Thầy trò vùng khó hào hứng với VNEN

Thứ sáu, 16/10/2015 10:08

(Cadn.com.vn) - Việc triển khai cho giáo viên, học sinh đầu cấp THCS tổ chức dạy học theo chương trình trường học mới (VNEN) không chỉ là hoạt động cụ thể hóa việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, mà còn thể hiện tính kế thừa, tiếp nối trong giáo dục đào tạo... Đó là những nhận định, đánh giá của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại cơ sở trong những ngày đầu bước vào năm học mới.

Chương trình VNEN ở cấp THCS tạo sinh khí mới cho giáo dục vùng khó.

Trường vùng khó hào hứng

Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến giáo dục miền núi – giáo dục dân tộc thiểu số thì ai cũng nghĩ đến những khó khăn, thiếu thốn mà các trường học đang phải đối mặt. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy, đến với các trường học huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) trong những ngày đầu năm học mới, chúng tôi thực sự được hưởng trọn không khí sư phạm rất sôi động khi các tiết học tràn đầy chất chuyên môn “trường học mới”. Người giáo viên đã thật sự thay đổi cách dạy, cách tiếp cận học sinh, còn học sinh hứng thú với từng tiết học.

Cũng là phòng học ấy, bàn ghế ấy phục vụ hoạt động dạy học cho các khóa học sinh nhiều năm nay, tuy nhiên, vào năm học 2015-2016 mọi sự sắp xếp, vị trí ngồi học của học sinh và giáo viên tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Long (xã Sơn Long, H. Sơn Tây) đều đã được thay đổi. Nhưng quan trọng hơn là người giáo viên thay đổi cách dạy, học sinh thì được tiếp tục học theo phương pháp mới từ cấp dưới. Cô giáo Trương Thị Mỹ Lệ, giáo viên môn Vật lý, chia sẻ: “Đây là năm học đầu tiên tôi cũng như nhiều giáo viên trong trường thực hiện phương pháp giảng dạy theo mô hình trường học mới. Mặc dù là lần đầu tiên dạy học sinh theo phương pháp mới này nhưng tôi cảm thấy rất hứng thú. Để chuẩn bị cho tiết học, tôi phải mất nhiều thời gian hơn cho việc soạn giảng, chuẩn bị chủ đề thảo luận theo nội dung bài học. Học sinh không chỉ tư duy một cách độc lập mà cùng nhau giải quyết từng chủ đề, nội dung theo nhóm lớp. Qua đó, từng giờ học thực sự là giờ trải nghiệm, tự khám phá, chiếm lĩnh kiến thức của học sinh”.

Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Long, để chuẩn bị cho việc áp dụng phương pháp dạy học theo trường học mới, trong thời gian qua, đội ngũ giáo viên nhà trường đã được tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp giảng dạy. Việc triển khai dạy học theo phương pháp VNEN gặp nhiều thuận lợi, ai cũng hào hứng hưởng ứng, tham gia. Năm học này toàn trường có 36 học sinh khối 6, tất cả các em đều đã được học và làm quen với phương pháp VNEN ở bậc tiểu học, khi bước vào lớp 6 vẫn được học theo phương pháp này nên các em rất tự tin, chuyên tâm học tập”.

Cần tiếp tục đầu tư cho giáo dục miền núi để tạo đà nhân rộng mô hình VNEN, nhằm phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tạo đà cho sự đổi mới  tổng thể

Thầy Lê Hoài Thạnh – Trưởng phòng GD-ĐT H. Sơn Tây cho biết, việc tiếp tục nhân rộng mô hình trường học mới ở cấp THCS không chỉ đánh dấu sự đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, mà còn thể hiện bước chuyển mình của giáo dục miền núi huyện nghèo Sơn Tây. Dẫu hiện nay các điều kiện phục vụ học tập theo chương trình VNEN tại các trường trên địa bàn Sơn Tây cũng như miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn rất nhiều, nhưng với quan điểm đúng đắn của ngành GD-ĐT, đội ngũ cán bộ, giáo viên sẽ nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để áp dụng triển khai chương trình VNEN một cách hiệu quả, với tinh thần “việc gì có ích, có lợi cho học sinh thì làm”.

Thầy Nguyễn Ngọc Tựu – Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho hay: Sau 2 năm ngành GD-ĐT tỉnh triển khai mô hình trường học mới ở khối tiểu học, năm nay, chương trình này lần đầu tiên áp dụng cho khối THCS. Theo đó, có 22 trường THCS của 14 huyện, thành phố với 70 lớp và hơn 2.200 học sinh tham gia học theo chương trình trường học mới.

Là năm đầu tiên triển khai mô hình VNEN, niềm vui không chỉ dừng lại ở tập thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THCS Trần Phú (H. Phú Ninh, Quảng Nam), mà còn của phụ huynh. Họ tỏ ra hết sức phấn khởi khi con em được tiếp tục học tập theo mô hình trường học mới. Bởi nói như thầy Huỳnh Thanh Hường – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, tư duy đổi mới “cách dạy, cách học” không chỉ ngày càng ăn sâu vào nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên, mà ngày càng lan rộng, đi sâu vào sự nhận thức của người dân, phụ huynh học sinh. Bằng chứng là phụ huynh học sinh biết được con em mình tiến bộ, phát triển hoàn thiện hơn là nhờ vào phương pháp giảng dạy nào, chương trình học tập ra sao. Chính vì vậy, việc triển khai nhân rộng mô hình trường học mới vừa thể hiện tính hiệu quả của phương pháp học tập, vừa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và người dân.

“Sự tiếp nối chương trình VNEN từ cấp tiểu học đến cấp THCS là bước phát triển mang tính kế thừa, phát huy hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông”, thầy Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam nhận định.

Khải Minh