Thấy gì qua tái cấu trúc ngân hàng?

Thứ hai, 19/08/2013 09:55

(Cadn.com.vn) - Sương mù vẫn chưa tan khi hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng (NH) còn “nhiều điều chưa nói hết”. NHNN đã bắt đầu sốt ruột khi nhìn thấy những “đứa con” NHTM ngày càng ì ạch trong tăng trưởng tín dụng cùng với số nợ xấu chỉ trông chờ vào “cây đũa thần” VAMC. Câu chuyện “tái cơ cấu hệ thống NH” được nhắc lại như một lời khuyến cáo về cách “nói và làm” của những người có trách nhiệm đương thời.

Nhìn lại các vụ sáp nhập

Cú “volley” hợp nhất 3 NHTMCP Sài Gòn (SCB), Đệ nhất Ngân hàng (Ficombank) và Việt Nam Tín Nghĩa (TinnghiaBank) được xem là khá đẹp mắt khi Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình công bố chính thức sáp nhập 3 NH thành một dưới tên gọi mới là SCB vào ngày 6-12-2011. Sự việc xảy ra cách đây hơn 1,5 năm dưới sự bảo trợ của một “ông lớn” BIDV với số vốn tham gia lên trên 2.400 tỷ đồng đã kết thúc thành công.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, tiến trình này lại không tiếp tục tái diễn như kỳ vọng của công chúng. Trong khi đó, báo giới và những nguồn thông tin không chính thức từ mạng xã hội cứ đồn đoán NH này nọ sẽ sáp nhập vì mất khả năng thanh khoản. Và như thế, hơn 8 tháng sau đó, ngày 28-8-2012, NHTMCP Nhà Hà Nội (Habubank) mới chính thức sáp nhập vào NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Với Habubank, các khoản cho vay và đầu tư trái phiếu gắn với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được xác định là gánh nặng lớn nhất dẫn đến những khó khăn phải tính đến sáp nhập. Tỷ lệ nợ xấu của Habubank trước khi sáp nhập là 23,66% (tương đương 3.729 tỷ đồng).

Vào trung tuần tháng 9-2012, NHNN đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho NHTMCP Đại Tín (TrustBank) triển khai phương án tái cơ cấu. Theo tiến trình này, TrustBank tập trung sử dụng nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân trong nước để tái cơ cấu, mà không sử dụng vốn ngân sách. Cuối tháng 5-2013, với Quyết định 1161/QĐ-NHNN (23-5-2013), dư luận khá bất ngờ khi TrustBank “hóa thân” thành NHTMCP Xây dựng Việt Nam.

Hình ảnh thể hiện những “khúc mắc” trong tái cấu trúc ngân hàng.

Nằm trong tiến trình tái cơ cấu bắt buộc, NHTMCP Phương Tây (Western Bank) gây chú ý trên thị trường khi có thông tin NH này sẽ sáp nhập với Tổng Cty CP Tài chính dầu khí (PVFC). Ngày 16-3-2013, tại Cần Thơ, Western Bank đại hội cổ đông (ĐHCĐ) nhằm thông qua kế hoạch hợp nhất với PVFC. Western Bank đã trình NHNN Đề án hợp nhất với PVFC. Một trong những mục đích của việc hợp nhất được nêu ra là giải quyết sự tồn tại của Western Bank, nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động, sức cạnh tranh cho PVFC và giảm được phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại PVFC.

Tháng 6-2013, DaiA Bank tổ chức ĐHCĐ thường niên thông qua biên bản ghi nhớ. Trong đó, DaiA Bank sẽ sáp nhập vào HDBank (như thỏa thuận hợp tác mà hai bên đã ký) tháng 10-2013. Hiện 2 NH này đang trong quá trình xúc tiến kế hoạch này. Các NH còn lại như NaviBank, TienphongBank và GP Bank đang tự tái cơ cấu theo phương án của mình.

Lực cản lớn từ “lợi ích nhóm”?

Đánh giá về tiến trình tái cơ cấu hệ thống NH, bà Victoria Kwakwa (Giám đốc WB tại Việt Nam) cho rằng, hoạt động này vẫn còn diễn ra chậm chạp. Vậy, điều gì đã xảy ra?

Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013, với những tranh luận “nảy lửa”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định lực cản rất lớn của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chính là sự bùng lên của các “nhóm lợi ích”. Vị nữ chuyên gia này phát biểu, chính việc bỏ lỡ cơ hội tái cơ cấu, các “nhóm lợi ích” đã trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Thế lực của các “nhóm lợi ích” đang trở nên mạnh mẽ, không chỉ ở riêng khu vực DN Nhà nước mà còn bao trùm các lĩnh vực khác. Cái mất lớn là sự bào mòn năng lực thể chế nhưng mất mát lớn hơn là hao tổn niềm tin.

Ngành NH đã có những nỗ lực rất lớn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Cho đến nay, dù VAMC đã đi vào hoạt động nhưng nợ xấu vẫn là nỗi sợ hãi, ám ảnh và dai dẳng. Trước viễn cảnh chưa sáng sủa, nhà đầu tư sẽ không tích cực bỏ vốn xử lý “cục máu đông” trong cơ thể cho dù thật sự cần thiết.

“Quốc hữu hóa” hay nới “room”?

Tái cấu trúc NH đã bước sang một trang mới khi trên diễn đàn thông tin đã xuất hiện những quan điểm mới về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Điều này đồng nghĩa, việc ngăn chặn, hạn chế một cổ đông (hoặc nhóm cổ đông) nước ngoài có cùng lợi ích nắm giữ tỷ lệ vốn lớn tại NH, thông qua cơ chế biểu quyết để thao túng hoạt động của NH theo ý đồ của riêng mình trong giai đoạn tái cấu trúc đã đến lúc cần được xem xét lại.

Có thể thấy rằng, Chính phủ đã bắt đầu có những động thái thể hiện quyết tâm hành động nhằm thu hút vốn ĐTNN thông qua việc góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN tại các NH trong nước. Câu chuyện 2 NH quốc doanh lớn Vietcombank và Vietinbank hé mở cánh cửa đón vốn ngoại từ Nhật Bản, nâng tỷ lệ sở hữu vượt “room” thông thường đã chứng minh điều này.

Liên quan đến nới “room” cho NĐTNN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, thời gian qua, 13 NHTM có sự tham gia của đối tác nước ngoài đều đang chứng tỏ hiệu quả. Do vậy, NHNN sẽ nghiên cứu nới “room” để khuyến khích sự tham gia của NĐTNN. Hiện NHNN đang trình Chính phủ sửa đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐTNN đối với các NH trong nước. Theo đó, nhà NĐTNN sẽ được tham gia góp vốn 20% với TCTD Việt Nam.

Người ta đang chờ đợi một hướng đi hiệu quả hơn trong tái cấu trúc NH là xử lý sở hữu chéo trên toàn hệ thống. Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg (1-8) vừa hé mở khả năng NHNN sẽ can thiệp mua cổ phần của những TCTD bị kiểm soát đặc biệt. Theo đó, các TCTD được “giải cứu” là những đơn vị được NHNN xác định lỗ lũy kế vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ. Cứu có nghĩa là không cho phá sản (điều này có thể gây bất ổn nền kinh tế) mà phải loại dần sở hữu chéo bằng cách “quốc hữu hóa” hoặc chờ đợi động thái nới “room” cho các NĐTNN.

Chúng ta hãy chờ xem một kịch bản mới vào cuối năm nay?

Văn Khoa