Thế giới chưa rút ra đủ bài học từ dịch SARS
Thế giới đang vật lộn với chủng virus Corona mới, hiện đã lây lan từ Trung Quốc sang ít nhất 22 quốc gia khác. Chỉ 1 tháng sau khi dịch bệnh do virus Corona chủng mới xuất hiện ở Vũ Hán, thế giới đã sẵn sàng cho một đợt bùng phát trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu và cả thế giới đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan hơn nữa của virus Corona. Mặc dù nó có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với dịch SARS (2002-2003), nhưng virus Corona mới đang cho thấy sức tàn phá đáng sợ hơn nhiều. Vậy thế giới đã học được những bài học gì từ dịch SARS năm 2003? Câu trả lời là cả có và không.
Vâng, bởi vì phản ứng của Trung Quốc trong đại dịch lần này là tương đối nhanh chóng, cởi mở và hữu ích hơn nhiều so với 17 năm trước. Bắc Kinh đã xác định công bố ADN của virus trong thời gian sớm kỷ lục, như các báo cáo các trường hợp về căn bệnh này. Khóa chặt Vũ Hán và ngăn chặn người dân di chuyển trong kỳ nghỉ lễ lớn như Tết Nguyên đán dường như là những bước đi khôn ngoan. Nhưng trước khi cảm nhận được sự đáng sợ của Corona, phản ứng ban đầu của Trung Quốc bị chỉ trích là khá chậm chạp do tâm lý không sẵn sàng thừa nhận rằng một cuộc khủng hoảng lớn có thể xảy ra. Do đó, tai họa đã không được kiểm soát trong nhiều ngày. Hơn 5 triệu người Vũ Hán đã rời khỏi thành phố trước khi lệnh phong tỏa được áp dụng.
Con người luôn nhiễm các loại bệnh từ động vật. Trên thực tế, hầu hết các bệnh truyền nhiễm mới đến từ động vật hoang dã. Và mặc dù hiện chưa rõ nguồn gốc chính xác, nhưng dường như virus Corona chủng mới này đã xuất hiện ở chợ động vật hoang dã lớn tại Vũ Hán. Mặc dù biết rõ những nơi này là vườn ươm bùng phát dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã thất bại trong việc điều chỉnh chúng sau đại dịch SARS. Việc dường như chắc chắn chủng virus mới này xuất phát từ động vật hoang dã - cho thấy rõ nguy cơ mà con người đang phải đối mặt do các bệnh lây từ động vật.
Và mặc dù gần như chắc chắn sẽ xảy ra nhiều dịch virus hơn trong tương lai, nhưng chúng ta không thể biết loại virus nào sẽ gây ra mầm họa. Có thể là cúm mới, HIV, Ebola, sốt xuất huyết, Zika hay một cái gì đó hoàn toàn xa lạ với giới khoa học. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tránh xa sự cám dỗ trong việc “đặt tất cả trứng vào một giỏ”. Chắc chắn sẽ là sai lầm khi dồn ngân sách vào nghiên cứu virus Corona khi điều tiếp theo có thể trở thành một thứ hoàn toàn khác. Virus Corona chủng mới này là một ví dụ điển hình.
Vì vậy, cùng với việc cải thiện hệ thống y tế, đầu tư cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, tăng cường giám sát nhập cảnh, khuyến khích truyền thông đưa tin mở về đại dịch bùng phát, quản lý bệnh viện tốt hơn… các quốc gia sẽ phải chấp nhận sự cần thiết phải dồn tiền giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ngay cả khi điều tồi tệ nhất chưa xảy ra.
Mặc dù trong đại dịch virus Corona ở Vũ Hán lần này cho thấy mệnh lệnh giám sát mạnh mẽ chưa từng thấy của giới chức Trung Quốc, nhưng việc đầu tư cho những vấn đề như vậy đã bị cắt giảm trong những năm gần đây ở nhiều nước. Ví dụ, đầu tư ở Mỹ giảm 50% kể từ năm 2014 và chính quyền Trump đã giám sát việc cắt giảm đầu tư Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh hoặc ngừng các nỗ lực phòng chống dịch bệnh ở 39 trên 49 quốc gia mà Washington đã được tham gia. Một báo cáo gần đây của Ủy ban giám sát toàn cầu đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm về những khoảng trống, điểm yếu và sự thiếu hiệu quả của các hệ thống phản ứng của thế giới. Nói tóm lại, hầu hết các chuyên gia đều thừa nhận rằng chúng ta chưa sẵn sàng cho đại dịch cực kỳ nguy hiểm tiếp theo.
Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng những bài học về Vũ Hán sẽ được học theo cách mà SARS không làm được. Virus không có biên giới và không tôn trọng ý thức hệ: chỉ có sự cởi mở, hợp tác, sẵn sàng và nhiều tiền mới có thể đánh bại chúng.
THANH VĂN