Thế giới sau một năm vật lộn với Covid-19
Một năm đã trôi qua từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới, và thực sự làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân toàn cầu, đặt ra câu hỏi lớn về phát triển và phục hồi bền vững cho các nền kinh tế. Trong khi đó, tương lai của đại dịch thì vẫn còn chưa rõ ràng.
Covid-19 thật sự khiến đời sống của người dân trên toàn thế giới bị đảo lộn. Ảnh: AFP |
Giới chuyên gia đã từng đưa ra dự báo về những triển vọng lạc quan cho thế giới năm 2020, nhưng cú sốc Covid-19 đã bất ngờ ập đến. Ban đầu, không ai nghĩ nó sẽ nghiêm trọng đến thế. Nhưng giờ đây, sau hơn 1 năm lây lan chóng mặt, Covid-19 đã làm cả thế giới đảo lộn và tê liệt.
Những thời điểm đáng nhớ
Ngày 11-1, truyền hình Trung Quốc đưa tin có 2 bệnh nhân xuất viện trong đó 1 người tử vong. Tình hình bệnh dịch trở nên tồi tệ ở Vũ Hán. Ngày 14-1, chuyên gia Maria Van Kerkhove từ WHO xác nhận căn bệnh viêm phổi đang hoành hành tại Vũ Hán là do một loại virus mới gây ra. Vài ngày sau, giới chức y tế Trung Quốc xác nhận bệnh này lây lan từ người sang người.
Ngày 21-1, có 4 trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo ở bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, theo công bố của WHO. Tuy nhiên, ngày 23-1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói bệnh dịch này chưa phải là tình trạng gây khẩn cấp toàn cầu. Nhưng cùng ngày, Vũ Hán và các thành phố lân cận bị phong tỏa nghiêm ngặt. Tính đến ngày 30-1, ở Hồng Kông đã có 170 người tử vong. Cùng ngày hôm đó, Tổng giám đốc WHO “tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với y tế công quốc tế”. Kể từ tháng 2, các vụ lây nhiễm lan nhanh ra ngoài Trung Quốc. Và ngày 2-2, ca tử vong đầu tiên bên ngoài Trung Quốc được báo cáo ở Philippines. Ngày 10-2, tổng số các ca tử vong ở Trung Quốc đạt 1.000. Ngày 11-2, WHO chính thức đặt tên cho căn bệnh mới là Covid-19. “Nếu chúng ta không hành động gấp, có thể sẽ có hậu quả nghiêm trọng”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. Ngày 14-2, tại Pháp có ca tử vong đầu tiên do Covid-19, cũng là ca tử vong đầu tiên bên ngoài Châu Á.
Ngày 29-2, nước Mỹ có ca tử vong đầu tiên do Covid-19. Và đến tháng 3, Châu Âu trở thành tâm điểm bùng phát đại dịch. WHO ngày 11-3 xác nhận đây là đại dịch toàn cầu. Và cho đến nay, đại dịch vẫn đang hoành hành dữ dội trên khắp Châu Âu, nước Mỹ và cả thế giới.
Các tình nguyện viên chờ đợi để được kiểm tra tại cơ sở thử nghiệm vaccine chống Covid-19 tại Bệnh viện Chris Sani Baragwanath của Soweto bên ngoài Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AP |
Cuộc sống đảo lộn
Cho đến nay, Covid-19 đã khiến hơn 72,6 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 1,6 triệu người.
Để kiềm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, chính phủ nhiều quốc gia phải hạn chế đi lại, đóng cửa doanh nghiệp, trường học và hạn chế tụ tập đông người. Điều này đã làm đảo lộn nhịp sống nhiều nơi. Những con phố vắng lặng, những ngôi trường không có học sinh, các công sở không nhân viên và nhà hàng không thực khách. Ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề.
Trong bài viết ngày 15-12, Reuters cho biết, việc dừng bay do đại dịch Covid-19 khiến an toàn hàng không trở thành vấn đề đáng lo ngại khi phi công, máy bay hoạt động trở lại. Theo các cơ quan chức năng, bảo hiểm và chuyên gia cảnh báo các hãng hàng không cần thận trọng hơn khi vận hành trở lại các máy bay từng dừng bay do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Các yếu tố nguy cơ bao gồm việc phi công bị “lụt nghề”, lỗi bảo trì và thậm chí côn trùng làm tổ tại các cảm biến quan trọng. Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) cảnh báo xu hướng đáng báo động của các vụ phi công báo cáo về chỉ số tốc độ và cao độ không đáng tin trong chuyến bay đầu tiên sau khi máy bay hoạt động lại.
Đánh giá về sự đảo lộn cuộc sống do Covid-19, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ của trang từ điển nổi tiếng thế giới Collins đã lựa chọn từ khóa “lockdown” (tạm dịch là “phong tỏa” hoặc “đóng cửa”) làm từ khóa tiêu biểu nhất của năm 2020. Theo định nghĩa của từ điển Collins, từ khóa “phong tỏa” đã phản ánh trải nghiệm chung của hàng tỷ người dân trên thế giới khi dịch Covid-19 lây lan với tốc độ chóng mặt, khiến chính phủ các quốc gia ban bố lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch.
Khoảng 100 triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo
Ngoài việc khiến cuộc sống của người dân đảo lộn và tê liệt trong một năm qua, đại dịch Covid-19 xuất hiện còn khiến các dự định, mục tiêu lớn của thế giới trong năm qua bị thay đổi.
