Thể thao an toàn

Thứ bảy, 19/09/2020 17:56

Hiện tại, một số giải đấu thể thao trong nước đã thi đấu trở lại trong khi nhiều giải đấu khác cũng được lên kế hoạch trở lại trong 3 tháng cuối năm. Dù vậy, Ban Tổ chức các giải đấu đều chú trọng đến yếu tố phòng dịch để bảo đảm an toàn cho giải, dù việc này có thể khiến mất nguồn doanh thu từ khán giả hay lệ phí thi đấu.

Các giải bóng đá chuyên nghiệp sẽ sớm trở lại nhưng yếu tố an toàn phòng chống dịch vẫn được đặt lên hàng đầu.

Hối hả trở lại

Từ nhiều tháng nay, nhiều VĐV thực sự mong muốn thi đấu. Cũng chỉ vì dịch khiến lịch thi đấu các giải thuộc hệ thống thi đấu quốc gia liên tục bị hoãn hoặc hủy nên họ đành tập chay. Đến nỗi, kình ngư số 1 Việt Nam ở cự ly 400m và 800m Nguyễn Huy Hoàng đã phải tham gia giải bơi trẻ toàn quốc - 2020, nơi tranh tài của các VĐV thua xa trình độ của Huy Hoàng, chỉ để kiểm tra chỉ số chuyên môn cá nhân cũng như phong độ.

Còn các VĐV đội tuyển điền kinh quốc gia đang tập huấn tại Hà Nội cũng tham gia các giải đấu phong trào để giữ cảm giác thi đấu. Rõ nhất là trường hợp toàn bộ nhóm VĐV cự ly trung bình dài và Marathon đều tham dự Giải chạy Tây Hồ - 2020 hồi tháng 7 vừa qua. Giải đấu không có quá nhiều tính cạnh tranh, chỉ là cuộc tranh chấp ngôi thứ giữa các VĐV đội tuyển quốc gia với nhau nhưng ít nhất cũng giúp VĐV có cảm giác thi đấu. VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh nói rằng: "Việc thi đấu tại giải chạy Tây Hồ - 2020 cũng chỉ như một buổi tập của chúng tôi. Nhưng ít nhất việc thi đấu ở giải cũng giúp chúng tôi có cảm giác thi đấu, sự hưng phấn nhất định".

Có lẽ, nếu không xảy ra đợt dịch vào cuối tháng 7 với các ca lây nhiễm tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác thì đời sống thể thao Việt Nam cũng như nhiều lĩnh vực khác cũng đỡ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các ca lây nhiễm cộng đồng liên tục xảy đến khiến các giải đấu trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9 lại hoãn, hủy. Thế nên, các quản lý bộ môn tại Tổng cục TDTT, HLV ở các đội càng sốt ruột, chỉ mong dịch sớm được khống chế.

Họ thừa hiểu, nếu không thi đấu, VĐV sẽ mất hết cảm giác thi đấu, khó đạt phong độ cao nhất để có thể hoàn thành nhiệm vụ cho đơn vị chủ quản cũng như đội tuyển quốc gia. Trong khi đó, những nhiệm vụ quốc tế lớn trong năm 2021 của thể thao Việt Nam đã được vạch rõ là Olympic và SEA Games 31. Như ông Dương Đức Thủy, phụ trách bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) chia sẻ thì có cả núi nhiệm vụ đang trước mặt nên phải tìm mọi cách để giữ được cảm giác thi đấu cho VĐV nhất là nhóm VĐV đội tuyển quốc gia.

Thực tế, thời gian thi đấu của Olympic 2021 đã được công bố là vẫn vào tháng 7-2021. Từ nay đến khi diễn ra Olympic 2021 cũng chỉ có khoảng 10 tháng, nhóm VĐV được chuẩn bị cho sân chơi này càng cần được thi đấu liên tục. Cũng vì vậy, khi dịch được khống chế, trong những ngày qua, ngành Thể thao cũng lên phương án thi đấu để bảo đảm các giải đấu có thể diễn ra.

An toàn là yếu tố hàng đầu

Dù đã bắt đầu trở lại nhưng rõ ràng, yếu tố an toàn cho HLV, VĐV và khán giả phải được đặt lên hàng đầu. Cũng vì thế phương án thi đấu không người xem đang được xem là giải pháp ưu tiên. Thực tế, người xem luôn được xem là yếu tố quan trọng để tiếp thêm động lực cho VĐV thi đấu và mang lại nguồn thu đáng kể cho Ban tổ chức trận đấu. Nhưng khi nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn hiển hiện thì những khán đài với cả nghìn khán giả cũng mang đến lo lắng nhất định về việc lây nhiễm dịch.

Cho nên, ngay các giải bóng đá trong hệ thống thi đấu quốc gia vốn từng gây tiếng vang vì thu hút cả vạn khán giả vào sân dịp tháng 6 và 7 vừa qua thì nay cũng thận trọng hơn rất nhiều. Ngay vòng tứ kết Cúp Bóng đá Quốc gia - 2020 vừa qua, ngoài trận Bà Rịa - Vũng Tàu với TP Hồ Chí Minh, 3 trận đấu còn lại  (ước tính có thể thu hút gần 2 vạn khán giả) đều phải diễn ra trong sân đấu không khán giả.

Còn ở Giải Bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam, sự thận trọng cũng thể hiện rõ. Để tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm, giải đấu đã được chuyển về thi đấu tập trung tại một địa điểm ở TP Hồ Chí Minh, không khán giả. Trong khi đó, môn cờ vua vốn hoạt động không ngừng nghỉ từ khi có dịch nhờ hình thức thi đấu cờ trực tuyến nhưng khi dịch được khống chế thì cũng tính tới phương án tổ chức thi đấu trực tiếp giữa các kỳ thủ. Thực tế, hình thức thi đấu trực tuyến chỉ phù hợp với cờ nhanh. Còn thi đấu cờ tiêu chuẩn - được coi là đỉnh cao trong các hình thức thi đấu cờ vua, phù hợp với thi đấu trực tiếp vì có thể kéo dài vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên, trở lại như thế nào thì vẫn cần đến sự thận trọng.

Hiện tại, cả đất nước đang phải thích nghi với trạng thái bình thường mới và thể thao cũng không là ngoại lệ. Các giải đấu vẫn cần diễn ra để giúp VĐV được nâng trình độ, có tiền thưởng... nhưng vẫn cần bảo đảm an toàn tối đa nhất là khi hiện tại chưa có vaccine phòng dịch Covid-19.

P.V

36 giải trong 3 tháng

Trong lịch thi đấu các bộ môn thuộc Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) được công bố vào ngày 15-9, chỉ trong 3 tháng - từ tháng 10 đến tháng 12-2020, sẽ có 36 giải đấu quốc nội (chủ yếu là các môn võ và điền kinh) được tổ chức. Đây được xem là số lượng giải đấu dày đặc trong làng thể thao Việt Nam. Trong số này, có nhiều giải đấu bị hoãn từ tháng 8 và nửa đầu tháng 9 do dịch COVID-19 nhưng đã buộc phải lùi lịch thi đấu vào 3 tháng cuối năm 2020.