Thầy trò cùng sáng tạo
(Cadn.com.vn) - Mong muốn học sinh có một “sân chơi” trí tuệ, gắn kết giữa “học” với “hành”, từ năm 2010, Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tuy Hòa, Phú Yên đã phát động phong trào học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Từ những ý tưởng sáng tạo cộng với sự nỗ lực cố gắng của cả thầy và trò, nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao đã ra đời và đạt được những giải thưởng đáng khích lệ.
Để có được phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh, việc khơi dậy niềm đam mê và sự sáng tạo là một điều quan trọng... - thầy Lê Đức Kỳ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ. Xác định phải khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong học sinh, từ những giờ dạy trên lớp hay những giờ sinh hoạt ngoại khóa, các giáo viên bộ môn của Trường THPT Nguyễn Huệ luôn tìm cách tạo sự hứng thú và kích thích sự tò mò, khám phá ở các em.
Trong mỗi tiết dạy, các thầy, cô bộ môn luôn chú trọng nêu lên các ví dụ về ứng dụng của lý thuyết trong các sản phẩm thực tiễn ngoài đời sống. Ngoài giờ thực hành theo quy định, thầy cô còn gợi ý thêm những bài thực hành mở rộng, đồng thời hướng dẫn để các em tự thực hiện theo nhóm tại nhà khi có điều kiện về thời gian...
Thầy trò Trường Nguyễn Huệ tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh năm học 2013-2014. |
Ban giám hiệu nhà trường còn giao các tổ bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thực hiện nhiều thí nghiệm mang tính ứng dụng ngay trong giờ sinh hoạt đầu tuần như: biểu diễn tên lửa nước; mô hình núi lửa; ứng dụng mạch điều khiển tự động bằng ánh sáng; mạch tạo xung tự động; biểu diễn hoạt động của robot điều khiển bằng sóng wifi..., qua đó tạo sự hứng thú cho học sinh.
Với cách làm này, nhiều ý tưởng sáng tạo đã được hình thành trong các em. Em Phạm Khánh Huy, học sinh lớp 12TL1 cho biết: Từ kiến thức ở bộ môn Sinh học, Vật lý, Tin học và thực tế tình trạng thiếu nước trong phục vụ tưới nông nghiệp ở tỉnh, em đã hình thành ý tưởng tìm “Giải pháp tiết kiệm nước tưới trong nông nghiệp” bằng cách vận dụng các van đóng, mở tự động hệ thống thủy lợi thông qua việc điều khiển bằng sóng wifi...
Với mong muốn kiểm soát ngôi nhà của mình khi đi vắng bằng ĐTDĐ, em Nguyễn Quốc Bảo - học sinh lớp 12TL4 lại vận dụng kiến thức về “Ngôn ngữ lập trình” ở bộ môn Tin học và “Quang trở”, “Cảm biến” trong bộ môn Vật lý để hoàn thành sản phẩm “Ngôi nhà thông minh”...
Thầy Nguyễn Hữu Phước, Tổ trưởng Tổ Vật lý - Kỹ thuật đồng thời cũng là người được Ban giám hiệu nhà trường giao trực tiếp phụ trách, hướng dẫn hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh chia sẻ: Những sản phẩm có được là từ sự nỗ lực và niềm đam mê của các em.
Chúng tôi chỉ giúp khi các em gặp khó khăn về kiến thức, lý thuyết; tạo điều kiện để các em mượn dụng cụ thí nghiệm, sử dụng phòng bộ môn trong quá trình nghiên cứu; giới thiệu những cơ sở gia công, mua sắm trang thiết bị... Nếu các em thiếu kinh phí thực hiện, chúng tôi tìm cách huy động trong tập thể cán bộ giáo viên hay quỹ cha mẹ học sinh của nhà trường để giúp đỡ...
Với cách gây dựng phong trào như vậy, năm học 2013-2014, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ đã thực hiện được 3 đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Năm học 2014-2015, tiếp tục có 10 lượt ý tưởng sáng tạo được các em đề xuất, trong đó 3 ý tưởng đã được cụ thể hóa thành sản phẩm, các ý tưởng còn lại đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Nói về hiệu quả của phong trào học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thầy Lê Đức Kỳ cho biết: Hoạt động này giúp cả học sinh và giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn. Học sinh có thể vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống một cách sáng tạo. Hơn nữa, phong trào còn góp phần đổi mới hình thức hoạt động dạy học, phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực tự học, sáng tạo của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Xuân Triệu