Thấy gì sau những vụ thảm sát man rợ ở Nghệ An và Bình Phước?

Thứ sáu, 10/07/2015 09:32

(Cadn.com.vn) - Liên tiếp các vụ thảm sát mang tính man rợ diễn ra ở Nghệ An, Bình Phước vừa qua đã dấy lên sự phẫn nộ tột độ của mọi người. Nhiều người bàng hoàng, cảm thấy bất an không hiểu vì sao ngày càng có những vụ thảm sát kinh hoàng như vậy. Đâu là nguồn cơn của tội ác? Phải làm gì để không xảy ra những thảm họa thế này ập xuống với mỗi gia đình? Xung quanh vấn đề này chúng tôi có cuộc trao đổi với Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn- Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm-Học viện Cảnh sát Nhân dân.

Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn.

PV: Dưới góc độ Tội phạm học, TS nhìn nhận thế nào về những vụ giết người mang tính man rợ vừa qua?

TS Đỗ Cảnh Thìn: Những vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vừa qua ở Nghệ An, Bình Phước, tước đi mạng sống của 10 người trong 2 gia đình (có cả trẻ em) khiến dư luận bàng hoàng, bức xúc và lo lắng. Điều này phản ánh một hiện tượng không bình thường trong đời sống xã hội hiện nay. Về tội phạm học, có thể nhận thấy những vụ tàn sát man rợ này thể hiện sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, sự chai sạn cảm xúc của đối tượng. Chúng hành động theo sự thúc đẩy vì mục đích tối thượng là thỏa mãn nhu cầu của bản thân một cách bản năng, không suy nghĩ đến những hậu quả đối với nạn nhân, xã hội và cho chính đối tượng. Những vụ giết người ghê rợn, lạnh lùng chỉ mang tính đơn lẻ; nhưng nhìn nhận trong tổng thể tình hình tội phạm thì nó là hệ quả của sự tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực mà không phải là hiện tượng mang tính "đột xuất, bất ngờ".

P.V: Vậy theo TS đâu là nguồn cơn thực sự của hiện tượng tội ác này?

TS Đỗ Cảnh Thìn: Lý giải về hiện tượng này cần phải được nhìn nhận trên nhiều bình diện từ tâm lý, nhận thức, giáo dục, môi trường xã hội, ảnh hưởng của truyền thông... Chúng ta có thể nhận thấy, trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều áp lực, nhiều cạnh tranh, nhiều sức ép từ việc làm, những khó khăn về kinh tế, vướng mắc trong đời sống, sự phân tầng xã hội diễn ra gay gắt, những mặt tiêu cực của "yếu tố thị trường", những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp trong cuộc sống hàng ngày... đã làm cho một bộ phận dân chúng, nhất là những người trẻ tuổi không thích nghi được. Họ bị chấn thương tinh thần, chạy theo giá trị ảo, thiếu kỹ năng sống, quan niệm lệch lạc về giá trị cuộc sống... nên khi không thỏa mãn được nhu cầu cá nhân họ mất phương hướng, tiêu cực trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt là những hành động cực đoan, gây tội ác.

Bên cạnh đó, những hình ảnh bạo lực, lạnh lùng, vô cảm; lối sống nặng về tranh đoạt vật chất, ăn chơi sa đọa, lười biếng, thích hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá hay những phương thức, thủ đoạn tàn bạo, dã man, phi nhân tính của tội phạm... lan tràn trên sách báo, phim ảnh, Internet, mạng xã hội đang hàng ngày, hàng giờ tác động, "thẩm thấu" vào nhận thức, lối sống, hành vi của không ít người, nhất là những người trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống và kỹ năng sống. Cùng với đó là sự hiểu biết về xã hội, về pháp luật, ý thức công dân của một bộ phận dân cư còn nhiều hạn chế đã khiến cho một số người hành động phạm tội nghiêm trọng mà không nhận thức đầy đủ về tính chất, hậu quả hành vi của mình.

P.V: Những vụ giết người man rợ thế này cho người dân một cảm giác bất an, rằng tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào, vậy TS có lời khuyên gì?

TS Đỗ Cảnh Thìn: Từ nguyên nhân cụ thể, trực tiếp có thể nhìn nhận từ các vụ án này thì người dân có thể chủ động bảo vệ bản thân, gia đình bằng cách tạo dựng cuộc sống lành mạnh, hóa giải những mâu thuẫn, xung đột trong làm ăn, sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, cần chủ động trang bị các kỹ năng ứng phó, thoát nạn khi rơi vào các trường hợp cấp thiết. Chẳng hạn khi bị tội phạm thâm nhập vào nhà và tấn công cần phải sẵn sàng cho nơi trú ẩn an toàn, chuẩn bị sẵn phương án thoát nạn, cấp báo cho người thân, công an...

PV: Xin cảm ơn TS!

