Thế giới dõi theo cách Việt Nam chống “cơn bão” Covid-19 mới

Thứ bảy, 05/09/2020 14:19

Ca nhiễm đầu tiên sau 99 ngày “nói không” với Covid-19 trong cộng đồng đã đặt Việt Nam chúng ta vào làn sóng mới của dịch Covid-19. Và ngay lập tức, hệ thống phòng, chống dịch cả nước được kích hoạt sau khi đã hoạt động thành công và được ca ngợi trên khắp thế giới.

Tất nhiên, làn sóng Covid-19 lần 2 được đánh giá là phức tạp, khó lường hơn khi đây là chủng virus mới làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Không chỉ Việt Nam, cả thế giới hiện đang quay cuồng trong “cơn bão mới” mang tên Covid-19 lần 2 này. Tại Mỹ, sau hai tháng (tháng 5 và tháng 6) tạm lắng xuống, số bệnh nhân Covid-19 lại tăng vụt từ tháng 7, khiến nhiều bang tái áp đặt giãn cách xã hội dù vẫn cho phép mở cửa nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump bị đổ lỗi là chậm trễ chống dịch và đang đối mặt với một tương lai u ám trong cuộc bầu cử sắp tới dù chính phủ của ông Trump đã cố gắng khuyến khích các hãng dược phẩm nhanh chóng tìm ra thuốc chủng ngừa trước ngày bầu cử. Trung Quốc cũng lo ngại khi số ca nhiễm trong cộng đồng tiếp tục gia tăng. Nhiều quốc gia Châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines cũng rơi vào cảnh tương tự. Tại Châu Âu, tình hình cũng không có gì khả quan khi nhiều nước đang tính toán đến việc tái áp đặt lệnh phong tỏa trở lại để đối phó với làn sóng dịch thứ hai.

Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng các quy tắc mới khi đại dịch Covid-19 trở lại. Đây là bức ảnh tờ báo Anh Independent đăng cùng bài viết: “Việt Nam đã chống dịch rất thành công, và cả thế giới sẽ dõi theo họ chống lại làn sóng Covid-19 mới?”

Việt Nam đã chống dịch rất thành công

Trong những ngày qua, các trang báo nổi tiếng trên khắp thế giới hàng ngày đều cập nhật, đưa tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như những biện pháp phòng, chống của chúng ta trước “cơn bão” mới này. Với họ, thành quả chống dịch thành công của Việt Nam là điều không có gì phải bàn cãi. Và giờ đây, cả thế giới đều tiếp tục dõi theo và mong chờ một cái kết tương tự cho “cuộc chiến” lần 2 này của Việt Nam.

Trong bài viết mới đây, một tờ báo Anh cho rằng, “Việt Nam đã chống dịch rất thành công, và cả thế giới giờ sẽ dõi theo họ chống lại làn sóng Covid-19 mới?”. Các tờ báo ca ngợi việc Việt Nam nhanh chóng áp dụng lệnh siết chặt nhập cảnh có chọn lọc - điều trái ngược hẳn với lời khuyên của WHO. Đeo khẩu trang nơi công cộng trở thành bắt buộc, đồng thời tổ chức xét nghiệm diện rộng quyết liệt, cách ly hàng chục ngàn người. Các trường học đóng cửa ngay từ cuối tháng 1. Cho đến giữa tháng 3, bất kỳ ai nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly, với chi phí phần lớn do chính phủ tài trợ. Và chúng ta đã thành công.

