Thế chiến II dưới con mắt cựu phi công phát xít Nhật

Thứ sáu, 14/08/2015 10:18

(Cadn.com.vn) - "70 năm trôi qua, mọi thứ sẽ qua đi. Nhưng điều không thể biến mất là lòng hận thù đối với chiến tranh". Những lời nói thấm thía trên là của ông Kaname Harada, 99 tuổi, một cựu phi công lái máy bay chiến đấu của Nhật, khi ông nhận định về thời kỳ chiến tranh của đất nước, 7 thập kỷ sau khi hai quả bom nguyên tử kết thúc Thế chiến II.

Ông Harada là một trong những phi công hạt giống được lựa chọn vào phi đội mang tính biểu tượng Mitsubishi A6M Zero, loại máy bay chiến đấu tầm xa đáng sợ của Hải quân phát xít Nhật giai đoạn 1940-1945.

Nhiều phi công đồng nghiệp của ông Harada phải hy sinh trong cuộc chiến tranh tàn bạo này - đặc biệt là khi Nhật trở nên tuyệt vọng. Trong những năm cuối của chiến dịch Thái Bình Dương, phi đội Zero được chuyển thể để sử dụng trong hoạt động "kamikaze" - hay còn gọi là nhiệm vụ tự sát - khi các phi công lái máy bay chở bom lao trực tiếp vào các tàu của quân Đồng Minh nhằm làm tê liệt các hạm đội của đối phương.        

Ngoại trưởng Mamoru Shigemitsu ký văn kiện Nhật Bản đầu hàng trên tàu USS Missouri ngày 2-9-1945, chính thức kết thúc Thế chiến II. Ảnh: CNN

Sự hối hận và chuộc lỗi

Trong khi nhiều người trong số những người sống sót cảm thấy tự hào về quá khứ anh hùng của họ, đa số phải chịu đựng cảm giác hối hận.

"Cho đến khi kết thúc chiến tranh, tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác muốn đặt dấu chấm hết cho những người tôi không hề muốn chống lại. Họ có gia đình. Họ có con cái. Họ không muốn chết. Đây là quá khứ đau thương nhất của tôi", ông Harada nói. Ông Harada hiện sống gần núi Nagano, phía tây Tokyo cùng con gái trong tình trạng sức khỏe rất yếu.

Tuy nhiên, ông sử dụng sức mạnh và niềm tin còn lại để gửi thông điệp tới người dân Nhật, bởi ông muốn chuộc lỗi của mình. "Không có gì đau khổ hơn chiến tranh trong thế giới này. Chúng ta nên lên tiếng để các thế hệ tiếp theo nhận thức được điều này, và yêu cầu họ để duy trì hòa bình. Đây là điều duy nhất tôi có thể làm gì để chuộc lỗi với những gì xảy ra trong quá khứ", ông Harada nói.

Ông Harada cho biết mối quan tâm chính của ông là khi thế hệ chiến tranh qua đời, các quyết định về tương lai của Nhật phụ thuộc vào những người trẻ, những người chỉ biết hòa bình và không bao giờ phải trải qua nỗi kinh hoàng của chiến tranh.

"Mọi người chỉ là một vũ khí"

Tuy nhiên, khi nhìn lại khoảng thời gian đen tối trong quá khứ, Nhật cũng đang dự định một sự thay đổi quan trọng trong tương lai.

Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng thay đổi Hiến pháp Hòa bình thời hậu chiến, cho phép quân đội được triển khai ở nước ngoài. Dự luật mới gây tranh cãi này dự kiến sẽ được Quốc hội Nhật Bản thông qua. Đối với ông Harada, ông không có ý kiến gì về vấn đề này, song ông chỉ muốn nói rằng, "không có gì xấu xa như chiến tranh".

Một trong những kỷ niệm khó quên của ông Harada là chứng kiến những người bị thương cần được chăm sóc y tế sau một cuộc tấn công. "Khi tôi bước lên tàu, nhiều người bị mất tay, chân. Họ hét lên: Con đau quá. Con cần nước. Mẹ ơi!", ông Harada kể. "Tôi đã bay trong 5 giờ và cơ thể của tôi cảm thấy tê cứng, nhưng tôi muốn những người bị thương nặng được chăm sóc trước. Trong chiến tranh, không có những điều như quyền con người. Mọi người chỉ là một vũ khí", ông Harada nói.

An Bình

(Theo CNN)