Hải Quỳnh
(thực hiện)

Trung tá LÊ HỮU SỸ- Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp CATP Huế, TT-Huế

Những vụ án giết người gần đây cho thấy cách thức thực hiện tội phạm ngày càng man rợ, tàn bạo và đúng là tội phạm "máu lạnh". Đối với tội phạm giết, cướp là để phục vụ nhu cầu ăn chơi, phục vụ cá nhân; chứ không phải cướp, giết để làm giàu. Trong quá trình thực hiện hành vi cướp, nếu gặp sự chống đối thì đối tượng chuyển sang giết. Nguyên nhân xảy ra những vụ án giết người man rợ thì nhiều, có thể là do kẻ thực hiện tội phạm nghiện ma túy, nghiện game, có thể do họ sinh ra trong gia đình không lành mạnh, sự suy đồi những chuẩn mực đạo đức trong xã hội, lối sống buông thả… hay có thể xuất phát từ ý nghĩ để nhằm che giấu tội ác, gây khó khăn cho quá trình điều tra. Nhưng gốc rễ của mọi nguyên nhân vẫn xuất phát từ giáo dục mà ra. Những đối tượng khi ra tay giết người thì chúng không còn biết tôn trọng giá trị đạo đức và giá trị xã hội nữa. Do ảnh hưởng bởi trào lưu xã hội đen, du nhập vào Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng mà nhiều đối tượng không phân biệt được giá trị tiến bộ của thế giới mà chỉ tiếp cận và học theo, chứ không biết thuần phong mỹ tục của người Việt ở đâu nữa.

Nhiều cá nhân không được giáo dục, mất đạo đức từ gốc gia đình. Đồng thời, do chính bản thân của mỗi một con người không nhận thức được giá trị đạo đức và giá trị xã hội, chỉ tiếp cận những mặt ngông cuồng, tiêu cực của xã hội. Giáo dục giữ vai trò chủ đạo đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Vì vậy, khi giáo dục còn tồn tại nhiều vấn đề thì rõ ràng nó ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Nếu một người có nhân cách xấu thì đó là mầm mống của những tội ác về sau.

H.L
(ghi)

PGS. TS Trần Quốc Thành, giảng viên cao cấp Khoa Tâm lý- Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Vụ giết người ở Bình Phước hết sức man rợ, có cái gì đó rất khó diễn tả vì nếu giết người bằng vũ khí thô sơ như: dao, kiếm thì khác; còn xét về tính chất vụ giết người ở Bình Phước, về mặt tâm lý, kẻ giết người này có cái gì đó hằn học. Có mấy vấn đề mà kẻ giết người lại hành động man rợ như vậy. Trước hết, do mặt tác động giáo dục không tốt, giáo dục lòng nhân ái giữa con người và con người không có. Nhà nước ta đã rất nhân đạo khi bỏ tử hình bằng xử bắn là cố gắng không làm cho người thân của tội phạm đau đớn. Nhưng đối với những kẻ giết người này muốn để lại một sự đau đớn, thể hiện sự hằn học. Mỗi khi xảy ra chết người, có nhiều báo đưa tin giật gân, từ đó gây sự tò mò và dần dần người ta đọc nhiều, đọc riết rồi thấy quen và không có cảm giác thấy sợ. Một trong những cái khó trong giáo dục là sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội quá lớn làm cho cơ chế mặt trái thị trường tác động vào Việt Nam khiến cho một bộ phận người không thích ứng. Những người có tiền, có của họ có cảm giác thiệt thòi; còn đối với kẻ lười lao động lòng tham nổi dậy cộng với giáo dục kém nên gây ra nhiều vụ việc đau lòng... Kỹ năng sống của kẻ giết người kém, khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân kém. Cả môi trường và xã hội chưa quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ. Một vấn đề nữa, là gia đình quản lý con cái kém, buông lỏng, không kiểm soát đến con cái. Nhiều bố mẹ chỉ mãi lo làm ăn mà không dành nhiều thời gian để quan tâm, dạy dỗ con cái.

H.Lan
(ghi)

Lập đường dây nóng cung cấp thông tin vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại Bình Phước

Ngày 9-7, CA tỉnh Bình Phước đã công khai số điện thoại, kêu gọi quần chúng trên cả nước, nếu có thông tin liên quan về vụ án đặc biệt nghiêm trọng giết 6 người trong một gia đình tại H. Chơn Thành (Bình Phước) hãy báo về số điện thoại đường dây nóng: 0913.937.330 để phục vụ công tác điều tra, truy tìm hung thủ.

Quần chúng nếu phát hiện dấu hiệu nghi vấn thì nhanh chóng báo cho cơ quan CA gần nhất hoặc báo về CA tỉnh Bình Phước qua:

Số điện thoại: 0651.3879.434 (tiếp nhận 24/24h) hoặc

Website CA tỉnh Bình Phước (http://conganbinhphuoc.gov.vn);

 Email: conganbinhphuoc@gmail.com.

CA tỉnh Bình Phước đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối thông tin cá nhân và có phần thưởng xứng đáng cho người cung cấp thông tin có giá trị.

Đậu Tất Thành