Thấy gì với đội ngũ chính sách đối ngoại mới của ông Biden?

Thứ tư, 25/11/2020 08:44

Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là đã đề cử 3 nhân vật “mới toanh” cho vị trí lãnh đạo nhóm chính sách đối ngoại của ông, với hy vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi trong chính sách ngoại giao cho Nhà Trắng.

Các nhân vật được “chọn mặt gửi vàng” lần này gồm Antony Blinken, Linda Thomas-Greenfield và Jake Sullivan đều là cựu thành viên Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama, được xem là trung thành với ông Biden và là những người có chính sách đối ngoại trung dung. Ông Blinken, 58 tuổi - người đã làm việc với ông Biden gần 20 năm - được chọn làm ngoại trưởng, nhà ngoại giao hàng đầu của quốc gia. Một số chuyên gia đổ lỗi cho ông vì cuộc bỏ phiếu xâm lược Iraq của ông Biden năm 2003. Bà Linda Thomas-Greenfield, một trong những nữ quan chức ngoại giao da đen cấp cao nhất của Mỹ, từng làm việc nhiều năm về các vấn đề Châu Phi, được đề cử làm Đại sứ Mỹ tại LHQ. Ông Jake Sullivan là cựu quan chức bộ ngoại giao và từng là trợ lý của bà Hillary Clinton, người đóng vai trò quan trọng trong đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Ông từng là cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden khi ông còn là phó tổng thống.

Theo các chuyên gia, đứng hàng đầu trong chương trình nghị sự của nhóm Biden sẽ là tái gia nhập các tổ chức, liên minh và hiệp ước mà ông Trump đã tìm cách làm suy yếu hoặc giải thể trong 4 năm qua. Họ sẽ có nhiệm vụ đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris và giữ Mỹ trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Họ cũng sẽ tìm cách sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran, củng cố quan hệ với Nato và tìm kiếm các thỏa thuận thương mại như một phương tiện để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Một trong những lý do khiến ông Trump không tái đắc cử là do một số lượng lớn người Mỹ đánh giá chính sách đối ngoại của Mỹ đã thất bại. Câu hỏi đặt ra là liệu đội ngũ này có thể rút kinh nghiệm đủ để mang lại những thay đổi mà nước Mỹ thực sự cần hay không, gồm giảm ngân sách quân sự và hạn chế hơn trong việc sử dụng lực lượng quân sự.

Thách thức lớn khác nữa là thuyết phục khán giả nước ngoài, thậm chí cả các đối tác và đồng minh rằng, sức mạnh tồn tại của Mỹ đáng tin cậy – và rằng “nước Mỹ đã trở lại” như tổng thống đắc cử Biden đã nói. Giới phân tích cho rằng, với đội ngũ mới này, thế giới sẽ chứng kiến lần thay đổi 180 độ thứ hai trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong vòng 4 năm qua. Chính quyền sắp tới có quyết tâm khôi phục các liên minh mà Mỹ đã dựa vào hơn 7 thập kỷ hiện đã rạn nứt. Nhưng đây là một công việc không hề dễ dàng.

T.V