Thầy thuốc quân hàm xanh

Thứ năm, 06/09/2018 16:00

Mô hình Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên được triển khai từ năm 2008. Đây là một sáng kiến của Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng xây dựng điểm tại KDC Kim Liên, P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu và được Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung đầu tư kinh phí 2,5 tỷ đồng xây dựng công trình dân sinh "3 trong 1" là nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà tránh trú bão và trạm quân dân y kết hợp"-Đại úy Ninh Công Khánh, Quân y, phụ trách phòng khám cho biết.

Đại úy Ninh Công Khánh.

Khi được BCH BĐBP TP điều động về nhận nhiệm vụ tại phòng khám này, điều kiện về vật chất, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh còn thiếu thốn rất nhiều. Tuy nhiên, Đại úy Ninh Công Khánh xác định "Đây là nhiệm vụ mới nên ngoài việc có chuyên môn giỏi cần phải phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cán bộ KDC văn hóa biển Kim Liên; sự yêu mến, đùm bọc của nhân dân mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao". Trải qua 10 năm gắn bó với Trạm quân dân y kết hợp, Đại úy Khánh đã từng bước vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để làm tốt công tác khám , điều trị miễn phí cho nhân dân, tạo được niềm tin trong cộng đồng dân cư tại đây. Lúc đầu, mọi người còn e dè nhưng khi người này đỡ bệnh rồi đi nói với người kia nên bà con dần tin tưởng và đến phòng khám ngày một đông. Theo lịch công tác, vào các buổi chiều hàng ngày, phòng khám quân dân y của Đồn Biên phòng Hải Vân ở nhà "3 trong 1" tại KDC văn hóa biển Kim Liên lại đông kín bệnh nhân đến châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và chữa trị. Không dừng lại ở đó, trong suốt 10 năm liền, ngoài thời gian ở phòng khám,Đại úy Ninh Công Khánh tranh thủ thời gian đi khắp làng biển để khám chữa bệnh lưu động cho những bệnh nhân đi lại khó khăn, không có khả năng đến phòng khám. Có người nói vui "Ngày xưa có chiếu bóng lưu động, giờ có chữa bệnh lưu động".

Cuối năm 2015, BCH BĐBP TP Đà Nẵng điều chuyển Đại úy Ninh Công Khánh về công tác tại Bệnh xá Biên phòng TP và giao công tác quân dân y kết hợp cho một đồng nghiệp khác. Biết tin này, bà con làng biển kéo về chật kín cả phòng khám để giữ anh lại không muốn cho đi nhưng anh hứa với bà con sẽ tranh thủ sắp xếp thời gian để về chăm sóc sức khỏe cho bà con. Nói thì vậy nhưng ngay sau đó, Đại úy Khánh quyết định mượn một căn nhà ở làng biển để làm nơi khám chữa bệnh miễn phí cho mọi người. Kể từ đó, mỗi ngày, cứ sau giờ làm việc ở Bệnh xá Biên phòng thành phố, anh lại chạy xe máy vượt hơn 20km về với làng biển. Mọi máy móc, vật dụng anh đều bỏ tiền túi ra mua sắm và mượn nhà làm phòng khám được 2 tháng thì người nhà không cho mượn nữa với lý do "sợ lây bệnh". Sau đó, Đại úy Khánh được một gia đình ở Tổ dân phố số 8 cho mượn sân và hiên để làm chỗ khám, điều trị. Thế nhưng, ngày bình thường thì không sao song mỗi khi mưa, gió là từ người khám cho đến bệnh nhân đều phải xúm vào lo cầm chiếu gối, máy móc... chạy tán loạn. Để công việc ổn định hơn, anh Khánh đã chủ động đề nghị địa phương cho mượn nhà sinh hoạt cộng đồng của TDP số 8, P.Hòa Hiệp Bắc để khám bệnh. Và kể từ đó, nơi đây được bà con làng biển gọi là "Trạm xá của người nghèo".

