Thầy trò chế tạo cổng kiểm soát thông minh ra vào chợ
Ngay từ khi TP Đà Nẵng thực hiện việc phát phiếu cho người dân đi chợ 3 ngày/lần trên toàn địa bàn thành phố nhằm mục đích kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh lây lan tại các chợ truyền thống, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng đã sớm vào cuộc. Chỉ sau một thời gian ngắn, sản phẩm có ý nghĩa thiết thực đã ra đời, góp phần cùng thành phố chung tay phòng, chống dịch Covid-19. Đó là cổng kiểm soát thông minh để giải bài toán kiểm soát người ra, vào chợ một cách hiệu quả.
Cổng kiểm soát tự động tại chợ Phước Mỹ. |
Sáng 21-8, tại chợ Phước Mỹ (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng), đại diện tập thể Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng đã tiến hành bàn giao, đưa vào sử dụng thí điểm Cổng kiểm soát lượt người cho Ban quản lý chợ Phước Mỹ, với sự chứng kiến của đại diện Sở Công Thương và UBND Q.Sơn Trà. Đây là sản phẩm được chế tạo bởi đội ngũ giảng viên, sinh viên nhà trường, cùng chung tay với địa phương và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh đang lây lan.
Thầy Hồ Viết Hà - Phó hiệu trưởng phụ trách trường cho biết, ý tưởng chế tạo cổng này xuất phát từ chủ trương tăng cường giãn cách xã hội hiệu quả của thành phố Đà Nẵng, thực hiện phát phiếu theo lượt cho người dân trên địa bàn, để giảm lượng người tập trung cùng lúc quá đông trong các chợ. “Việc phát phiếu được tổ chức bằng tay và kiểm soát thủ công, đôi lúc tập trung quá nhiều người vào trong chợ, gây ra nhiều bất tiện cũng như hiệu quả hạn chế trong công tác quản lý, tạo giãn cách xã hội chưa tốt trong chợ. Với thực trạng đó, qua gợi ý từ cơ quan đại diện Tạp chí Việt Nam Hội nhập tại Đà Nẵng, tập thể CB-CNV nhà trường đã khẩn trương chế tạo Cổng kiểm soát lượt người ra vào chợ” - thầy Hà chia sẻ.
Qua tìm hiểu, sản phẩm này được thiết kế đơn giản, kết hợp ứng dụng công nghệ cảm biến tự động và cơ khí chế tạo điều khiển tự động, với dạng cổng ra vào hai chiều, có barie tự động đóng mở. Cổng cho phép thiết lập số lượng người tối đa vào chợ theo tính toán quy mô của từng chợ, tạo giãn cách tốt cho người dân ở trong chợ. Barie được đóng mở tự động qua cảm biến có người chuyển động, tốc độ đóng mở được tùy chọn. Như vậy, cổng có thể kiểm soát chặt chẽ, chính xác lượt người ra, vào đúng số lượng yêu cầu về giãn cách, thống kê được lượng người đi chợ hàng ngày. Ngoài ra, cổng còn tích hợp chức năng phun dung dịch rửa tay sát khuẩn tự động, camera theo dõi người ra vào để kết nối lưu trữ, hỗ trợ truy vết đối tượng về sau. Thông số kỹ thuật của sản phẩm gồm: Kích thước: 45 x 1100 x 30 cm; nguồn điện sử dụng: 220V; tích hợp các bộ phận: Cổng chắn vào và ra (cảm biến tự động), bộ đếm tự động (vào, ra), phát hiện số lượng người hiện có, máy phun dung dịch sát khuẩn tự động; hệ thống camera nhận diện người vào chợ, kết nối wifi.
Thầy Hồ Viết Hà nhìn nhận, với cổng này, người dân sẽ không bị giới hạn thời gian, lượt đi chợ trong mỗi ngày, nhưng phải tuân thủ số lượng mật độ giãn cách và các yêu cầu về an toàn dịch tễ theo quy định (khẩu trang, sát khuẩn…). Do ý tưởng chế tạo Cổng kiểm soát được hiện thực hóa trong thời gian rất gấp (một tuần) nên sản phẩm vẫn chưa hoàn thiện, trước mắt lắp thí điểm tại chợ Phước Mỹ để người dân làm quen và giới thiệu các cơ quan quản lý chức năng xem xét, có thể thay thế dần cho việc phát phiếu đi chợ tại Đà Nẵng.
“Chúng tôi hy vọng đây là sản phẩm tích cực, hiệu quả trong việc quản lý, giám sát người ra vào các địa điểm, khu vực cần kiểm soát. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục hợp tác với một số đơn vị sản xuất để triển khai mô hình sản phẩm này rộng rãi hơn, bố trí thêm những tính năng như camera phát hiện đối tượng, buồng sát khuẩn tự động, máy quét QR code phục vụ truy vết… Theo đó, cổng sẽ có thể dùng rộng rãi ở các nhà máy, xí nghiệp, công sở, nhà trường, bệnh viện, các khu vực y tế, cách ly, điểm tham quan, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn… đều nhằm mục tiêu hỗ trợ tốt hơn các yêu cầu giám sát y tế, hoạt động phòng chống dịch bệnh” - thầy giáo Hồ Viết Hà bộc bạch. Cũng theo thầy Hà, do Cổng kiểm soát trước mắt chế tạo từ linh kiện, thiết bị tận dụng của nhà trường, chưa được tính toán kỹ chi phí lắp đặt sản xuất. Thời gian tới, nếu được sự hợp tác tốt hơn từ các tổ chức, doanh nghiệp, và được sự cho phép của chính quyền, nhà trường sẽ mở rộng việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào sản phẩm này.
Còn nhớ, trong đợt dịch trước đây, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cũng đã kịp thời nghiên cứu, chế tạo để trao tặng 5 mô hình máy rửa tay sát khuẩn tự động cho các chợ và siêu thị trên địa bàn TP Đà Nẵng. Những việc làm của nhà trường đã góp phần nhỏ của mình chung tay cùng thành phố nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho mọi người.
PHƯƠNG KIẾM