Thêm tư liệu quý hiếm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Thứ sáu, 12/06/2015 09:18

(Cadn.com.vn) - Ủy Ban biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) và các cơ quan liên quan vừa tiếp nhận bộ bản sao "Đại Nam thực lục" (ĐNTL) của Quốc sứ quán triều Nguyễn do Trường Đại học Keio (Nhật Bản) sưu tầm, ấn hành do nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan (trú đường Cao Bá Quát, TP Huế) hiến tặng.

Trong quá trình sưu tầm tài liệu lịch sử, nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã tìm được bộ tư liệu ĐNTL, một công trình sưu tầm, nghiên cứu và xuất bản trong suốt 21 năm (từ năm 1961 - 1981) của Trường ĐH Keio. Bộ sách được các nhà nghiên cứu Nhật Bản sưu tầm, sao chụp đúng nguyên dạng ĐNTL đã được in mộc bản gồm hơn 550 quyển, gần 33.000 trang, và sau đó họ in lại tại Nhật thành 20 tập, 8.131 trang. Trong tài liệu lịch sử đó, có rất nhiều đoạn khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng như bao người con dân Việt, ông Hồ Tấn Phan rất trăn trở khi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta đang bị Trung Quốc xâm chiếm một cách trắng trợn. Với mong muốn, góp thêm một chứng cứ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam khi ra tòa quốc tế, ông Phan đã dành nhiều thời gian tìm kiếm, thu thập cùng với những bản mà các nhà nghiên cứu Nhật Bản tặng, rồi hoàn chỉnh thành bộ ĐNTL do ĐH Keio xuất bản, in ấn. "ĐNTL, theo cách hiểu của tôi là quyển sách nói về sự thật của nước Đại Nam. Trong bộ ĐNTL, có nhiều đoạn khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là tư liệu rất quý hiếm, có giá trị pháp lý cao đóng góp cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Điều đáng nói, việc phát hiện bộ chính sử của triều Nguyễn được in ấn, phát hành ở Nhật Bản càng quan trọng bởi mang tầm giá trị quốc tế"-ông Phan cho biết.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan hy vọng tư liệu ĐNTL sẽ góp phần đấu tranh
đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Trong ĐNTL có 13 đoạn ghi chép việc thực thi chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bộ ĐNTL gồm 2 phần chính là ĐNTL Tiền Biên và ĐNTL Chính Biên do Quốc sử quán tổ chức biên soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821). Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho biết, trong phần ĐNTL tiền biên, quyển 10, tờ 24B có  đoạn: "Mùa thu tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu, nước Thanh...".

Hay như: "Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là Vạn lý Trường Sa. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba... Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào. Hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ 3 đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh, thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn để tìm hóa vật, đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản" (bản dịch Viện Sử học xuất bản ở Hà Nội năm 1962).

Một đoạn trong ĐNTL tiền biên tiếng Nhật có đoạn nói về Hoàng Sa là của Việt Nam.

Trong cuốn ĐNTL chính biên đệ nhị kỷ (quyển 136, tờ 24b, 24a, trang 3.827) in ở Nhật về vua Minh Mạng có đoạn chép: "Tháng 1 mùa xuân năm Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 (1836). Bộ Công tâu lên: "Cương giới mặt nước biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia đã phái vẽ bản đồ, mà hình thế nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hằng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái binh biền thủy quân và vệ giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi... Vua y lời tâu, sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, đem binh biền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ: Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom, đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ" (bản dịch của Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2001)...

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan hy vọng, với bộ tư liệu ĐNTL mà ông hiến tặng cho Ủy ban Biên giới quốc gia sẽ là tư liệu quan trọng cùng với những tài liệu, tư liệu quý hiếm khác để khi ra tòa sẽ củng cố thêm chứng cứ khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

H.Lan

Ngày 11-6, Bộ TT-TT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý". Trong buổi đầu tiên, đã có hơn 1.000 lượt người đến tham quan, tìm hiểu. Bản đồ và tư liệu trưng bày tại triển lãm là một phần bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông. Các nhóm tư liệu chính được giới thiệu như: bộ sưu tập gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo trên do Việt Nam và phương Tây công bố từ thế XVII đến nay; nhiều bộ sưu tập atlas, các phiên bản văn bản; hình ảnh tư liệu về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1930 đến trận "Hải chiến Hoàng Sa" ngày 19-1-1974...

Bảo Hà