Thế giới đón năm 2022 với nhiều hy vọng

Thứ hai, 03/01/2022 09:03

Năm 2022 đã gõ cửa thế giới trong niềm hy vọng thoát khỏi vũng lầy COVID-19, phục hồi kinh tế toàn cầu sau thời gian dài điêu đứng vì dịch bệnh. Đại dịch COVID-19 trong năm 2021 ghi nhận nhiều diễn biến đe dọa cuộc sống, với những đợt bùng phát, các biện pháp hạn chế hoặc phong tỏa và loạt những cuộc xét nghiệm COVID-19. Hơn 5,4 triệu người tử vong kể từ khi ca COVID-19 đầu tiên được xác nhận tháng 12-2019. Hy vọng xuất hiện khi vaccine COVID-19 được triển khai cho khoảng 60% dân số thế giới, dù nhiều người nghèo vẫn có khả năng tiếp cận hạn chế trong khi nhiều người giàu vẫn có tâm lý do dự.

Trang trí đón năm mới 2022 tại nhà ga ở Moscow, Nga. Ảnh: AFP

Vào lúc thế giới chuẩn bị đón năm mới, đại dịch COVID-19 đã tăng sức hoành hành, với mốc biểu tượng của một triệu trường hợp nhiễm bệnh trong một ngày trên toàn thế giới bị vượt qua vào những giờ cuối cùng của năm 2021, sau sự xuất hiện của biến thể Omicron đặc biệt dễ lây lan. Tại các nước như Anh, Pháp, Mỹ, thậm chí là Australia, các kỷ lục lây nhiễm liên tục bị phá vỡ.

Vì vậy, trong các thông điệp đầu năm của các lãnh đạo khắp nơi, "hy vọng" có lẽ là từ ngữ được sử dụng nhiều nhất, phản ánh mong muốn đánh bại được đại dịch COVID-19 trong năm mới. Trong lúc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói đến khả năng 2022 là "năm thoát khỏi đại dịch", thì Tổng thống Joe Biden khẳng định thái độ lạc quan cho nước Mỹ trong Năm mới vì theo ông, nước Mỹ luôn luôn biết biến những khủng hoảng "thành cơ hội để trở thành một quốc gia mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn". Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong dịch COVID-19, ca ngợi sức mạnh của người Nga trong thời kỳ khó khăn.

Theo AFP, các chuyên gia hy vọng rằng năm 2022 sẽ đánh dấu một giai đoạn mới ít chết chóc hơn do đại dịch. Việc phân phối vaccine cho khoảng 60% dân số thế giới mang lại một tia hy vọng, mặc dù một số quốc gia nghèo vẫn gặp khó khăn trong vấn đề tiêm chủng và một bộ phận người dân tại nhiều nước vẫn chống vaccine.

Theo múi giờ, như thông lệ, quần đảo Kiribati ở vùng Thái Bình Dương là nơi đầu tiên đón năm mới, sau đó đến lượt các nước châu Đại Dương như Australia, New Zealand, rồi đến châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.  Lễ đón năm mới dù vẫn được cử hành, nhưng đều diễn ra với một quy mô hạn chế. Từ Seoul cho đến San Francisco, lễ đón giao thừa một lần nữa bị hủy bỏ hoặc giảm quy mô.

Tại Pháp, thủ đô Paris đã quyết định hủy bỏ lễ bắn pháo hoa truyền thống đêm giao thừa, nhưng hàng nghìn du khách - một số lượng ít hơn nhiều so với bình thường - cũng đã đổ ra đi dạo đại lộ Champs-Elysees được chăng đèn lấp lánh, nhưng với một lực lượng cảnh sát đông đảo kiểm soát chặt chẽ việc đeo khẩu trang, đã trở thành bắt buộc.

Ở Rio de Janeiro, những lễ kỷ niệm thường quy tụ 3 triệu người đến bãi biển Copacabana, vẫn sẽ được tổ chức. Tuy nhiên, tương tự sự kiện ở quảng trường Thời đại, những sự kiện chính thức ở thành phố của Brazil sẽ thu nhỏ quy mô nhưng khả năng cao vẫn sẽ thu hút đông người tham dự.     

Tại Trung Quốc đại lục, chính quyền Thượng Hải đã hủy bỏ một sự kiện trình diễn ánh sáng hàng năm dọc sông Hoàng Phố. Sự kiện này vốn thường thu hút hàng trăm nghìn khán giả. Tại Bắc Kinh, không có kế hoạch gì cho các lễ hội đón năm mới khi những ngôi chùa nổi tiếng đã đóng cửa hoặc hạn chế đi lại kể từ giữa tháng 12. Sydney, thành phố lớn nhất của Australia, quyết định đón năm mới với màn bắn pháo hoa ở bến cảng biểu tượng của thành phố. Sự kiện năm nay dự kiến sẽ thu hút hàng chục nghìn khán giả dõi theo.

Và cũng đã le lói những tín hiệu mừng. Tại Nam Phi, quốc gia đầu tiên báo cáo về biến thể mới Omicron, lệnh giới nghiêm từ nửa đêm đến 4 giờ sáng đã được dỡ bỏ để những lễ kỷ niệm được tổ chức. Các quan chức y tế Nam Phi cho hay, sự sụt giảm ca nhiễm trong tuần qua cho thấy đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm hiện tại ở nước này đã qua.

Các chuyên gia cũng hy vọng xu hướng này sẽ được nhân rộng ở những nơi khác và năm 2022 có thể được ghi nhận như một giai đoạn mới, ít chết chóc hơn của đại dịch.

KHẢ ANH