Thầy thuốc quân y ở Quảng Sơn
Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, sạch sẽ, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn vững vàng, luôn niềm nở, tận tình chăm sóc, điều trị, tư vấn sức khỏe cho các bệnh nhân, những năm qua, bệnh xá Đoàn KT-QP Quảng Sơn thực sự là địa chỉ tin cậy đối với các cán bộ, nhân viên, người lao động và đông đảo người dân sinh sống trên địa bàn các xã ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Thiếu tá QNCN Vũ Thị Quang thăm khám sức khỏe cho một người dân xã Quảng Sơn. |
Đứng chân nơi vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế, giao thông đi lại rất khó khăn, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân còn nhiều lạc hậu, bằng tình cảm, trách nhiệm, các cán bộ, nhân viên Bệnh xá Đoàn KT-QP Quảng Sơn vừa chú trọng làm tốt công tác y tế dự phòng, vừa tích cực thu dung điều trị cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động, đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Quân số mỏng lại thường xuyên phân tán, nhưng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, thăm khám, chăm sóc, điều trị, khám sức khỏe định kỳ cho gần một nghìn lượt bệnh nhân.
Khi dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát mạnh tại các tỉnh miền Trung, các thầy thuốc Đoàn KT-QP Quảng Sơn chính là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống dịch. Cách đây hơn 1 tháng, giữa đêm, Thiếu tá QNCN, y sĩ Vũ Thị Quang, cán bộ phụ trách Bệnh xá Đoàn KT-QP Quảng Sơn nhận được điện thoại của người dân, báo tin, cụ bà H'Riêng, 90 tuổi, trú tại bon Nting (xã Quảng Sơn) lên cơn co giật, ói mửa, đau bụng dữ dội. Sau khi thăm khám, truyền dịch, chị Quang khuyên gia đình nên thuê xe, đưa cụ bà đi bệnh viện để tiếp tục điều trị, nhưng vì lý do kiêng cữ, người nhà bệnh nhân kiên quyết không nghe. Cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh người bệnh, được sự đồng ý của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, chị Quang đã ở lại, chăm sóc bà H'Riêng suốt hai ngày, hai đêm, đến khi bà khỏe hẳn, chị mới trở về bệnh xá.
Gắn bó với bệnh xá hơn 20 năm nay, Thiếu tá QNCN, y sĩ Khương Văn Thìn chẳng thể nào nhớ nổi mình đã trực tiếp thăm khám, điều trị, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe cho bao nhiêu người dân. Chỉ biết rằng, con số ấy, qua thời gian, cứ mỗi lúc một nhiều thêm. Lần nào đi xuống cơ sở anh cũng được bà con dân bản chào hỏi, tiếp đón rất niềm nở, chân tình. Nhìn những đứa trẻ người dân tộc M'nông, Tày, Nùng, Dao ngày xưa mình từng đỡ đẻ, thăm khám, chữa sài, chữa đẹn giờ đã cao lớn phổng phao, chuẩn bị có vợ, có chồng, công ăn việc làm ổn định, góp phần tích cực xây dựng đời sống mới nơi vùng sâu, anh như được tiếp thêm động lực, để phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa mọi nhiệm vụ được giao.
Chỉ vào vết rắn cắn đã liền sẹo, anh Trần Trung Sỹ, 30 tuổi, nhân viên bảo vệ rừng Đại đội 531 xúc động: "Rừng thiêng nước độc, quá trình thực hiện nhiệm vụ, tuy được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ nhưng chúng tôi vẫn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Song đáng sợ nhất vẫn là lũ ống, lũ quét, bẫy thú và rắn độc. Giữa tháng 6 vừa rồi, nửa đêm tôi bị rắn độc cắn, chỉ sau ít phút đã tím tái, hôn mê chẳng biết gì, nếu không có các y, bác sĩ của bệnh xá tận tình nặn máu, ga rô, chống độc và chuyển lên tuyến trên cấp cứu kịp thời, chẳng biết chuyện gì đã xảy ra đối với tôi. Lương y như từ mẫu, các thầy thuốc của Đoàn thực sự là ân nhân, tri kỷ của chúng tôi".
Đang tất bật cắt, dán những tờ hướng dẫn sử dụng lên những chiếc tủ thuốc mi-ni, thấy chúng tôi bắt chuyện, Thiếu tá QNCN Vũ Thị Quang cho biết: "Để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đồng thời nâng cao ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân cho bà con, năm nay, từ các nguồn kinh phí hỗ trợ của trên, chúng tôi sẽ trao tặng gần 30 tủ thuốc gia đình, cùng rất nhiều loại thuốc, vật tư y tế thông dụng cho các gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo trên địa bàn. Trên mỗi tủ thuốc đều có hướng dẫn sử dụng và các thông tin, số điện thoại cán bộ, nhân viên y tế rất đầy đủ, cụ thể. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu, Covid-19, sốt xuất huyết cũng được chúng tôi dán sẵn bên hông tủ thuốc, để khi cần, bà con có thể tra cứu, áp dụng được ngay".
Việt Hùng