Nếu như vào đầu năm 2020, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã từng tuyên bố về 4 mục tiêu lớn quyết tâm giải quyết trong năm 2020 là tìm kiếm giải pháp cho những căng thẳng chính trị; đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); và tăng cường sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và các thể chế đa phương khác; thì nay đại dịch Covid-19 đã khiến các mục tiêu này không thể thực hiện, thậm chí nhiều thành quả mà Liên hợp quốc đã nỗ lực vun đắp suốt bao năm bỗng chốc tan thành mây khói. Giờ đây, 4 mục tiêu vẫn đang nằm trên bàn nghị sự của những năm tới.
Đại dịch Covid-19 thật sự tàn phá nặng nề các nền kinh tế, xóa sạch những tiến bộ nhiều nước đạt được trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đẩy cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới tụt hậu trở lại cả thập niên. Với những khu vực luôn chìm trong xung đột liên miên như châu Phi hay Trung Đông, tình trạng nghèo đói đã ngấp nghé trở lại mức cách đây 30 năm. Trong báo cáo tổng kết năm 2020, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres thừa nhận thế giới có thêm khoảng 100 triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo và đây cũng là lần đầu tiên chỉ số nghèo đói trên toàn cầu tăng kể từ năm 1998.
Suy thoái kinh tế cũng khiến tình trạng khủng hoảng lương thực xảy ra ở nhiều khu vực có xung đột và nguy cơ bùng phát thảm họa nhân đạo ngày càng rõ rệt. Khoảng 24 triệu người tại vùng Sahel Châu Phi đang phải hoàn toàn sống nhờ vào nguồn cứu trợ của LHQ và cộng đồng quốc tế để có thể sống sót qua năm nay là một ví dụ điển hình. Và bất chấp quy mô và tốc độ chưa từng có tiền lệ của cuộc giải cứu ở nhiều quốc gia, bao gồm cắt giảm thuế, trả lương, cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.
Vẫn là bài toán khó - cung cấp vaccine
Khi năm 2020 đang dần khép lại và thế giới lại chuẩn bị bước sang một năm mới, nhiều người hy vọng năm 2021 sẽ có những bước tiến mới, thay đổi mới và hy vọng đại dịch Covid-19 sớm bị đẩy lùi, nhất là khi các nước đã bắt đầu rục rịch cho chiến dịch tiêm chủng vaccine quy mô lớn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo, bất chấp niềm tin vào vaccine, dư âm của “cơn bão Covid-19” vẫn còn càn quét khắp thế giới trong năm 2021. Ngoài ra, bài toán cung cấp vaccine cho các nước nghèo cũng chưa có lời giải thỏa đáng. Trong khi người Mỹ, người Anh và người Canada xắn tay áo để nhận vaccine, con đường thoát khỏi đại dịch hiện có vẻ rõ ràng đối với nhiều người ở phương Tây, ngay cả khi việc triển khai sẽ mất nhiều tháng. Nhưng đối với các nước nghèo hơn, con đường sẽ dài hơn và gồ ghề hơn. Sáng kiến đầy tham vọng được gọi là COVAX nhằm đảm bảo toàn thế giới được tiếp cận với vaccine Covid-19 đã chỉ bảo đảm một phần nhỏ trong số 2 tỷ liều mà họ hy vọng sẽ mua trong năm tới, vẫn chưa xác nhận bất kỳ thỏa thuận thực tế nào để xuất xưởng vaccine và vẫn thiếu tiền mặt.
AP dẫn lời một số chuyên gia cho biết, cơ hội để các mũi tiêm vaccine chống virus gây bệnh Covid-19 được chia sẻ công bằng giữa các quốc gia giàu có và phần còn lại đang mờ đi nhanh chóng. Với nguồn cung cấp vaccine hiện đang hạn chế, các nước phát triển, một số nước đã cam kết tài trợ cho các nước nghèo, đang chịu áp lực rất lớn trong việc bảo vệ cho chính người của họ và đang phải mua các mũi tiêm phòng. Trong khi đó, một số quốc gia nghèo hơn đang tìm kiếm các giải pháp thay thế vì lo ngại rằng nó sẽ không mang lại hiệu quả.
Trong khi đó, mối lo về vaccine lại bùng lên sau 2 ca dị ứng nặng ở Anh. Các bác sĩ ở Anh cho biết, việc triển khai vaccine Covid-19 của hãng Pfizer và BioNTech ngoài phạm vi các bệnh viện sẽ lâu hơn dự kiến vì các thách thức hậu cần và 2 ca dị ứng nặng sau tiêm. Báo WSJ ngày 15-12 đưa tin các bác sĩ ở Anh được yêu cầu phải theo dõi các bệnh nhân 15 phút sau tiêm, vì có 2 ca dị ứng nặng ngày 8-12, ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 ở nước này. Hai ca này đều là nhân viên của NHS và có tiền sử dị ứng. Hiện cả hai đã hồi phục.
Theo Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) Anh, các triệu chứng phổ biến của phản ứng dị ứng sau khi tiêm vaccine là phát ban, viêm mũi dị ứng như hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, khó thở, ho, viêm kết mạc và chảy nước mắt. Trong khi đó, phản ứng dị ứng nặng, hay còn gọi là sốc phản vệ, có thể đe dọa đến tính mạng.
KHẢ ANH