Thấy gì từ việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan?
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11-9-2021, đúng 20 năm sau vụ tấn công khủng bố của Al-Qaeda vốn châm ngòi cho cuộc chiến kéo dài của Mỹ tại quốc gia Tây Nam Á này.
Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: EPA |
Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thông báo về quyết định trên với các đồng minh trong NATO tại Brussels trong ngày 14-4.
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden ngày 13-4 cho biết nhà lãnh đạo đã ra lệnh cho khoảng 2.500 binh sĩ còn lại ở nước này bắt đầu rút quân trước ngày 1-5 và mọi chuyện sẽ hoàn tất trước ngày 11-9 năm nay. Một quan chức nêu rõ: “Sau khi xem xét chính sách kỹ lưỡng, Tổng thống Biden đã quyết định rút số lượng binh sỹ còn lại ở Afghanistan. Động thái này giúp chúng tôi gấp lại cuốn sách về 20 năm xung đột tại Afghanistan và chuyển hướng sang một chiến lược hiệu quả nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền nói rằng, Tổng thống Biden tin rằng Mỹ đã đạt được mục tiêu đặt ra khi bắt đầu cuộc chiến từ năm 2001 và giờ họ muốn tập trung để có thể đối phó với “những mối đe dọa và thách thức trong năm 2021”, bao gồm sự cạnh tranh với Trung Quốc, dịch COVID-19 bùng phát và mối đe dọa khủng bố rải rác tại nhiều quốc gia và trong các lĩnh vực mới như không gian mạng.
Theo các nguồn tin trên, hoạt động rút quân sẽ dựa trên những đảm bảo cụ thể về an ninh và nhân quyền, trước khi chính thức hóa quyết định. Hiện có 2.500 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan, dù chênh lệch trên thực tế có thể lên tới 1.000 người. Liên quân tại Afghanistan còn có sự hiện diện của hơn 7.000 binh sỹ, chủ yếu là quân đội NATO.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đồng thời cho biết, quân đội các nước thành viên NATO cũng sẽ tuân theo thời gian biểu rút quân tương tự Mỹ. Nhiều thành viên khác thuộc liên minh quân sự này đã nói rằng họ sẽ không duy trì binh sỹ ở Afghanistan mà không có quân đội Mỹ. Tờ Times cùng ngày đưa tin, Anh cũng sẽ rút gần như toàn bộ lực lượng nước này ra khỏi Afghanistan. Theo tờ báo, Anh đã vạch ra kế hoạch trao quyền kiểm soát học viện tại Kabul, nơi các quân nhân trợ giúp huấn luyện các binh sĩ Afghanistan, cho chính phủ nước này. Times cho biết, có khoảng 750 binh sĩ Anh tại Afghanistan, những người này sẽ phải “vật lộn” khi không có sự trợ giúp của Mỹ nếu Mỹ rút quân, do phụ thuộc vào các căn cứ và cơ sở hạ tầng của Washington.
Xoa dịu Taliban
Việc rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan sẽ là quyết định quan trọng đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden liên quan đến quân đội Mỹ ở nước ngoài. Giờ đây, Mỹ sẽ tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tiến trình hòa bình Afghanistan rơi vào bế tắc khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại thủ đô Doha của Qatar bị đình trệ. Washington muốn Chính phủ Afghanistan và Taliban đạt được một số thỏa thuận về chia sẻ quyền lực.
Tuy nhiên, Washington đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi thời điểm hạn chót là ngày 1-5, thời hạn mà người tiền nhiệm của ông Biden là Donald Trump đã thống nhất với Taliban, đang tới gần, nhưng Taliban không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực tại Afghanistan. Mới đây, ngày 24-3, Taliban đã bác đề xuất của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani về tổ chức bầu cử trong năm nay.
Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ rằng việc công bố kế hoạch rút quân là cần thiết bởi nếu Mỹ không đưa ra lộ trình rõ ràng trước hạn chót là 1-5, Washington có thể sẽ phải chiến đấu với Taliban một lần nữa. Với ông Biden, điều này rõ ràng không phục vụ lợi ích quốc gia của chính quyền Mỹ. Taliban đã dọa sẽ tiếp tục các hành động thù địch chống quân đội nước ngoài nếu hạn chót bị bỏ lỡ. Do đó, ông Biden đã ấn định ngày rút quân trong thời gian ngắn và điều này có thể xoa dịu lo ngại của Taliban.
Bước lùi của ông Biden?
Dù rút quân khỏi Afghanistan sẽ giúp người Mỹ chấm dứt sự hiện diện tại Afghanistan sau hai thập kỷ và giúp ông Biden ghi điểm trong mắt cử tri, song đây cũng có thể là bước lùi về đối ngoại của ông Biden. Quyết định này sẽ đi ngược lại những gì ông Biden cam kết trước khi trở thành Tổng thống.
Ông từng cho rằng Washington cần duy trì lực lượng chống khủng bố tại Afghanistan nhằm đảm bảo các nhóm cực đoan như Al-Qaeda sẽ không thể tấn công nước Mỹ. Tuy nhiên, quan điểm của ông đã thay đổi chỉ sau hai tháng cầm quyền. Ngày 17-3, trả lời phỏng vấn đài ABC News, Tổng thống Biden đã thừa nhận gặp “khó khăn” trong việc rút lính Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 1-5 theo thỏa thuận của người tiền nhiệm. Giờ đây, kế hoạch rút quân đang dần trở nên rõ ràng, song lời hứa về lực lượng chống khủng bố tại quốc gia Nam Á vẫn chưa được thực hiện.
Quyết định chấm dứt dấu ấn quân sự của Mỹ tại Afghanistan sau gần 2 thập kỷ là một quyết định mạo hiểm. Giới phân tích hiện vẫn còn tranh cãi liệu những lợi ích khi chấm dứt cuộc chiến dài hơi này có đủ để đánh đổi sự ổn định của Afghanistan và khu vực. Nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định rút quân sẽ không chỉ không chấm dứt xung đột mà còn làm xáo trộn bức tranh chính trị tại cả Afghanistan và khu vực.
Một số nhà phân tích chỉ ra nếu chính phủ Afghanistan bị đánh bại hoặc bị lực lượng Taliban thay thế, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ hứng chỉ trích ngay tại quê nhà. Họ cho rằng, hiện nay ngay cả khi có sự hiện diện của quân đội Mỹ thì thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban còn khó có khả năng diễn ra thì khi Mỹ rút quân, tình trạng bất ổn sẽ còn nghiêm trọng và có thể lan rộng hơn trong khu vực khi những bên khác tìm cách lấp khoảng trống. “Các bên Pakistan, Nga, Trung Quốc, Trung Á và Iran sẽ tiếp tục tham gia cuộc chiến. Đó không phải là một sự chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan, mà là chấm dứt giai đoạn của Mỹ trong cuộc chiến này”, ông Eliot Cohen, người đứng đầu Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết.
AN BÌNH