Thể thao Việt Nam gồng mình trước dịch
Niềm vui khi các giải đấu trở lại sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất tại Việt Nam đã không thể kéo dài khi dịch lại có diễn biến phức tạp từ cuối tháng 7. Trong bối cảnh đó, việc ngành Thể thao ngừng tổ chức các giải đấu là tất yếu. Chẳng ai muốn điều này xảy ra nhưng sự an toàn của bản thân và cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu.
VĐV thi đấu ở Giải Thể dục dụng cụ các lứa tuổi trẻ toàn quốc ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội trong điều kiện phòng, chống dịch nghiêm ngặt. |
Ngừng cuộc chơi bất đắc dĩ
Ngay khi xảy ra ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam sau 99 ngày, Tổng cục TDTT đã có phản ứng khi ban hành công văn về chống dịch trong tình hình mới. Trong công văn này, Tổng cục TDTT yêu cầu Vụ Thể thao thành tích cao I, II phối hợp với các địa phương, Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia và các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong công tác tổ chức các sự kiện thể thao, đặc biệt các sự kiện thể thao đang trong thời gian tổ chức; rà soát kế hoạch đăng cai tổ chức giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia và các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ nhằm đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Căn cứ diễn biến dịch bệnh, đề xuất báo cáo lãnh đạo Tổng cục cho phép hoãn hoặc lùi tổ chức các sự kiện thể thao đến cuối năm 2020.
Trong khi đó, các trung tâm HLTTQG thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ VĐV, HLV và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện cấm trại đối với các đối tượng tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát... Chỉ đạo này không làm nhiều người trong cuộc bất ngờ bởi tất cả từng thực hiện chỉ đạo tương tự khi dịch xuất hiện tại Việt Nam hồi đầu năm nay. Sau đó, từ tháng 3 đến hết tháng 5 năm nay, không có giải đấu nào được tổ chức, nhiều VĐV phải cách ly và duy trì tập luyện tại nhà. Việc tập "chay" đã gây không ít khó khăn cho các VĐV trong việc giữ phong độ. Nhưng đó là việc bất khả kháng để giữ an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng.
Phải đến tháng 6 vừa qua, khi dịch đã được khống chế, các giải thể thao mới được tổ chức, trong đó chủ yếu là các giải trẻ, giải vô địch Cúp các câu lạc bộ chứ không phải là Giải vô địch quốc gia - giải đấu quan trọng nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia. Chỉ một số môn tổ chức được giải vô địch quốc gia như cầu lông, bóng bàn, bóng đá, bi sắt, quần vợt, wushu...
Thực tế, trong khoảng tháng 8 đến tháng 12, các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia sẽ diễn ra liên tục, nhất là các giải trẻ. Chỉ riêng tháng 8, dự kiến có 28 giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia được tổ chức. Thế nhưng, diễn biến phức tạp của dịch đã khiến các giải đấu phải tạm hoãn. Ngoài bóng đá, các môn thể thao khác như bóng rổ, điền kinh, bi sắt, bóng chuyền, thể hình, karatedo, võ muay, bóng bàn... đều phải ngừng tổ chức các giải đấu.
Trong số này, vòng chung kết Giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2020 dự kiến diễn ra tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) vào đầu tháng 9 đã phải hoãn vô thời hạn do Đà Nẵng đang là tâm dịch trong khi Cung thể thao Tiên Sơn được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến. Trong khi đó, dù các thành viên Ban tổ chức Giải Thể hình các CLB toàn quốc đã tề tựu ở Hải Phòng để chuẩn bị cho giải, dự kiến từ ngày 8-8 đến 10-8, nhưng cuối cùng cũng đành trở về địa phương khi giải đấu bị hoãn. Đây là lần thứ hai trong năm nay, giải đấu này bị hoãn. Còn Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cũng thông báo hoãn tổ chức Giải vô địch điền kinh trẻ và lứa tuổi trẻ Quốc gia 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến 25-8 tại Tây Ninh. Giải sẽ được lùi xuống quý 4 năm nay.
Ngoài ra, với hy vọng đến quý 4 năm nay Việt Nam sẽ khống chế đợt dịch đang diễn ra hiện nay, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cũng không tổ chức Giải vô địch điền kinh quốc gia 2020 tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 9 như dự kiến mà chuyển về Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) vào quý 4 năm nay.
Chấp nhận và chờ đợi, hy vọng
Không được thi đấu, thi thố sau thời gian dài tập luyện là việc chẳng ai mong muốn, nhưng những nhà quản lý, HLV, VĐV đều chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước. Theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng, ngay khi diễn biến dịch có dấu hiệu phức tạp với liên tục những ca lây nhiễm trong cộng đồng, Trung tâm cũng đã siết chặt các giải pháp phòng, chống dịch tại các bộ môn, các khu tập luyện, ăn nghỉ. Ngoài ra, Trung tâm cũng đề nghị các quản lý bộ môn quán triệt với HLV, VĐV về việc phòng, chống dịch là quan trọng nhất, cần thiết nhất. Các giải đấu sẽ còn diễn ra trong tương lai, VĐV còn nhiều cơ hội thi đấu. Quan trọng nhất là bảo đảm an toàn cho chính bản thân VĐV, HLV để có thể tiếp tục thi đấu trong tương lai.
Ông Bùi Đình Lợi - phụ trách bộ môn bóng chuyền (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) kể rằng, đội bóng chuyền nữ Hà Nội đã chuẩn bị rất kỹ cho vòng chung kết Giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc 2020 sau lần hụt vé lên hạng ở mùa giải 2019. "Các VĐV đều háo hức thi đấu nhưng rồi xảy ra các ca lây nhiễm dịch trong cộng đồng khiến giải đấu bị hoãn. Dù vậy, các VĐV đều cho rằng, giải đấu hoãn là hợp lý và ủng hộ quyết định của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam".
Tại Đội tuyển vật quốc gia, đang tập trung ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, đô vật nổi tiếng Kiều Thị Ly cho biết đã sẵn sàng tâm thế nếu Trung tâm quyết định thực hiện cách ly. Trong tháng này, các đô cử cũng tham dự giải Cúp Quốc gia dưới màu áo địa phương nhưng đành lỡ hẹn vì dịch.
Chấp nhận, chờ đợi và hy vọng dịch không ảnh hưởng nặng nề, để đời sống thể thao trở lại hoạt động như những ngày tháng 6 vừa qua là điều dễ nhận thấy trong làng thể thao Việt Nam lúc này. Tất cả lại đang gồng mình trước dịch để hy vọng một ngày được trở lại sàn đấu, sân đấu.
MINH HÀ