Thế giới “đứng ngồi không yên” vì Triều Tiên

Thứ năm, 04/02/2016 09:10

(Cadn.com.vn) - Triều Tiên lại một lần nữa khiến cộng đồng quốc tế “đứng ngồi không yên” với tuyên bố có kế hoạch phóng vệ tinh trong thời gian từ ngày 8 đến 25-2 tới mà nhiều nước cho là để che đậy vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa.

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin trên Đài truyền hình Quốc gia về kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP

Hàn Quốc ngày 3-2 đã lên tiếng cảnh báo Triều Tiên từ bỏ kế hoạch phóng  tên lửa lần này, nếu không sẽ phải đối mặt với “hậu quả khủng khiếp”.

Nhiều chính đảng ở Hàn Quốc, thuộc cả phe cầm quyền và đối lập đều lên án gay gắt kế hoạch này của Triều Tiên. Lãnh đạo đảng Saenuri cầm quyền tại Quốc hội Won Yoo-cheol cho rằng, Triều Tiên cần phải biết rõ về hậu quả có thể xảy ra nếu họ tiếp tục các hành động khiêu khích, đồng thời kêu gọi Nhà Xanh nỗ lực phối hợp cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn Bình Nhưỡng. Trong khi đó, đảng Minjoo bày tỏ lo ngại việc này, nếu diễn ra theo đúng kế hoạch sẽ đe dọa hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á.

Theo AP, không chỉ Hàn Quốc, cả đồng minh thân cận Mỹ đều cho rằng, việc phóng vệ tinh lần này sẽ đe dọa an ninh khu vực và vi phạm các nghị quyết của LHQ  trong bối cảnh Triều Tiên đang bị cấm tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo. Tại Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel cảnh báo, kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên sẽ là cơ sở vững chắc hơn để LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng. Theo ông, Bình Nhưỡng sẽ phải đón nhận “hậu quả cho hành vi gây mất ổn định khu vực”. Ông Russel đồng thời nhấn mạnh, Nhà Trắng đang theo dõi chặt chẽ các động thái từ quốc gia miền Bắc.

Nhật cũng quyết định đặt quân đội vào tình trạng báo động cao và triển khai tên lửa để có thể đối phó với mọi động thái bất ngờ từ Triều Tiên. Thủ tướng Shinzo Abe ra lệnh “đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến việc Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa”. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản lưu ý về khả năng xảy ra một vụ phóng tên lửa bất ngờ từ Triều Tiên.

Thậm chí, Trung Quốc – một đồng minh thân cận của Triều Tiên – cũng ra tuyên bố “cực kỳ quan ngại” trước thông tin Triều Tiên có kế hoạch phóng vệ tinh. “Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên kiềm chế và không làm leo thang căng thẳng trong khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nêu rõ trong một cuộc họp báo. Giới chuyên gia cho rằng, sở dĩ Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ hơn trước vụ việc lần này là vì nếu Triều Tiên thử tên lửa, đây “sẽ là cái tát vào mặt những người kiên quyết cho rằng, chỉ cần thể hiện sự kiên nhẫn và đối thoại với Triều Tiên chứ không trừng phạt”, trong một ám chỉ đến Trung Quốc, như tuyên bố của ông Russel.

Bất chấp những tranh cãi, Triều Tiên đã dành nhiều thập kỷ nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân cùng với các tên lửa có khả năng tấn công đến lục địa Mỹ. Vụ phóng tên lửa tầm xa mới nhất của Triều Tiên diễn ra hồi tháng 12-2012, được cho là đã đưa thành công vệ tinh đầu tiên của đất nước vào quỹ đạo sau một chuỗi thất bại.  Tuy nhiên, lần này, Bình Nhưỡng tuyên bố chỉ thử vệ tinh với khẳng định có quyền theo đuổi chương trình không gian vì mục đích nghiên cứu khoa học. Mặc dù vậy, Washington và nhiều nước vẫn luôn cáo buộc Bình Nhưỡng có tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể bắn đến các mục tiêu của Mỹ.  Lần này, tuyên bố phóng vệ tinh chỉ diễn ra chưa đầy 1 tháng sau vụ thử hạt bom nhiệt hạch (bom H) gây chấn động thế giới của Triều Tiên càng làm dấy lên nhiều tranh cãi và lo ngại.

Chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un thông báo kế hoạch phóng vệ tinh cho các tổ chức quốc tế từ hôm 2-2 và thậm chí cũng đã ban bố lệnh cấm tàu thuyền đi lại. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) thuộc LHQ tuyên bố đã nhận thông báo từ Bình Nhưỡng liên quan đến vụ phóng vệ tinh quan sát trái đất Kwangmyongsong. Vì vậy, giới quan sát cho rằng, bất chấp cảnh báo và phản ứng tức giận của các nước láng giềng và cả Mỹ, Triều Tiên chắc chắn cũng sẽ không hủy bỏ kế  hoạch này.                

Khả Anh