Thấy gì ở khu quy hoạch dự án Lâm viên Cọ Dầu - Hồ Trung Chỉ?

Thứ bảy, 31/10/2015 10:06

(Cadn.com.vn) - Hàng trăm người dân sinh sống trong phạm vi quy hoạch Khu Lâm viên Cọ Dầu - Hồ Trung Chỉ trên địa bàn P.5, TP Đông Hà (Quảng Trị) đang đối mặt với nhiều khó khăn khi dự án sau hơn 10 năm được phê duyệt vẫn còn “bất động”. Điều đáng nói, trong khoảng thời gian trên, xảy ra nhiều trường hợp chuyển nhượng đất đai, xây nhà trái phép trên khu vực quy hoạch.

Cuối tháng 10–2015, chúng tôi đến K.P7, P.5, TP Đông Hà hỏi về khu quy hoạch dự án Lâm viên Cọ Dầu-Hồ Trung Chỉ nhưng nhiều người vẫn ngơ ngác. Men theo con kiệt nhỏ gần cuối đường Lý Thường Kiệt dẫn ra phía sau đồi, trước mắt chúng tôi là khu vực nhà dân nằm trong dự án, tưởng như tách bạch ra khỏi sự ồn ào phố thị. Những ngôi nhà cấp 4, nhiều ngôi lụp xụp và tạm bợ chen giữa các vườn tràm. Một số nhà có công trình cơi nới đã bị tháo dỡ. Khu vực này vốn dĩ là đồi rú, đất nhiễm nặng bom mìn sau chiến tranh. Nhiều người dân đến đây khai hoang phục hóa, chăn nuôi, trồng trọt biến vùng đất “chết” hồi sinh. “Có người không may gặp phải bom mìn vĩnh viễn lìa đời, hoặc bị tàn phế”, ông Đặng Thanh nhớ lại. Năm 1992, 9,5 ha diện tích ở khu vực đồi này được giao cho dân trồng lâm nghiệp. Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định 156 về việc phê duyệt quy hoạch 1/2000 khu Lâm viên Cọ Dầu - Hồ Trung Chỉ. Theo dự án, khu vực này sẽ có quảng trường, công viên, khu lâm viên, công viên thể dục thể thao, khu công viên văn hóa, khu dân cư...Một dự án lớn nhưng người dân dường như biết thông tin rất muộn, cụ thể là nhiều năm sau, khi nhiều nhà xây mới, cơi nới bị lực lượng chức năng “tuýt còi” thì họ mới rõ.

Đa phần nhà trong khu quy hoạch đều là cấp 4.

Trước thực trạng này, UBND TP Đông Hà thành lập ngay Đoàn kiểm tra quá trình quản lý và sử dụng đất tại khu vực này để có biện pháp xử lý. Theo đó, vào thời điểm 2012 có 78 hộ gia đình nằm trong phạm vi quy hoạch. 53 hộ trong số đó kê khai đã ở trước năm 2005. Với số hộ này thì có 13 hộ có hồ sơ thửa đất trong bản đồ địa chính năm 2000, đều đã xây nhà trước khi có quy hoạch dự án. 25 hộ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hình thức bằng giấy viết tay có chứng nhận của UBND P.5, 15 hộ chưa đưa ra được giấy tờ liên quan hoặc có giấy chuyển nhượng nhưng không có xác thực của chính quyền địa phương.

Thực tế cho thấy, vì nhu cầu bức thiết về nhà ở, hàng chục hộ đã xây nhà không phép sau năm 2005, trong đó “nóng” nhất vào năm 2010 và 2011, chủ yếu là xây nhà cấp 4. Trước tình hình này, UBND P.5 đã lập biên bản vi phạm hành chính, ngừng thi công. “Vướng” quy hoạch không được xây mới, cơi nới, đời sống bà con trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hoa (1972) trong ngôi nhà chật hẹp. Anh Hoa cho biết sau khi vợ bị ung thư qua đời, nhà cửa cũng trôi theo cảnh nợ nần nên 5 cha con anh vào K.P7 này cất nhà trên mảnh đất do hộ ông Đặng Thanh khai hoang trồng hoa màu. “Thấy hoàn cảnh mấy cha con tui quá khó khăn nên bác ấy đồng ý giúp đỡ để cất ngôi nhà cấp 4. Sau đó bác Thanh có viết giấy chuyển nhượng đất”, anh Hoa kể. Nhà anh Hoa chỉ có 1 phòng ngủ để dành cho 2 đứa con gái đang tuổi đi học. Tương tự như gia cảnh anh Hoa, chị Nhạn có chồng mất vì ung thư, nghèo khó cũng được ông Đặng Thanh nhượng đất hoa màu để cất nhà. 3 mẹ con chị Nhạn ở tạm bợ 1 thời gian rồi xây ngôi nhà nhỏ. Khi con trai chị Nhạn lập gia đình, chị bố trí cho vợ chồng đứa con ra riêng ở cái lều sát đó vì không thể cơi nới.

Cũng qua kiểm tra cho thấy nhiều trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm các quy định của pháp luật, trong đó có chuyển nhượng đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất giao rừng sang đất ở. Để xảy ra tình hình trên trước hết phải thẳng thắn thừa nhận công tác quản lý có dấu hiệu buông lỏng, quá trình thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm thiếu cương quyết, nhất là thời gian ban đầu khi có quy hoạch phê duyệt. Mặt khác công tác công khai quy hoạch chưa tốt, chưa chu đáo dẫn đến người dân thiếu thông tin. Một nguyên nhân quan trọng khác chính là nguồn lực đầu tư còn hạn chế, quy hoạch kéo dài. Đến thời điểm này, dự án trên vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư. Dự án cũng có tầm nhìn 2020, nghĩa là người dân phải chờ...nhiều năm nữa.

Bảo Hà