Theo nhận định của các tờ báo ở nước ngoài, chính những hành động rất nhanh và quyết liệt của chính phủ Việt Nam đã giúp đi đến thành công trong cuộc chiến này. “Việt Nam - quốc gia có chung đường biên giới dài 1.100km với Trung Quốc - đã hành động rất nhanh để kiểm soát sự lây lan của đại dịch. Cuối tháng 1, ngay trong dịp Tết Nguyên đán, Chính phủ Việt Nam đã quyết chiến với dịch bệnh. Trong khi ở thời điểm đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn nhận định dịch bệnh gần như chỉ gói gọn trong phạm vi Trung Quốc”, nội dung bài viết trên tờ Independent nêu rõ. Tờ báo này nhấn mạnh thêm: “Các hạn chế nghiêm ngặt được Việt Nam đưa ra sớm hơn rất nhiều so với Bắc Kinh, với lời cảnh báo từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng, dịch bệnh sẽ sớm chạm đến đất nước và để lại nhiều hậu quả đáng sợ nếu không hành động. Họ dẫn lại câu nói: “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trước khi ghi nhận ca nhiễm mới ở Đà Nẵng, số liệu chính thức cho thấy Việt Nam chỉ có 415 ca nhiễm kể từ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện, không có trường hợp tử vong. Dù nhìn nhận con số ấy thế nào, dư luận quốc tế đều đồng thuận, Việt Nam đã chống dịch cực kỳ thành công, đặc biệt là khi so sánh cùng các quốc gia giàu có hơn, với nhiều nguồn lực hơn. Hãy đặt lên bàn cân so với các nước giàu có và nguồn lực dồi dào khác. Mỹ với gần 5 triệu ca nhiễm, gần 160.000 người tử vong. Ở Anh, hơn 300.000 ca nhiễm và hơn 46.000 người đã tử vong; Nga có gần 860.000 ca nhiễm, gần 14.500 trường hợp đã ra đi; và ở Ấn Độ, dịch bệnh đã lây lan cho gần 2 triệu người nhiễm, cướp đi sinh mạng gần 39.000 người.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh cả bộ máy chính quyền đang vào cuộc quyết liệt và nhanh chóng để chuẩn bị đối phó với Covid-19, với những thông tin hàng ngày về tình hình dịch bệnh, cả thế giới đều có niềm tin, Việt Nam một lần nữa sẽ chiến thắng đại dịch. Trong tuyên bố hồi đầu tháng 8, đại diện WHO ca ngợi cách ứng phó với đại dịch của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các nước khác tham khảo các biện pháp này. Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO Michael Ryan đánh giá, Việt Nam đã từ lâu phát triển một hệ thống toàn diện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm và điều này có thể sẽ giúp Việt Nam kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 lần 2.

 New Zealand được ca ngợi nhờ phong tỏa chống dịch hiệu quả.

Từ Việt Nam đến New Zealand

Từ Việt Nam, thế giới lại nhìn sang New Zealand - một quốc gia cũng có thành tích chống dịch hiệu quả. New Zealand cũng được tôn vinh, với câu chuyện chống dịch thành công của chính họ. Điểm chung của cả hai là hành động nhanh, xét nghiệm diện rộng và áp đặt quy định cách ly trước khi số ca nhiễm tăng cao. Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand được tôn vinh vì những quyết định sáng suốt.

Còn nhớ, vào ngày 2-2, khi Philippines ghi nhận ca tử vong đầu tiên ngoài Trung Quốc vì dịch bệnh, New Zealand ngay lập tức cấm mọi hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc. New Zealand xác nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 28-2, một công dân ở độ tuổi 60, người đến thăm Iran, trở về qua Bali, Indonesia và đến New Zealand vào ngày 26-2 tại Auckland. Mọi công dân trở về từ Trung Quốc đều sẽ bị cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Vào ngày 19-3, khi hầu hết các nước Châu Âu và Châu Mỹ vẫn tự do bay nhảy, Thủ tướng Ardern tuyên bố đóng cửa biên giới New Zealand cho tất cả mọi người trừ công dân và cư dân New Zealand. Không giống như các hạn chế du lịch trước đây, lệnh cấm này cũng bao gồm người dân trong nước. Người New Zealand trở về sẽ được yêu cầu tự cách ly trong 14 ngày sau khi nhập cảnh. Tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu giảm xuống. Theo số liệu thống kê, cho đến nay, New Zealand có 1.567 ca nhiễm, và 22 trường hợp tử vong.

Có thể thấy, cả New Zealand và Việt Nam đều đã thành công với cuộc chiến đầu tiên. Duy chỉ có một điểm khác biệt: trong khi nền kinh tế của New Zealand được dự đoán sẽ sụt giảm khoảng 20% trong nửa đầu năm, Việt Nam vẫn giữ cột mốc tăng trưởng 5%. Việc loại bỏ được sự ảnh hưởng của Covid-19 sớm hơn so với đa số các nơi khác trên thế giới, cả 2 quốc gia đều dựa vào nguồn thu từ du lịch. Tuy nhiên, trong khi ngành du lịch của New Zealand vẫn đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn thu từ nước ngoài, Việt Nam lại phục hồi nhờ cơ chế kích cầu du lịch nội địa.

 Việc đo thân nhiệt tại trường học, trụ sở làm việc là điều bình thường mới trong thời dịch Covid-19.

Thế giới thời hậu Covid-19, sẽ ra sao?

Trong bối cảnh làn sóng Covid-19 mới đang hoành hành, trong bối cảnh cả thế giới đang chạy đua tìm vaccine với nhiều hy vọng khi Nga tuyên bố sẽ sớm cho ra mắt vaccine vào giữa tháng 8 này, WHO lại đưa ra cảnh báo, “khó có vaccine hoàn hảo giúp chặn đứng Covid-19”. Điều này đặt ra nhiều lo ngại về khả năng “sống chung với Covid-19” trong một thời gian nữa.

