Thế giới tưởng nhớ ông Mandela
(Cadn.com.vn) - Quân đội và lính bắn tỉa được triển khai quanh khu vực nơi các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới viếng cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
Hàng chục ngàn người dân Nam Phi, hàng chục vị Tổng thống, Thủ tướng, người nổi tiếng và cả những người quét đường phố cùng hướng về một nơi: sân vận động FNB ở ngoại ô Johannesburg trong lễ tưởng niệm cựu Tổng thống Nelson Mandela ngày 10-12.
Bất chấp trời mưa, đám đông vẫn nhảy múa, hát bài ca ngợi người anh hùng dân tộc. Nhiều người vẫy biểu ngữ tôn vinh người cha già tôn kính vừa qua đời hôm 5-12. Một số khác ôm khư khư những hình ảnh Mandela. “Tôi sẽ không có cuộc sống hôm nay nếu không có ông (Mandela)”, Matlhogonolo Mothoagae, một sinh viên nói khi có mặt tại sân vận động FNB. Trong khi đó, Rohan Laird, Giám đốc điều hành 54 tuổi của một Cty bảo hiểm y tế, hét lên: “Ông bị bắt giam để cho chúng tôi quyền tự do”. Có thể thấy, từ bờ Đông sông Limpopo ở cực Bắc đến thành phố Cape Town ở cực Nam đất nước đều vang vọng những lời nguyện cầu ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại.
Hình ảnh cố Tổng thống Nelson Mandela tại sân vận động FNB –nơi diễn ra lễ viếng chính thức. Ảnh: Reuters |
91 nguyên thủ quốc gia đến Nam Phi
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng ông Mandela Ngày 10-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu đại diện Nhà nước đến Đại sứ quán Nam Phi, đặt vòng hoa viếng cựu Tổng thống Nelson Mandela. Chia buồn cùng cán bộ và nhân viên sứ quán, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vô cùng thương tiếc cựu Tổng thống Mandela, lãnh tụ kiệt xuất không chỉ của nhân dân Nam Phi và Châu Phi, mà còn của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, người dành cả cuộc đời mình đấu tranh kiên cường cho tự do và bình đẳng. Chủ tịch nước ghi lời chia buồn vào sổ tang, bày tỏ tin tưởng, đất nước và nhân dân Nam Phi sẽ biến đau thương thành sức mạnh đoàn kết, đưa Nam Phi vượt qua mọi thử thách và tiếp tục đạt nhiều thành tựu to lớn. Trong ngày, nhiều đoàn đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành cũng đến Đại sứ quán Nam Phi đặt vòng hoa viếng và ký sổ tang, bày tỏ niềm thương tiếc cựu Tổng thống Mandela. TTXVN |
Theo CNN, ít nhất 91 nguyên thủ các quốc gia đã đến Nam Phi, đánh dấu nơi tập trung lớn nhất các nhà lãnh đạo thế giới trong lịch sử Châu Phi, nơi các nhà lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân không phân biệt giai cấp cùng hòa chung một giọng.
Đó là Tổng Thư ký LHQ Ban Ki- moon, Thủ tướng Anh, Canada, Đức... Tổng thống Barack Obama cũng có mặt cùng với phu nhân Michelle Obama. Tổng giám mục Desmond Tutu - người vinh dự được trao giải thưởng Nobel Hòa bình - và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma là những người đầu tiên có mặt tại sân vận động. Thế giới giải trí cũng góp mặt với đại diện của nhiều ngôi sao nổi tiếng, trong đó có nữ diễn viên người Nam Phi Charlize Theron. Hơn 1.500 phương tiện truyền thông trên thế giới cũng đến Nam Phi để đưa tin lễ tang.
Tại buổi lễ, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đọc điếu văn trước khi các nhà lãnh đạo quốc tế vào viếng. Không có người vợ nào của ông Mandela đại diện lên phát biểu cảm tưởng mà thay và đó là 4 người cháu của ông Mandela. Để rồi, tất cả đều hát vang bài ca tôn vinh người anh hùng Nam Phi.
Đám tang của ông Mandela đi vào lịch sử Châu Phi và có thể so sánh ngang với tang lễ của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill năm 1965 và tang lễ năm 2008 của Đức Giáo hoàng John Paul II, vốn thu hút 2 triệu người đến Rome - trong đó có 4 vị vua, 5 hoàng hậu, ít nhất 70 Tổng thống và thủ tướng cùng các nhà lãnh đạo của 14 tôn giáo khác.
An ninh thắt chặt tuyệt đối
Với sự có mặt của 91 nguyên thủ quốc gia tại sân vận động FNB, Nam Phi nỗ lực tăng cường an ninh tuyệt đối (thật ra, kế hoạch an ninh đã được giới chức Nam Phi bí mật chuẩn bị nhiều năm qua để đảm bảo an toàn cho các chính khách tham dự).
Theo đó, chính phủ Nam Phi sử dụng lực lượng quân đội tinh nhuệ, các đội bắn tỉa và đội chó nghiệp vụ để giúp đảm bảo an ninh quanh khu vực nơi 6 Tổng thống đến vinh danh nhà lãnh đạo chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid trong buổi lễ kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, máy bay trực thăng và máy bay phản lực liên tục quần thảo trên không. “Bất cứ ai, bất cứ điều gì dám làm phiền hoặc làm gián đoạn thời gian viếng và tiễn đưa cựu Tổng thống Mandela đến nơi an nghỉ cuối cùng sẽ bị xử lý nghiêm”, tướng Xolani Mabanga tuyên bố.
Tại sự kiện này, máy dò kim loại và khoảng 15.000 nhân viên an ninh được chuyên dùng theo dõi lễ tang. Lực lượng an ninh cũng được triển khai bên ngoài nhà riêng ông Mandela, nơi đám đông thể hiện lòng tôn kính với vị cố Tổng thống. Hầu hết cho biết, họ bỏ công việc để đến đây. “Mục tiêu của chúng tôi là có thể đảm bảo an ninh tuyệt đối nhất. Đó là lý do vì sao các nhà lãnh đạo thế giới tự tin khi đến Nam Phi”, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Collins Chabane cho biết. Các quan chức Mỹ rất hài lòng với công tác an ninh của Nam Phi. “Chúng tôi hoàn toàn yên tâm”, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes nói khi chuyên cơ Air Force One cất cánh chở Tổng thống Obama đến Nam Phi. Thật sự, trước khi ông Mandela qua đời, Cơ quan Mật vụ Mỹ đã lên kế hoạch để Tổng thống Obama có thể đến đây tham dự lễ viếng.
Sau lễ tang, thi hài ông Mandela sẽ được quàn tại Tòa nhà Union ở Pretoria trong 3 ngày, kể từ hôm nay (11-12). Lễ an táng sẽ diễn ra vào ngày 15-12.
Khả Anh