Thế giới mới

Thứ hai, 18/11/2013 11:00

(Cadn.com.vn) - Trong một thế giới luôn nhảy vọt mỗi ngày, không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Dự báo vẫn mãi chỉ là dự báo.

Có lẽ cho đến lúc này, khi Mỹ đang nỗ lực hết mình, khó ai có thể đoán trước được tương lai cho tiến trình hòa bình Trung Đông, cuộc khủng hoảng Syria và vấn đề hạt nhân của Iran. Bởi lẽ, hiện nay, mọi việc cứ đi theo khuôn... lạch bạch khi gần đến bàn đàm phán. Trong vấn đề hạt nhân Iran, bàn đàm phán vấp phải vật cản lớn nhất là Israel. Hôm 17-11, Tổng thống Israel Shimon Peres lo ngại, các nước ở Trung Đông sẽ muốn sở hữu vũ khí hạt nhân nếu Iran được cho phép phát triển bom nguyên tử. Nhà lãnh đạo Israel đồng thời cho rằng quốc tế không nên giảm bớt sức ép đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trên thực tế, phương Tây đang tiếp tục các nỗ lực nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. P5+1 và Iran đang ở gần một thỏa thuận sơ bộ và rõ ràng, trong bối cảnh "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" như hiện nay, hai bên không nên bỏ qua "cơ hội rất tốt" để đạt được thỏa thuận này. Dự kiến, cuộc đàm phán giữa P5+1 và Iran sẽ nối lại trong tuần tới tại Genève (Thụy Sĩ). Cuộc khủng hoảng Syria cũng vậy. Kịch bản tấn công quân sự đã sẵn sàng. Giải pháp về thỏa thuận giải giáp vũ khí hóa học của Damascus là một cái kết có hậu dù nó cũng đầy bất ngờ.

Có lẽ một tháng trước đây, không ai nghĩ rằng, một siêu cường có thể bị lột trần thông qua các hoạt động gián điệp bằng bàn tay duy nhất của một công nhân "ưu tú". Những thay đổi này khiến thế giới lạ hơn. Đó cũng là câu trả lời về cách liệu các nước đối mặt với những thời cơ và thách thức như thế nào.

Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được những thay đổi ở mọi nơi trên thế giới, và thực hiện cách tiếp cận ngoại giao mới trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo mối quan hệ tốt hơn với các nước láng giềng, thiết lập mô hình mới trong mối quan hệ giữa các nước lớn và xây dựng một cộng đồng chung, trong nỗ lực để đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng chung. Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau nhưng phân cực như hiện nay, các nước nên tránh việc áp đặt chính sách của mình lên quốc gia khác và nên từ bỏ "cơn mê sảng" cai trị toàn bộ thế giới.

Trong chuyến thăm gần đây tới Trung Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Bắc Kinh không tìm kiếm sự thống trị cũng như xây dựng tầm ảnh hưởng trong khu vực cũng như cam kết phát triển chung. Ý tưởng mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc chỉ là đỉnh của "tảng băng trôi" về khát vọng của Bắc Kinh đối với những thay đổi. Kết luận phiên họp toàn thể Hội nghị Trung ương III khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh cải cách kinh tế sâu sắc và dự đoán quy mô lớn, bao gồm tăng cường vai trò của thị trường trong phân bổ nguồn lực.

Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, nhưng cho dù họ có thành công hay không, thay đổi vẫn là điều sống còn. Đây cũng là bài giải đối với bất kỳ quốc gia nào.

Thanh Văn