Thêm yêu thương từ chiến trường K

Thứ ba, 07/01/2014 10:24

(Cadn.com.vn) - Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Với những người lính tình nguyện Việt Nam cũng vậy. Chiến trường K với những người thân yêu luôn khắc sâu trong họ nỗi nhớ không bao giờ quên. 

Bức tượng bà mẹ Phiu Ma Ly

"Có người lính sau chiến tranh đi tìm. Tìm ở nơi xa lắm, nơi đất nước Chùa Tháp. Có người lính luôn khát khao đi tìm. Nơi có một người đã chở che anh". Đây là một đoạn của bài hát "Mẹ Phiu Ma Ly" được phát lần đầu tiên trên VTV1 ngày 5-1-2014 nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng Campuchia. Nhạc sĩ Chí Tuyến đã viết tặng Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN khi nghe câu chuyện xúc động về Trung tướng tặng bức tượng cho gia đình một bà mẹ Campuchia. 

Ngày 25-1-2011, thôn Pret, phường Stung Treng, thành phố Stung Treng nôn nao khác thường. Khi chiếc xe của bộ đội Việt Nam chở bức tượng mẹ Phiu Ma Ly vừa đến trước cổng nhà thì cả đại gia đình con cháu mẹ đã ôm lấy tượng mà khóc. Mẹ Phiu Ma Ly có chồng là bộ đội biên phòng thời Xihanuc đã mất khi còn trẻ, vất vả nuôi đàn con côi. Năm 1984, Đơn vị 5503 về ở nhà mẹ. Khi làm Tư lệnh Quân khu 5, Trung tướng Nguyễn Trung Thu đã nhờ đồng đội đi tìm gia đình mẹ. Mẹ đã mất. Tư lệnh mời cả đại gia đình 16 người qua thăm Việt Nam.

Anh xin gia đình tấm chân dung của mẹ rồi nhờ người liên lạc với doanh nghiệp điêu khắc đá Non Nước làm bức tượng bán thân mẹ Phiu May Ly bằng đá trắng. Có mặt trong ngày trao bức tượng, bà Kuong Savon, Phó Chủ tịch thành phố Stung Treng nói: "Chúng tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ của quốc tế với những giá trị kinh tế lớn sau khi đất nước thoát khỏi nạn diệt chủng nhưng đây là món quà làm chúng tôi xúc động nhất. Chỉ có quân đội cách mạng chân chính như Việt Nam mới có nhiều kỷ niệm sâu sắc đến vậy". Năm 2012, câu chuyện về bức tượng mẹ Phiu Ma Ly đã được phát sóng trên các đài phát thanh của Campuchia và làm cho người dân thêm yêu mến quân tình nguyện Việt Nam.

Gia đình mẹ Phiu Ma Ly bên bức tượng do Trung tướng Nguyễn Trung Thu tặng.

Bé Mum của Pu Lộc

Gặp anh Nguyễn Hữu Lộc ở 36- Ngô Thị Liễu, P. Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu, Đà  Nẵng), mới biết anh chính là "Pu Lộc" mà các chiến sĩ quân tình nguyện ở Campuchia hay kể. Thú vị hơn nữa khi biết anh hiện đang giữ bức chạm nữ thần Apsara bằng gỗ do một vị lãnh đạo của đất nước Campuchia tặng. Phần thưởng này gắn liền với chiến công anh tham mưu giúp bạn bắt sống hơn một trăm tên lính Pôn Pốt ở trong rừng và chuyện anh cưu mang một cô bé mồ côi.

