Thế giới và những kỳ vọng về một chính quyền Mỹ mới

Thứ ba, 10/11/2020 15:59

Sau khi truyền thông Mỹ đưa tin ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 vừa qua, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã chúc mừng ông Biden đồng thời bày tỏ những kỳ vọng đối với tân chính quyền Mỹ.

Báo chí thế giới đưa tin về việc ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.   Ảnh: VOA

Kỳ vọng về một xung lực mới

Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman đã gửi thư chúc mừng ông Biden, trong đó nhấn mạnh chiến thắng của ông Biden cho thấy người dân Mỹ khát khao về sự thay đổi. Trong thư, Tổng thống Czech bày tỏ hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ tạo xung lực mới cho mối quan hệ giữa Mỹ với Liên minh Châu Âu (EU) nói chung và với Czech nói riêng. Thủ tướng Czech Andrej Babis bày tỏ hy vọng chính quyền của ông Biden sẽ tăng cường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, tôn trọng các cam kết đối với NATO và thúc đẩy hướng tới một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU.

Trên tài khoản facebook, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova bày tỏ hy vọng Tổng thống tương lai của nước Mỹ sẽ góp phần tăng cường sự đoàn kết của mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và EU, tham gia và giữ vai trò lãnh đạo nhiều hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu. Thủ tướng Slovakia Igor Matovic đã chúc mừng ông Biden và bày tỏ hy vọng EU và Mỹ sẽ trở thành đồng minh ở cấp độ toàn cầu.

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda chúc mừng ông Biden thành công trong chiến dịch tranh cử tổng thống và khẳng định Ba Lan quyết tâm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ vì một liên minh mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Victor Orban đã gửi thư chúc mừng ông Biden, đồng thời chúc ông sức khỏe và tiếp tục thành công với trọng trách của mình.

Australia muốn Mỹ trở lại hiệp định biến đổi khí hậu

Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định Canberra rất hoan nghênh việc cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa Washington quay trở lại với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Phát biểu với báo giới ngày 9-11, Thủ tướng Morrison Australia Scott Morrison cho biết Canberra hoan nghênh cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa Washington trở lại với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào tuần trước. Tuy nhiên, trong cương lĩnh tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Biden đã cam kết sẽ đưa Washington tham gia trở lại hiệp ước này và theo đó nước Mỹ sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2050.

Trong phát biểu ngày 9-11, Thủ tướng Morrison cũng nêu rõ sự thất vọng của Australia đối với chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump. Ông Morrison đồng thời bày tỏ hoan nghênh nếu Mỹ trở lại các tổ chức toàn cầu khác như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tiếp đó có thể là hiệp ước thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà Australia và 10 quốc gia khác ký kết vào năm 2018.

Trước đó một ngày, Thủ tướng Morrison khẳng định Australia hoan nghênh Mỹ phối hợp hài hòa với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo ông, con đường để thoát khỏi cuộc suy thoái toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra là “thương mại dựa trên thị trường, thương mại công bằng, theo các quy tắc phù hợp thông qua WTO”.

Iran muốn Mỹ ngừng gây sức ép

Sau khi truyền thông Mỹ đưa tin ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ - ông Joe Biden đã vượt qua đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống, Bộ Ngoại giao Iran đã lên tiếng kêu gọi Mỹ ngừng gây sức ép kinh tế đối với nước này. Phát biểu trên truyền hình nhà nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh chính quyền Mỹ “phải đền bù cho các biện pháp trong quá khứ và ngừng cuộc chiến kinh tế chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo”. Ông Khatibzadeh cho biết thêm: “Chúng tôi đang chờ đợi các bước đi thiết thực” của Mỹ, đồng thời cho rằng Washington nên cam kết thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình. Theo quan chức ngoại giao này, chính Mỹ đã “vi phạm” các nghĩa vụ của họ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân đã ký kết với Iran. Mỹ cũng nên đền bù những tổn thất mà Tehran phải gánh chịu do sức ép kinh tế của Washington.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã kêu gọi các nước láng giềng hợp tác nhằm đạt được những lợi ích chung. Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh Iran hy vọng tất cả các nước coi đối thoại là cách duy nhất để chấm dứt những bất đồng và căng thẳng, hướng tới cùng nhau tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực.

Palestine hối thúc Mỹ thay đổi chính sách về Jerusalem

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết sẽ hối thúc ông Joe Biden, người được các hãng truyền thông Mỹ đưa tin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Jerusalem về Tel Aviv và hủy bỏ việc công nhận thành phố linh thiêng Jerusalem là thủ đô của Israel.

Cố vấn cấp cao Chính quyền Palestine Nabil Shaath cho biết Tổng thống Abbas đã gửi thư riêng chúc mừng ông Biden, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác với chính quyền mới của Mỹ để tăng cường quan hệ Palestine-Mỹ, mang lại tự do, độc lập, công bằng cho nhân dân Palestine, cũng như hoạt động vì hòa bình, ổn định và an ninh cho tất cả mọi người trong khu vực và trên toàn thế giới. Theo bức thư, Palestine sẵn sàng quay lại bàn đàm phán với Israel do Mỹ làm trung gian. Tuy nhiên, Tổng thống Abbas nhấn mạnh điều đó sẽ chỉ xảy ra nếu các cuộc thương lượng được nối lại ở nơi đã đàm phán năm 2016, dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Ngoài ra, ông Shaath cho biết Chính quyền Palestine cũng sẽ yêu cầu Mỹ mở lại cơ quan đại diện ngoại giao Palestine tại Washington và nối lại viện trợ của Mỹ cho Ramallah thông qua Cơ quan Liên hợp quốc phụ trách cứu trợ người Palestine (UNRWA).

AN BÌNH