Thầy giáo đam mê khắc bút chì

Thứ tư, 02/03/2022 16:13

Bàn tay "ma thuật" của thầy Dương Văn Kiên (1981, giáo viên dạy toán của Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP Đà Nẵng) đã điêu khắc những cây bút chì bình thường thành những tác phẩm sáng tạo, độc đáo.

Thầy Kiên bên sản phẩm nghệ thuật của mình.

Trong ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Lê Hữu Trác, thầy Dương Văn Kiên nhiệt tình giới thiệu bộ sưu tập những tác phẩm điêu khắc chì "có một không hai" do chính mình sáng tạo. "Mỗi sản phẩm đều là độc nhất và mang một vẻ đẹp riêng. Nhiều năm nay, trong cặp tôi lúc nào cũng có vài cây bút chì khắc chữ để tặng cho học trò, khích lệ các em trong những tiết học", thầy Kiên mở đầu câu chuyện.

Gần 10 năm trước, tình cờ thấy những tác phẩm được khắc trên thân cây bút chì, thầy Kiên thích thú và tìm hiểu. Ban đầu, thầy dùng dao rọc giấy để khắc những tác phẩm đơn giản, làm quà tặng cho người thân, phần thưởng nhỏ cho các em học sinh. Thời gian đầu, những tác phẩm của thầy Kiên chỉ đơn giản là hình thú, chữ… Sau này, thầy tìm tòi điêu khắc những tác phẩm có độ khó cao hơn như các loại xích, hình rồng, phượng... "Ban đầu, tôi phải uốn cây bút chì cong theo dáng mình muốn, sau đó mới bắt đầu khắc. Như con phượng, tôi làm từ 2 cây bút chì tái chế, với phần thân đến đuôi từ một cây, phần cánh khắc từ một cây khác. Những tác phẩm công phu như thế này thường mất từ một tuần đến mười ngày mới hoàn thành", thầy Kiên cho hay.

Ngoài dùng bút chì gỗ để khắc, thầy Kiên còn sáng tạo trên bút chì không vỏ, chì thợ mộc, chì ruột chữ nhật, chì vẽ… Tuy nhiên, việc mua được những cây bút chì đặc biệt đó không dễ, có loại phải nhờ học trò "xách tay" từ nước ngoài về. "Bút chì gỗ bán nhiều ngoài thị trường, rất dễ tìm. Nhưng bút chì thợ mộc, chì không vỏ thì khó mua hơn. Đối với những loại bút chì hiếm, mỗi lần điêu khắc tôi đều phải cẩn trọng gấp 5, gấp 10 vì nếu hỏng sẽ rất khó kiếm vật liệu thay thế", thầy Kiên tâm sự. Để việc điêu khắc được thuận tiện, thầy Kiên cũng tự chế tạo một bộ đồ nghề riêng tùy thuộc vào nhu cầu khắc. Phần thân của dao khắc được chế từ thân bút chì, vỏ bút mực; phần lưỡi làm bằng đủ loại vật liệu như kẹp tóc, lưỡi dao mổ, kim khâu…

Hơn 10 năm gắn bó với đam mê, bộ sưu tập của thầy Kiên đã có cả nghìn tác phẩm điêu khắc. Chỉ riêng các loại xích điêu khắc từ bút chì đã có hơn trăm mẫu, mỗi mẫu là một loại họa tiết xích khác. Sau khi hoàn thành, các tác phẩm đều sẽ được phủ lên một lớp sơn bóng chống ẩm mốc. Theo thầy Kiên, mỗi khi có ý tưởng, thầy đều phác họa lên giấy để tính toán phương án, sau đó mới tiến hành khắc. Thời gian hoàn thành mỗi tác phẩm từ vài giờ đến vài ngày. 



Từ đam mê điêu khắc bút chì, thầy Kiên đã tạo nên nhiều tác phẩm độc đáo, đẹp mắt. 

Không chỉ khắc trên thân gỗ bút chì, thầy Kiên còn "chơi lớn" khi điêu khắc trên ruột bút chì. Việc điêu khắc trên ruột bút chì yêu cầu sự tập trung và tính tỉ mỉ rất lớn. "Ruột chì rất nhỏ, lại dễ gãy nên việc khắc hình lên đã khó, khắc các loại xích với họa tiết cầu kỳ thì khó khăn gấp bội", thầy Kiên giải thích. Đáng chú ý trong bộ sưu tập của mình, thầy Kiên khắc sợi xích đôi từ ruột cây bút chì thợ mộc. Cách đây khoảng 5 năm, thầy có ý định làm 2 sợi xích cùng trên 1 ruột của cây bút chì. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, khi thất bại đến cây bút chì thứ 4, nhận thấy bản thân chưa đủ "trình" để làm, thầy cất hết đồ nghề vào hộp. Đến năm 2019, thầy Kiên mới tiếp tục thực hiện ý tưởng còn dang dở năm nào. Thế nhưng, cũng phải thất bại đến cây bút thứ 3, thầy mới tự tin hoàn thành công trình của mình. "Trong quá trình làm chỉ cần thở mạnh là ruột bút cũng gãy rồi. Cũng phải giữ không được tác động mạnh lên ruột bút chì nếu không sẽ gãy. Lúc ruột chì được khắc ra thành sợi xích khó hỏng hơn vì không chịu lực", thầy Kiên cho hay.

Đam mê khắc bút chì của thầy Kiên đã "truyền lửa" cho nhiều thế hệ học trò. Nhiều em muốn "học nghề" nên thầy cũng thành lập một CLB điêu khắc bút chì để chỉ dẫn cho các bạn sinh viên, học sinh trên địa bàn. "Tôi không có nhiều thời gian để cầm tay chỉ việc nên các em phải chủ động. Các bước thực hiện đều được tôi chụp ảnh lại và gửi lên nhóm để các em xem rồi tự "vọc" theo, nếu có vướng mắc gì thì thầy trò cùng trao đổi", thầy nói thêm. 

Ngoài sáng tạo các tác phẩm từ cây bút chì, thầy Kiên còn sáng tạo các tác phẩm từ vỏ trứng vịt, trứng đà điểu. "Ban đầu dụng cụ để khắc trên vỏ trứng cũng là tôi tự chế, sau này, tôi mua máy dùng cho nha khoa. Các tác phẩm khi hoàn thành được tôi trưng bày ở nhà hoặc chỉ tặng cho những người thân thiết. Vì làm ra một tác phẩm rất lâu, không biết giữ gìn rất dễ bị hỏng, mà hỏng thì họ tiếc một mình lại xót mười", thầy Kiên lý giải.

T.D