Thế bế tắc Trung – Ấn

Thứ năm, 20/07/2017 11:52

Căng thẳng quân sự gia tăng ở Doklam, ngã ba biên giới 3 quốc gia Bhutan, Trung Quốc và Ấn Độ khiến nhiều người đặt câu hỏi: liệu New Delhi và Bắc Kinh có lặp lại cuộc chiến năm 1962 hay không?

Căng thẳng Trung-Ấn gia tăng hôm 16-6 khi một nhóm người Trung Quốc bắt đầu xây dựng một con đường ở Cao nguyên tranh chấp Doklam, nơi Ấn Độ khẳng định đó là đất của Bhutan. Bhutan phản ứng bằng cách kêu gọi trợ giúp từ Ấn Độ và New Delhi đã triển khai quân qua biên giới.

New Delhi cũng cảnh báo Bắc Kinh rằng, con đường đó là mối quan ngại an ninh sâu sắc vì nó cho phép Trung Quốc đi vào "cổ gà" - vùng đất hình chữ V, vốn kết nối 7 bang phía đông bắc Ấn Độ với phần còn lại của nước này. Việc Ấn Độ triển khai quân tới khu vực trên chọc giận Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng cách đóng một con đường độc đạo qua núi gần đó, nơi người Ấn Độ đi hành hương thường dùng để đến núi Kailash, vùng đất thánh ở Tây Tạng.

Lữ đoàn của quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận tại Tây Tạng. Ảnh: SCMP

Không ai nhường ai

Căng thẳng bị đẩy lên cao trong những ngày qua khi hai bên không có dấu hiệu nhượng bộ. Bắc Kinh cáo buộc New Delhi viện cớ Trung Quốc xây đường gần biên giới để đưa lính biên phòng Ấn Độ vào khu vực Donglang để cản trở việc mở đường. Quân đội hai nước sau đó đối đầu tại một thung lũng chiến lược do Trung Quốc kiểm soát, nơi chia tách Ấn Độ và Bhutan. Trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc leo thang, Ấn Độ ngày 12-7 cho phép quân đội mua ngay lập tức các loại vũ khí chuẩn bị cho "chiến tranh ngắn hạn".

Trong khi đó, Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV hồi cuối tuần trước đưa tin rằng, Trung Quốc chuyển hàng chục nghìn tấn máy móc và thiết bị quân sự tới Tây Tạng, gần khu vực tranh chấp. Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật suốt 11 tiếng tại Tây Tạng. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc hôm 18-7 cảnh báo, Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả tổng lực nếu Ấn Độ tiếp tục khuấy động xung đột trên tuyến biên giới tranh chấp. "Hành động của Ấn Độ là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc. Nước này sẽ đối mặt với chiến tranh tổng lực trên toàn Đường kiểm soát thực tế (LAC) nếu tiếp tục gây hấn", tờ báo viết.

Thời báo Hoàn Cầu cho biết Trung Quốc không e ngại chiến tranh với Ấn Độ. Với vị thế cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc có thừa khả năng đối đầu với Ấn Độ trong cuộc đối đầu tổng lực về kinh tế và quân sự. Cũng trong ngày 18-7, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng yêu cầu quân đội Ấn Độ lập tức rút lui khỏi khu vực tranh chấp để tránh tình hình xấu đi. "Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ hy vọng phía Ấn Độ sẽ hiểu rõ tình hình và ngay lập tức thực thi các biện pháp nhằm rút binh lính vượt biên trái phép trở về bên kia biên giới", ông Lục cho biết.

Trong bối cảnh xảy ra đối đầu giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Dokalam, Mỹ hối thúc hai gã khổng lồ Châu Á này hợp tác với nhau nhằm mang lại hòa bình. Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho hay: "Tôi biết Mỹ quan ngại về tình hình hiện nay ở đây. Chúng tôi tin rằng cả hai bên, cả hai phía nên hợp tác với nhau để cố gắng mang lại thỏa thuận vì hòa bình".  Trong khi đó, một quan chức của bộ này hôm 18-7 cho biết: "Chúng tôi khuyến khích Ấn Độ và Trung Quốc tham gia đối thoại trực tiếp nhằm làm giảm căng thẳng".

Xảy ra chiến tranh?

Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc và các cơ quan cố vấn cảnh báo Ấn Độ rằng, cuộc xung đột có thể dẫn đến chiến tranh nếu không được giải quyết đúng và cho rằng, quốc gia láng giềng này nên học hỏi những bài học từ lịch sử.

Khi được hỏi về khả năng tranh chấp đang diễn ra leo thang thành chiến tranh, Luo Zhaohui, đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, đã không loại bỏ khả năng phát triển như vậy. Khả năng chiến tranh giữa hai gã khổng lồ hạt nhân của Châu Á-Thái Bình Dương, với tổng dân số 2,6 tỷ người, là một trong những mối quan tâm lớn của cộng đồng chiến lược toàn cầu trong vài thập kỷ qua. Chắc chắn, cuộc chiến, có thể gây ra hàng ngàn thương vong và tàn phá một phần đáng kể của nền kinh tế toàn cầu, là một vấn đề cấp bách cho cộng đồng chiến lược.

Tuy nhiên, tờ Diplomat cho rằng, Ấn Độ sẽ không chiến tranh với Trung Quốc. Cấu trúc của chính phủ, và mối quan ngại của các nhà lãnh đạo về cuộc bầu cử vào tháng 5-2019 tới sẽ ngăn New Dehli hành động. Trong bất kỳ trường hợp nào, một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, dù là ngắn hay dài, sẽ có tác động phá hoại đối với nền kinh tế vốn đã bị xáo trộn bởi những cải cách. Ngay cả khi New Delhi giành chiến thắng, sức mạnh kinh tế và quân sự của các chiến lược của Bắc Kinh và Trung Quốc sẽ đảm bảo, trận chiến là không có lợi cho Ấn Độ. 

Trung Quốc cũng vậy, hình ảnh quốc tế sẽ ngăn cản Bắc Kinh có thêm hành động gây chiến. Cuộc chiến tranh chống lại Ấn Độ cuối cùng sẽ phá hủy hình ảnh mà Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng - đó là một siêu cường quốc xuất hiện từ sự chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa.

AN BÌNH