Đầu năm 1979, anh có mặt ở Campuchia trong đội hình đại đội thông tin của Trung đoàn 96 đóng ở xã Lò-via, huyện Mông-kơp-rây, tỉnh Batdombong. Đất nước Campuchia đã thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt nhưng tình hình vẫn chưa yên. Một lần anh cùng với người đồng đội trên đường công tác thì bất chợt thấy một cô bé chừng 9 đến 10 tuổi, gầy nhom, nước da vàng võ đến bên và nói: "Chú bộ đội Việt Nam ơi, tôi đói lắm, cho tôi ăn với!". Nói chuyện với cô bé bằng tiếng nước bạn, anh biết cháu Mum có cha mẹ đã bị Pôn Pốt sát hại, anh đem về đơn vị nuôi nấng. Nhưng rồi đơn vị phải chiến đấu cơ động, anh đành gửi bé vào trại trẻ mồ côi. Đóng quân ở nơi xa hàng 50 km, vậy mà cháu vẫn đi tìm anh. Đành lòng không đặng, anh đưa cháu về lại đơn vị, đi đâu cũng dẫn cháu theo. Rồi anh  thuyên chuyển lần nữa và tiếp tục gửi Mum ở trại. Khi cháu lớn lên, anh nhờ người xin cháu vào làm y tá ở Bệnh viện Liên Xô- Campuchia và được một vị bác sĩ nữ người Nga nhận làm con nuôi. Năm 1987, anh có lệnh ra quân, về nước, ghé thăm cháu và thật sự yên tâm khi Mum đã lấy chồng và sinh con. Tấm ảnh cháu tặng với nụ cười hạnh phúc anh luôn giữ bên mình.

Kot Bunmy, nàng dâu Đà Nẵng

Nguyễn Phú Biết quê Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng. Qua nước bạn 2 năm, làm lính trinh sát của Đoàn 5503, anh đã xao xuyến bởi cô gái Campuchia tên Kot Bunmy rành tiếng Việt, là chủ quán cách đơn vị không xa, cả cha mẹ và hai anh trai đều bị Pôn Pốt giết hại. Đến năm 1986, duyên nợ để hai người thân thiết hơn khi anh làm chuyên gia tăng cường về xã do chị làm chủ tịch. Tình yêu cứ đến không biết tự bao giờ. Đám cưới đơn giản được tổ chức. Đến năm 1988 thì đứa con trai đầu của họ tên là Nguyễn Phú Đông ra đời... Đang là chính trị viên tiểu đoàn, anh gắn kết cuộc đời với một cô gái nước bạn. Hiện nay nhờ thông thạo tiếng nước bạn, anh đã có "cần câu cơm" đó là dịch thuật văn bản và lo việc giấy tờ cho các Công ty bên Việt Nam đầu tư vào Campuchia.

Vợ chồng Nguyễn Phú Biết- Kot Bunmy

Hạnh phúc của anh là được thấy Bunmy ngày càng tiến bộ. Anh lặng lẽ vừa làm việc vừa trông coi con cái để vợ yên tâm công tác, đôi khi cố vấn cho chị những việc chính sự. 3 đứa con anh đều ngoan và giỏi giang. Từ chủ tịch xã, chị làm phó chủ tịch thị xã rồi Hội đồng nhân dân tỉnh Stung-treng, đảng viên đảng CPP, nhân vật xếp vị trí thứ 4 trong số 12 thành viên của Hội đồng và là phụ nữ duy nhất nắm quyền lực ở đây.

"Không có anh Biết, không có Bunmy hôm nay". Chị thường nói vậy và tích cực giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các đoàn kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam qua đầu tư tại tỉnh Stung-treng. Có sự trợ sức của vợ chồng chị, các doanh nghiệp đã tìm được chỗ dựa tin cậy, nhất là các dự án thủy điện, trồng cao su. Màu xanh từ Việt Nam dần bén rễ và hồi sinh trên mảnh đất hoang hóa hàng chục năm nay...

3 người lính tình nguyện Quân khu 5 dẫu đã trở về với cuộc sống thường ngày hay đang tại chức; dẫu ở trong nước hay bên nước bạn vẫn luôn yêu thương mảnh đất Chùa Tháp từ những điều bình dị như thế...

Hồng Vân