Thế bế tắc

Thứ ba, 06/03/2018 10:22

Nền chính trị Italia phải đối mặt với một giai đoạn bất ổn chính trị kéo dài sau khi các cử tri quyết định “chọn” một “Quốc hội treo” trong cuộc bầu cử ngày 4-3, “hắt hủi” các đảng phái truyền thống và đổ xô chống lại các nhóm phe cánh tả với con số kỷ lục.

Theo kết quả kiểm phiếu ngày 5-3, không chính đảng nào giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử này để có thể tự thành lập chính phủ. Theo đó, các đảng sẽ phải đàm phán để thành lập chính phủ liên minh và quá trình này có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Và Quốc hội sẽ “treo” cho đến lúc đó. Động thái này khiến cho Liên minh Châu Âu (EU) thật sự đau đầu.

Có nhiều kịch bản đã được nói đến. Thứ nhất, thành lập một chính phủ liên minh chống lại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) có khả năng sẽ thách thức các hạn chế về ngân sách của EU và ít quan tâm tới việc hội nhập Châu Âu. Thứ hai, trong trường hợp các đảng không thể tìm được tiếng nói chung trong cuộc đàm phán thành lập chính phủ, một cuộc bầu cử mới có thể được tổ chức nhằm phá vỡ bế tắc.

Một liên minh cánh hữu bao gồm cả đảng Forza Italia (Tiến lên Italia) của Thủ tướng Silvio Berlusconi đã xuất hiện với số phiếu bầu lớn nhất, hơn cả đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) - tổ chức chính trị do nhà hoạt động xã hội Beppe Grillo thành lập cách đây 9 năm - đã cho thấy họ có thể trở thành đảng duy nhất được ủng hộ lớn ở Italia. Trong khi đó, liên minh trung tâm cầm quyền đứng ở vị trí thứ 3, bị ảnh hưởng bởi sự tức giận tràn lan về tình trạng đói nghèo liên tục, tỷ lệ thất nghiệp cao và dòng chảy của hơn 600.000 người di cư trong 4 năm qua.

Nền chính trị trì trệ kéo dài có thể khiến Italia trở thành trọng tâm của những mối lo ngại của thị trường ở Châu Âu trong bối cảnh mối đe dọa về sự bất ổn của Đức đã giảm sau khi các thành viên của đảng trung tả Dân chủ Xã hội Đức (SPD), đảng lớn thứ hai của nước này, chấp thuận kế hoạch tham gia liên minh của Thủ tướng Angela Merkel.

THANH VĂN