Thầy trồng rau, trò hái chữ

Thứ ba, 31/03/2015 10:04

(Cadn.com.vn) - Ngày ngày, sau những giờ học trên lớp, thầy trò cùng nhau tham gia sản xuất cải thiện bữa ăn, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao... đã thành nếp sống của giáo viên, học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Đăk Pxi (xã Đăk Pxi, H. Đăk Hà, tỉnh Kon Tum). Tình nghĩa thầy trò như càng thắm thiết hơn khi đêm đêm những người giáo viên chong đèn kèm cặp học sinh ôn bài.

Vườn rau của thầy trò Trường PTDT bán trú THCS Đăk Pxi.

Thầy trò cùng thi đua sản xuất

Đến thăm Trường PTDTBT THCS Đăk Pxi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi trong khuôn viên nhà trường có đến hai vườn rau lớn. Các luống rau với những cải xoong, xà lách, cần tây, ngò gai… xanh tươi. Theo các giáo viên nhà trường, để khắc phục những khó khăn của một trường miền núi còn nhiều thiếu thốn, ngay từ những năm học đầu, giáo viên đã có ý tưởng tận dụng phần diện tích đất quanh trường để trồng rau nhằm cải thiện bữa ăn cho chính mình. Đến những năm học gần đây, khi số lượng học sinh được ở bán trú tăng lên, giáo viên đã chủ động mở rộng thêm diện tích sản xuất rau và giao cho học sinh phụ trách. Từ đó đến nay, bữa ăn của thầy trò mỗi ngày chủ động được nguồn rau sạch, vừa tiết kiệm được chi phí.

Thầy Đỗ Đức Phong - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Đăk Pxi chia sẻ, nhờ phát triển được vườn rau bán trú trong nhiều năm nay nên bữa ăn của giáo viên, học sinh bán trú liên tục được cải thiện. Tuy nhiên, lợi ích mà nhà trường có được nhiều hơn là có một môi trường học tập, lao động tập thể với những bài học bổ ích cho học sinh, giúp các em gắn bó với trường, với lớp hơn. Còn giáo viên có điều kiện tự hoàn thiện mình, xứng đáng là tấm gương sáng cho mỗi học sinh. "Năm học này số lượng học sinh được ăn ở bán trú tại trường tăng vọt so với năm học trước. Năm học 2013-2014 chỉ có 60 học sinh được ở bán trú nhưng qua năm học 2014-2015 trường có 238 học sinh trong tổng số 476 học sinh được ăn ở bán trú tại trường. Có được kết quả này là do nhà trường có thêm phòng ở bán trú cho học sinh, một phần nhờ công tác tổ chức bán trú được nhà trường phối hợp thực hiện tốt, cùng với giáo viên, học sinh đã chủ động được một phần nguồn thực phẩm hằng ngày", thầy Phong nói.

Chúng tôi không khỏi cảm mến khi chứng kiến cảnh sau giờ học trên lớp, học sinh Trường PTDTBT THCS Đăk Pxi tự giác tranh thủ thời gian cùng nhau chăm sóc vườn rau. Từ việc cuốc đất, lên luống, gieo hạt, nhổ cỏ, bón phân… đều được các em học sinh thực hiện thuần thục. Thầy Phạm Trọng Cương - giáo viên môn Ngữ văn chia sẻ, việc học sinh tham gia lao động sản xuất không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm phục vụ cho chính bản thân mình, mà giúp các em rèn luyện kỹ năng lao động, kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt tập thể. Từ đó, hiểu được ý nghĩa của lao động, biết trân trọng những gì mình làm ra. 

 Công tác tổ chức bán trú cho học sinh liên tục được cải thiện góp phần nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc.

Chong đèn ôn bài

Từ ngày số lượng học sinh được tổ chức ăn ở bán trú tại trường, Ban Giám hiệu Trường PTDTBT THCS Đăk Pxi đã triển khai chương trình dạy phụ đạo học sinh vào buổi tối. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc của nhà trường trong thời gian qua. Bởi nói như thầy hiệu trưởng Đỗ Đức Phong, việc thành lập được trường bán trú là nỗ lực của toàn ngành giáo dục và chính quyền địa phương, còn làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học là trách nhiệm của tập thể hội đồng sư phạm nhà trường. Chính vì vậy, ngoài việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đòi hỏi người giáo viên phải có sự nỗ lực, chia sẻ lợi ích riêng nhằm có sự quan tâm chính đáng đối với con em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để đạt được hiệu quả, Ban Giám hiệu nhà trường đã có sự chỉ đạo xuyên suốt từ tổ chuyên môn đến từng giáo viên, đồng thời khơi dậy lòng nhiệt tình, sự tận tâm của từng giáo viên. Theo kinh nghiệm giảng dạy của thầy Trịnh Văn Thuận - giáo viên môn Sinh học, công việc của một giáo viên dạy các buổi phụ đạo thực sự rất vất vả. Bởi trong mỗi tiết dạy, người giáo viên "vừa dạy, vừa dỗ" học sinh. Bên cạnh đó, dạy phải sát từng đối tượng học sinh nhằm lấy lại kiến thức cũ, kiến thức cơ bản, đồng thời kết hợp lấy lại kiến thức đã mất từ lớp dưới cho các em học sinh. Muốn làm được điều này, những người giáo viên phải thực sự có tâm, trách nhiệm và tình yêu thương với học sinh.

Dẫu rằng, hiện nay chất lượng giáo dục nhà trường chưa thật sự được nâng cao, nhưng hằng năm tỷ lệ học sinh khá, giỏi được nâng lên, tình trạng học sinh bỏ học được hạn chế đến mức thấp nhất… Đây là những tín hiệu vui làm tiền đề cho đội ngũ giáo viên nhà trường tiếp tục nỗ lực thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục miền núi - giáo dục dân tộc.

Đại Khải