Bệnh nhân đang được điều trị châm cứu tại Phòng khám quân dân y kết hợp.

"Năm 2016, bà con nhân dân khu vực Kim Liên quyết định làm đơn đề nghị với BCH BĐBP TP điều động tôi trở lại với Phòng khám quân dân y kết hợp. Như vậy là sau hơn một năm tôi lại được trở lại với bà con Kim Liên. Lúc này, tôi cùng lúc phụ trách 2 nơi khám và chữa bệnh. Đó là, Phòng khám quân dân y kết hợp ở nhà "3 trong 1" của "Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên" và "Trạm xá của người nghèo". Biết tôi trở lại khám chữa bệnh, bà con Kim Liên đổ về trạm xá và Phòng khám ngày một đông. Mỗi ngày, trung bình, tôi chữa trị cho gần 50 bệnh nhân. Bởi vậy, công việc kéo dài đến gần 22 giờ đêm mới hết bệnh nhân"-Đại úy Ninh Công Khánh nhớ lại. Riêng về thuốc, trước đây, mỗi năm có 2 cơ số thuốc dự phòng sẵn sàng chiến đấu của trên cấp nên có thể vận dụng cấp miễn phí cho bà con. Tuy nhiên, kể từ năm 2017 trở lại đây, thuốc được quyết toán theo quy định bảo hiểm y tế nên không thể lấy thuốc cấp miễn phí cho bà con được nữa. Trước khó khăn đó, Đại úy Ninh Công Khánh đã bàn với khu dân cư vận động các nhà hảo tâm và cả sự đóng góp, ủng hộ của CBCS Đồn Biên phòng Hải Vân để mua thuốc. Thậm chí có lúc bí quá, anh cũng sẵn sàng bỏ tiền túi ra để mua. Tính đến nay, anh đã vận động được trên 60 triệu đồng mua thuốc và trang thiết bị phục vụ bà con. "Tiếng lành đồn xa" nên từ khi thành lập phòng khám quân dân y kết hợp đến nay, Đại úy Ninh Công Khánh đã khám và chữa bệnh cho 4.235 lượt bệnh nhân trên địa bàn P.Hòa Hiệp Bắc cũng như bệnh nhân từ các quận, huyện khác đến. Những chứng bệnh như thoái hóa xương khớp, tai biến mạch máu hay tai nạn giao thông... được anh sử dụng những phương pháp kết hợp đông tây y hay phương pháp tác động cột sống tùy theo từng bệnh nhân cho phù hợp. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Đại úy Khánh đã chữa trị thành công nhiều ca mắc bệnh xương khớp mãn tính, tai biến mạch máu não. Đó là trường hợp bệnh nhân Huỳnh Thị Phẩm, 70 tuổi, tổ 19; ông Nguyễn Văn Tá, 70 tuổi, tổ 20, P.Hòa Hiệp Bắc. Đặc biệt là bệnh nhân Lê Thị Thanh Hiền, tổ 28, P.Hòa Hiệp Bắc bị TNGT năm 2006 với chẩn đoán của Bệnh viện Đà Nẵng là chấn thương sọ não, liệt tứ chi; thế nhưng qua thời gian điều trị tại phòng khám quân dân y kết hợp "3 trong 1" đến nay bệnh nhân đã chống nạng đi lại và làm được những việc sinh hoạt cá nhân. Bệnh nhân Nguyễn Văn Định bị liệt tứ chi do tai biến mạch máu não, qua thời gian điều trị, đến nay đã tự làm được những việc phổ thông. Và không biết từ bao giờ, người dân ở làng biển Kim Liên đã gọi Đại úy Ninh Công Khánh với những cái tên rất trìu mến: "Thầy thuốc quân hàm xanh", "Bác sỹ quân hàm xanh", "Bệnh xá 15 nghìn đồng"...

PHƯƠNG KIẾM