động thái của Washington rõ ràng đi ngược lại với những đồng thuận mà hai bên đạt được trong thời gian gần đây.          

Chỉ 10 ngày trước, hai bên đã có một thỏa thuận “ngừng bắn” tạm thời. Cả hai nhất trí không áp đặt thuế quan mới nhằm vào các mặt hàng của nhau trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại vẫn tiếp tục. Trung Quốc thậm chí tuyên bố sẽ tăng cường mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ để giảm mất cân bằng thương mại trị giá 375 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, giờ đây, Nhà Trắng đột ngột thay đổi thái độ. Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, cũng như hạn chế đầu tư vào các công nghệ quan trọng.

Chính phủ Trung Quốc đã ra thông báo chỉ trích động thái này, cho rằng, nó “rõ ràng là vi phạm sự đồng thuận đạt được ở Washington giữa hai bên”. Nhưng có lẽ, Bắc Kinh đã quên rằng, một trong những chiến thuật chính của Tổng thống Donald Trump trong đàm phán là “không thể đoán trước được điều gì”. Ông Trump từng vỗ ngực tự xưng là nhà đàm phán giỏi. Ông cũng có thói quen đe dọa hành động đơn phương để cố gắng tận dụng đòn bẩy trong các tranh chấp thương mại. Nhưng chiến lược của ông đối với Trung Quốc là làm rối các chuyên gia thương mại, những người nghĩ rằng họ cuối cùng có thể cản trở khả năng của Mỹ về việc “phải có được những gì họ muốn từ Bắc Kinh”.

Nguyên nhân cho những chính sách thay đổi chóng mặt của Nhà Trắng cũng một phần xuất phát từ các bộ phận trong đội ngũ của Tổng thống Trump,  những người vốn có những cuộc đàm phán thương mại phức tạp ngay từ đầu với phía Bắc Kinh. Khi Tổng thống Trump lần đầu tiên chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đánh thuế 50 tỷ USD vào hàng hóa của Trung Quốc vào tháng 3, sau một cuộc điều tra kéo dài hàng tháng về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, động thái này được coi là chiến thắng cho “những người bán hàng rong” trong chính quyền ông Trump. Nhưng trong những tuần tiếp theo, các cuộc đàm phán với Trung Quốc tập trung vào các mối quan tâm hẹp hơn, chẳng hạn như thâm hụt thương mại song phương.

Thông điệp đằng sau vấn đề thuế quan mới nhất này có thể là “hướng đến vấn đề chính trị”. Nhưng dù bằng cách nào, những thay đổi lặp đi lặp lại trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc chỉ càng làm giảm khả năng thành công trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Bắc Kinh.

THANH VĂN