Thế giới gồng mình chống dịch Corona

Thứ năm, 30/01/2020 14:28

Dịch bệnh virus Corona tiếp tục lây lan rộng khắp toàn cầu với hơn 6.000 trường hợp được xác định đã nhiễm bệnh, trong đó có ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Trung Đông được phát hiện tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Các bác sĩ ở bệnh viện Vũ Hán đang căng mình đối phó với dịch bệnh virus Corona.  Ảnh: Reuters

Hàng trăm công dân Mỹ và Nhật Bản đã thoát khỏi thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi đang bị cách ly do là tâm dịch bệnh virus Corona, trên các chuyến bay của chính phủ trong bối cảnh số người chết tăng lên 132 và hơn 6.000 trường hợp được xác nhận đã nhiễm bệnh. Tất cả các trường hợp tử vong được xác nhận cho đến nay đều ở Trung Quốc.

Hiện nay, dịch bệnh đã lan rộng đến hàng chục quốc gia kể từ khi nó xuất hiện ở Vũ Hán vào cuối tháng 12-2019. Mối lo ngại về cuộc khủng hoảng này ngày gia tăng khi số ca nhiễm Corona tại Trung Quốc vượt quá con số của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) trong năm 2002-2003.

132 người chết, gần 6.000 người nhiễm bệnh

Tân Hoa Xã ngày 29-1 đưa tin: tính đến tối 29-1, Trung Quốc có 6.061 người nhiễm corona ở tất cả 31 tỉnh thành của nước này, trong đó có 132 người tử vong. Trong khi đó, theo CNN, bên ngoài Trung Quốc, có 91 người nhiễm Corona mới ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Mỹ (5 người), Malaysia (7 người), Pháp (4 người)...

UAE thông báo phát hiện ca nhiễm virus Corona đầu tiên trong một gia đình đến từ Vũ Hán, là ca nhiễm virus Corona đầu tiên được xác nhận tại khu vực Trung Đông. “Bộ Y tế và Dự phòng thông báo ca nhiễm virus Corona mới từ các thành viên trong một gia đình đến từ thành phố Vũ Hán”, hãng thông tấn nhà nước WAM của UAE đưa tin. Tuy nhiên, nguồn tin không nói rõ có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh mà chỉ cho biết: “Tình trạng sức khỏe của những người bị ảnh hưởng hiện ổn định và họ đang được theo dõi y tế”. Hiện, các sân bay Vùng Vịnh, bao gồm Dubai, nơi có một trong những trung tâm hàng không lớn nhất thế giới, thực hiện sàng lọc tất cả hành khách đến từ Trung Quốc.

Nhật Bản ngày 29-1 cũng công bố trường hợp đầu tiên lây virus Corona giữa người sang người ở nước này. Theo đó, tài xế xe buýt nhiễm virus corona ở độ tuổi 60, là người dân của tỉnh Nara nằm ở miền tây Nhật Bản. Trong khi đó, thêm 2 cư dân Vũ Hán - ở độ tuổi 40, được xác nhận mắc virus Corona mới ở Nhật. SCMP dẫn lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết, tài xế xe buýt trên đã chở 31 hành khách Trung Quốc từ Osaka đến thủ đô Tokyo và quay trở lại trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến 16-1. Khi đó, không có ai trong đoàn du khách này có những biểu hiện nhiễm bệnh. Ngoài ra, còn có 2 cư dân Vũ Hán - ở độ tuổi 40, được xác nhận nhiễm virus Corona mới ở Nhật, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 7 trường hợp ở nước này.

Nhân viên sân bay Vũ Hán đo nhiệt độ kiểm tra thân nhiệt hành khách.  Ảnh: Reuters

Các nước chạy đua sơ tán công dân khỏi Vũ Hán

Theo AP, lo ngại dịch bệnh, Nhật cùng với Mỹ điều máy bay đến chở công dân của họ ở Vũ Hán về nước trong khi các quốc gia khác lên kế hoạch sơ tán tương tự. Nhiều hãng hàng không cắt giảm các chuyến bay đến Trung Quốc và các Cty toàn cầu cũng khuyến cáo nhân viên không nên du lịch đến nước này.

AP cho biết, tại sân bay Tokyo, máy bay do chính phủ Nhật Bản thuê riêng chở khoảng 200 công dân nước này đã hạ cánh xuống sân bay Haneda hôm 29-1. Đây là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản sơ tán công dân do dịch bệnh truyền nhiễm. Qua kiểm tra y tế, một số hành khách được báo cáo có biểu hiện triệu chứng bệnh. Tất cả hành khách sẽ được đưa đến các tổ chức y tế để kiểm tra và điều trị cách ly nếu cần. Theo các nguồn tin, khoảng 650 người Nhật Bản ở Vũ Hán muốn trở về nước, vì vậy, Tokyo dự kiến sẽ tổ chức thêm 3 chuyến bay để đưa công dân về nước. Bước xuống máy bay, Takeo Aoyama, một nhân viên tại Cty con của Nippon Steel Corp ở Vũ Hán, nói với các phóng viên rằng, ông cảm thấy nhẹ nhõm khi đã trở về nhà. Chính quyền Tokyo xác nhận tình trạng nghi nhiễm bệnh của 4 hành khách trên chuyến bay. Họ đã được đưa lên xe cứu thương đến bệnh viện Tokyo để điều trị và kiểm tra sức khỏe thêm.

