Thêm 2 mẹ con mắc “bệnh lạ”

Thứ sáu, 15/12/2017 16:00

QUẢNG NGÃI - Ngày 14-12, ông Phạm Văn Tương - Chủ tịch UBND xã Ba Nam, H. Ba Tơ, cho biết trên địa bàn xã vừa phát hiện 2 bệnh nhân là mẹ con có triệu chứng bệnh dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (còn gọi “bệnh lạ”), đó là chị Phạm Thị Dách (27 tuổi) và con gái Phạm Thị Vỹ (9 tuổi, ở Làng Dút 1). Đặc biệt, chị Phạm Thị Dách đang mang thai 5 tháng. Hai mẹ con chân tay đều bị sừng thâm tím, men gan cao. Anh Phạm Văn Chon, chồng chị Dách cho biết: “Tôi rất lo lắng khi vợ đang mang bầu lại mắc bệnh, không biết ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào. Còn đứa con gái đang đi học lớp 5, sức khỏe cháu yếu lắm”.

Bàn chân của chị Phạm Thị Dách được chăm sóc.

Hai ngày trước, ngành y tế phát hiện ổ bệnh tại xã Ba Ngạc. Hai ngày sau, tiếp tục phát hiện ổ bệnh ở xã Ba Nam cách xã Ba Ngạc gần 20 km. Ngành y tế lo lắng khi người mắc “bệnh lạ” không chỉ ở một thôn mà lan rộng khắp địa bàn Ba Tơ. Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế Ba Tơ phối hợp Sở Y tế tỉnh tập trung triển khai công tác sàng lọc khắp các xã trên địa bàn huyện. Bà Đặng Thị Phượng - Giám đốc Trung tâm Y tế H. Ba Tơ cho biết: “Thời điểm này phát hiện 5 trường hợp bị triệu chứng “bệnh lạ”. Bệnh này diễn biến khó lường và dẫn đến tử vong rất đột ngột. Trung tâm y tế tiếp tục khám sàng lọc, lấy máu liên tục. Đặc biệt, khi phát hiện thấy men gan người bệnh tăng thì tập trung theo dõi điều trị”.

Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa (tỉnh Bình Định) cũng đã cử đoàn công tác phối hợp với Trung tâm Y tế H. Ba Tơ tổ chức khám sàng lọc cho người dân Ba Tơ. Đồng thời tăng cường công tác giám sát dịch tễ, phun thuốc khử khuẩn môi trường quanh các khu dân cư.

4 năm trước, hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân bùng phát mạnh ở huyện Ba Tơ, Sơn Hà khiến hàng chục người tử vong, hàng trăm người bị bệnh. Nhiều bản làng vùng cao có bệnh nhân mắc hội chứng này vô cùng hoang mang. Sau nhiều lần cử đoàn công tác, chuyên gia về tìm hiểu, Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân gây nên hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân do độc tố Aflatoxin có trong gạo ủ, gạo mốc người dân sử dụng. Trong khi đó, đại diện chính quyền địa phương, Viện Pasteur Nha Trang... không đồng tình kết luận này. Bởi, thói quen sử dụng gạo ủ, gạo mốc đã có từ hàng trăm năm qua của người dân.

T.SỰ