Có thể là quá sớm để dự đoán những gì sẽ xảy ra thời hậu Covid-19 nhưng đó là thực tế mà thế giới phải đối mặt. Sau đại dịch “Cái chết Đen” (Dịch hạch) - xảy ra ở Châu Á và Châu Âu trong thế kỷ XIV, mà đỉnh điểm là ở Châu Âu trong 1346-1351, với số lượng người chết ở từ 75-200 triệu người, thế giới đã thật sự bị tác động rất lớn. Mặc dù Covid-19 có thể không gây tổn thương đến sức khỏe con người toàn cầu một cách thảm khốc như “Cái chết Đen”, nhưng rồi khi vượt qua cuộc khủng hoảng này, thế giới cũng sẽ không còn như trước. Hậu quả của đại dịch Covid-19 lần này cũng sẽ chứng kiến vô số những thay đổi, từ những điều chỉnh cá nhân đến thay đổi toàn cầu.

Thứ nhất là cuộc sống cá nhân thay đổi. Có thể tất cả chúng ta đều trải nghiệm việc phong tỏa như một cú sốc đối với hệ thống, khi việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt, việc làm đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và chúng ta đều phải thay đổi - cả thay đổi lớn và nhỏ - những thói quen sinh hoạt - trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng ngày nay chúng ta có một lợi thế, đó là internet. Mặc dù cách xa nhau về khoảng cách vật lý, internet và mạng xã hội cho phép chúng ta vẫn gặp nhau mỗi ngày. Các mối quan hệ xã hội đối với nhiều người dường như không bị ảnh hưởng lớn. Và chúng cũng cho phép chúng ta khám phá những mối quan tâm và sở thích mà trước đây chúng ta chưa từng làm trước đó. Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn, chúng ta lại được nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, yêu thương, nhiệt huyết và sự sáng tạo.

Thứ hai là môi trường làm việc mới. Nhiều nhân viên văn phòng làm việc tại nhà. Chế độ làm việc như vậy đã chứng tỏ có hiệu quả, và do đó các nhà quản lý không còn có thể dựa vào các lập luận truyền thống để không cho phép mọi người làm việc tại nhà. Điều này dẫn đến những kỳ vọng về văn hóa ở nơi làm việc khi nhân viên được đánh giá dựa trên mức độ họ đáp ứng các mục tiêu đúng kỳ hạn tốt như thế nào, chứ không phải bao nhiêu giờ họ cần để ngồi tại bàn làm việc trong văn phòng. Trong khi đó, tại trụ sở làm việc, chúng ta có thể thấy việc kiểm tra nhiệt độ hoặc máy ảnh chụp thân nhiệt được đưa vào áp dụng ở lối ra vào của các tòa nhà văn phòng lớn để buộc bất cứ ai có dấu hiệu sốt phải về nhà. Và những công sở vốn trước đây luân phiên nhân viên qua cùng một bàn làm việc có thể cần phải xem xét lại cách sắp xếp này.

Các văn phòng đông đúc sử dụng cùng một bàn làm việc sẽ là những ổ lây bệnh đáng lo ngại. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cũng có thể cần phải sắp xếp ca làm việc luân phiên để văn phòng và nhà xưởng không trở nên quá đông người và công nhân có thể duy trì giãn cách an toàn. Và tất nhiên, điều này còn giúp giảm lưu lượng xe cộ vào giờ cao điểm, với những người đi làm không còn cần phải đi đến nơi làm việc và về nhà cùng một lúc. Hiện nay, một số nước đã áp đặt các chương trình để khuyến khích mọi người thay vì đi xe riêng thì hãy đi bộ hay đạp xe đi làm. Tại Anh, xe trượt scooter điện, hiện đang bị cấm, cũng có thể được hợp pháp hóa. Tất cả những điều này sẽ có một lợi ích đáng chú ý là cải thiện môi trường và việc đi lại xanh hơn cũng sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh hơn trong những tháng tới.

Thứ ba là vấn đề khí hậu. Thế giới thời hậu Covid-19, với những khó khăn về kinh tế, còn đối mặt cuộc khủng hoảng toàn cầu thậm chí còn nghiêm trọng hơn: biến đổi khí hậu. Câu hỏi đặt ra là liệu việc phong tỏa quốc tế có thể giúp ích cho môi trường hay không. Trước mắt là có. Chỉ số ô nhiễm đã giảm trong thời gian thế giới “ngừng bay”. Nhiều dân ở những thành phố ô nhiễm nhất đã nhận thấy môi trường đô thị của họ có sự cải thiện - với không khí sạch hơn, đường phố an toàn, yên tĩnh hơn và động vật hoang dã bạo dạn hơn. Chính phủ các nước đã thực thi các biện pháp quyết liệt để người dân phải ở yên một chỗ và tạm ngưng toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế để kiểm soát đại dịch. Và chúng ta nhận ra điều cần thiết là để chống lại mối đe dọa từ cả đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu là một dạng kinh tế đi ngược chiến tranh - giảm sản xuất, giảm mức sử dụng năng lượng.

KHẢ ANH