Cũng trong ngày 29-1, máy bay do Bộ Ngoại giao Mỹ thuê đã rời sân bay quốc tế ở Vũ Hán để đến Alaska. Máy bay này chở khoảng 240 công dân Mỹ, trong đó có khoảng 36 nhân viên ngoại giao Mỹ và gia đình. Các bệnh viện Mỹ đã được chuẩn bị để điều trị hoặc cách ly những người có thể bị nhiễm bệnh. Sau Alaska, máy bay đến Ontario, California. Hiện vẫn còn khoảng 1.000 công dân Mỹ sống tại Vũ Hán.

Cho đến nay, một số quốc gia đã xác nhận các trường hợp nhiễm corona, trong đó phần lớn là khách Trung Quốc, những người đến Vũ Hán hoặc thành viên gia đình có liên hệ với người bệnh. Chính phủ Hàn Quốc ngày 29-1 cũng cho biết đang lên kế hoạch tổ chức 4 chuyến bay để đưa công dân tại Vũ Hán về nước trong hai ngày 30 và 31-1. Khoảng 700 người Hàn Quốc ở Vũ Hán và các khu vực lân cận muốn trở về nhà. Sau khi trở về Hàn Quốc, họ sẽ được cách ly tại các cơ sở tạm thời trong một thời gian nhất định để xem liệu có phát triển các triệu chứng của bệnh hay không.

Australia và New Zealand là những quốc gia mới nhất lên kế hoạch sơ tán. Cả hai nước cũng tăng cường tư vấn du lịch đến Trung Quốc cho người dân. Các chuyên gia lo ngại việc đi du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khiến virus Corona lây lan mạnh và chính quyền Trung Quốc đã phải mở rộng kỳ nghỉ để giữ mọi người ở nhà, đóng cửa trường học và văn phòng để cố gắng ngăn chặn dịch bệnh. Trong khi đó, nhiều quốc gia như Mông Cổ, Triều Tiên... đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc, và nhiều nơi đã thu hẹp các chuyến bay hoặc đang sàng lọc khách du lịch đến từ Trung Quốc.

Papua New Guinea thậm chí cấm hành khách khởi hành từ tất cả các nước Châu Á tới đảo quốc này do lo ngại sự lan rộng của virus corona. Thông báo cho biết, công dân và cư dân nước này quay trở lại Papua New Guinea từ các cảng giao thông Châu Á sẽ phải trải qua “2 tuần cách ly” và 20 ngày giám sát trước khi “được cho phép nhập cảnh”. Nhà chức trách Papua New Guinea cũng xác nhận đóng cửa tạm thời biên giới đất liền tại Wutung với nước láng giềng Indonesia. Nhiều đảo quốc Thái Bình Dương cũng áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona. Palau và Vanuatu trước đó đã tạm thời dừng mọi chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Macau (thuộc Trung Quốc) trong tháng 2.

Máy bay do chính phủ Nhật Bản thuê riêng chở khoảng 200 công dân nước này rời khỏi Vũ Hán và hạ cánh xuống sân bay Haneda hôm 29-1.  Ảnh: AP

Lực lượng y tế khử trùng nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc.   Ảnh: Reuters

Trung Quốc trấn an các nước

Trước làn sóng “tháo chạy” của công dân các nước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 29-1 đưa ra những tuyên bố trấn an công dân và các nước, trong đó nhấn mạnh đang áp dụng những biện pháp tích cực trong cuộc chiến chống lại virus Corona và tin tưởng sẽ nhanh chóng chiến thắng được dịch bệnh này.

Bắc Kinh cũng rất nổi giận vì một bức tranh biếm họa về virus Corona trên báo Đan Mạch và yêu cầu xin lỗi. Căng thẳng bắt đầu khi nhật báo Đan Mạch Jyllands-Posten đăng tải tranh biếm họa đổi 5 ngôi sao trên quốc kỳ Trung Quốc thành những hình virus Corona. Đại sứ quán Trung Quốc tại Đan Mạch ngay lập tức phản ứng đầy giận dữ: “Không hề có sự đồng cảm nào bởi tranh biếm họa này đã vượt quá chuẩn mực của xã hội văn minh lẫn ranh giới đạo đức của tự do ngôn luận, xúc phạm lương tâm con người. Chúng tôi thật sự phẫn nộ và yêu cầu Jyllands-Posten cùng tác giả Niels Bo Bojesen công khai xin lỗi người dân Trung Quốc”. Tuy nhiên, nhật báo này từ chối xin lỗi vì bức tranh nêu trên không hề mang ý chế giễu hay nhạo báng. “Vẽ lá cờ với virus Corona để minh họa rằng họ đang chiến đấu chống lại dịch bệnh”, tổng biên tập của tờ báo giải thích.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng, các nước không cần thiết sơ tán công dân vì virus Corona. Hãng tin THX dẫn tuyên bố của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói rằng: “WHO không khuyến cáo công dân các nước sơ tán, và kêu gọi cộng đồng quốc tế giữ bình tĩnh và không phản ứng quá đà”. Tuyên bố này được ông Ghebreyesus đưa ra khi ông tới Trung Quốc để thảo luận về tình hình dịch bệnh Corona. Cũng theo THX, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với ông Ghebreyesus rằng, Trung Quốc có đủ khả năng, sự tự tin và nguồn lực để sớm vượt qua dịch bệnh này.

WHO hiện vẫn thận trọng tuyên bố vẫn chờ làm rõ về những bình luận của ông Ghebreyesus. Trên thực tế, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào WHO trong bối cảnh dịch bệnh Corona đang hoành hành khắp thế giới. Tuần trước, WHO không tuyên bố cảnh báo toàn cầu về dịch virus Corona ở Vũ Hán, nhưng hôm 27-1, cơ quan này nhận lỗi và nâng mức báo động từ “trung bình” lên “cao”.

KHẢ ANH