Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng CSND (20-7-1962 – 20-7-2022)

Theo dấu chiến công từ những bức ảnh tư liệu (Bài 1: Chuyên án 115C - Dấu ấn đầu thế kỷ XXI)

Thứ ba, 19/07/2022 16:49
Tại Nhà truyền thống của Công an TP Đà Nẵng còn lưu giữ nhiều bức ảnh chân thực về lịch sử, hiện vật và tư liệu quý giá của Công an TP Đà Nẵng, trong đó có lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng. Nơi đây trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống, nơi tìm về của bao thế hệ Công an TP Đà Nẵng những năm qua để bồi đắp niềm tự hào và lòng yêu nghề. Lần theo từng bức ảnh tư liệu, phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã lật mở lại những trang sử về những chiến công oanh liệt một thời của lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an TP Đà Nẵng.
Bức ảnh tư liệu về Chuyên án 115 C được trưng bày tại Nhà truyền thống Công an TP Đà Nẵng.
Bức ảnh tư liệu về Chuyên án 115 C được trưng bày tại Nhà truyền thống Công an TP Đà Nẵng.

Cách đây gần 20 năm (2003), vụ cướp xảy ra tại Ban giải Giải tỏa đền bù (lúc đó có địa chỉ tại 37- Hoàng Văn Thụ. Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) lấy mất 1,6 tỷ đồng đã làm xôn xao dư luận. Trong năm 2005 và 2006, liên tiếp 2 vụ án trộm và cướp tài sản với thiệt hại lớn đã dấy lên những hoài nghi và tâm lý bất an trong quần chúng nhân dân bấy giờ.

Ngoài vụ án kể trên, vụ cướp tại Chi nhánh Ngân hàng Việt Á (năm 2005, lúc đó có địa chỉ tại 33 Hùng Vương, Q. Hải Châu), mất 3,5 tỷ đồng, 60.000 USD và vụ cướp tiệm vàng Thanh Nhàn (năm 2006, lúc đó có địa chỉ tại 114 Lý Thái Tổ) với một số lượng lớn vàng, tiền. Tổng tài sản trong 3 vụ cướp là hơn 10 tỷ đồng, con số "khủng" thời điểm lúc đó. Các vụ cướp cùng có chung một đặc điểm: Vào ban đêm, bọn cướp đột nhập vào nhà khống chế bảo vệ hoặc người giúp việc và lấy đi tiền, vàng. Thủ phạm rất tỉnh táo, xóa mọi dấu vết và bẻ hỏng camera tại các cơ sở. Vụ mất tiền này gây xôn xao dư luận, bị chất vấn tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân, thậm chí có cả dư luận cho rằng đã có "tay trong" giúp sức (!), ảnh hưởng đến tâm lý không ít doanh nghiệp tại Đà Nẵng.

Chuyên án 115 C được Công an TP Đà Nẵng xác lập để đấu tranh dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Ngọc Nam (thời điểm đó là Giám đốc Công an TP Đà Nẵng. Sau này là Trung tướng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Chính trị Công an nhân dân). Tiếp nhận thông tin các vụ cướp tài sản táo tợn, đồng loạt nhiều đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Đà Nẵng vào cuộc điều tra như Cảnh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự… Vụ án làm "đau đầu" những trinh sát giỏi nhất của Công an TP Đà Nẵng thời bấy giờ và phải kéo dài nhiều năm. Đến khi đối tượng chủ mưu là Nguyễn Văn Hùng (biệt danh Hùng Cự, sinh năm 1957, trú Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tra tay vào còng thì Ban chuyên án mới thở phào.

Nhớ lại chuyên án này, Thượng tá Lê Minh Sùng - Nguyên Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an TP Đà Nẵng kể, hiện trường tại các vụ trộm này đều cho thấy đối tượng rất chuyên nghiệp, có sự chuẩn bị và dùng thủ đoạn táo tợn, tinh vi. Tại Ban Giải tỏa đền bù, người bảo vệ đã bị đánh thuốc mê sau khi đối tượng làm quen và mời nước uống. Kẻ trộm còn mang theo bình gió đá để cắt két sắt. Sau khi lấy được tiền, nhóm đối tượng đã có nhiều hành động cố ý xóa dấu vết tại hiện trường. Ở vụ này, cán bộ KTHS chỉ thu được một dấu vết đường vân lòng bàn tay trái ở trong cánh tủ két sắt. Trong khi công tác truy tìm đối tượng còn đang tiếp tục thì tại Chi nhánh Ngân hàng Việt Á lại xảy ra vụ cướp. Bảo vệ bị đối tượng khống chế rồi nhét giẻ vào miệng nên không kêu cứu được. Cán bộ KTHS thu được 3 đầu lọc thuốc lá nghi là của đối tượng. Chúng đã được giữ lại để giám định ADN.

Trước 2 vụ án nghiêm trọng gây chấn động dư luận này, các lực lượng Cảnh sát đã được huy động để truy tìm hung thủ. 880 chỉ bản của các đối tượng nghi vấn đã được cán bộ KTHS giám định, nhưng vẫn không xác định được thủ phạm gây án. Tại tiệm vàng Thanh Nhàn lại xảy ra vụ trộm mất 20kg vàng. Khi đối tượng lấy vàng ra cửa bị người giúp việc phát hiện, y đã bịt miệng, đe dọa rồi nhốt người giúp việc vào phòng tắm trước khi tẩu thoát. Lực lượng KTHS cũng chỉ thu được 3 dấu vết vân tay cùng một số vật chứng khác. Từ các chứng cứ thu thập được, lực lượng KTHS nhận định cả 3 vụ án trên đều do một nhóm đối tượng gây ra. Qua sàng lọc 1.000 đối tượng nghi vấn, cuối cùng 5 chỉ bản của đối tượng nghi vấn cao nhất được giám định.

Ngày 11-4-2006, tại tổ 26, phường Thanh Khê Đông (Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng), lực lượng Công an đã bắt quả tang một vụ đánh bạc quy mô lớn, thu 60 triệu đồng và tạm giữ 11 con bạc, trong đó có Nguyễn Văn Hùng (1957). Đây là một trong số những đối tượng có dấu vân tay nghi ngờ trong vụ cướp tiệm vàng Thanh Nhàn. Qua kiên trì đấu tranh, đến 27-5-2006, Hùng Cự đã phải cúi đầu khai nhận y là thủ phạm chính trong cả 3 vụ cướp chấn động kể trên. Các dấu vết thu vân tay, AND trên mẫu thuốc lá được tại hiện trường các vụ trộm, cướp đều xác định là của Hùng Cự. Mở rộng điều tra, lực lượng Công an cũng làm rõ 3 đồng phạm khác.

Như vậy, sau một thời gian dài đấu trí cam go, có lúc tưởng bế tắc, cuối cùng đối tượng gây ra 3 vụ trộm, cướp chấn động Đà Nẵng cũng bị lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an TP Đà Nẵng lôi ra ánh sáng, giải toả dư luận đang trĩu nặng trong tâm lý người dân cũng như các doanh nghiệp tại Đà Nẵng.

Về phần Nguyễn Văn Hùng, y bị TAND TP Đà Nẵng tuyên án tử hình tại phiên xét xử tháng 4-2007. Ngày 21-7-2007, Nguyễn Văn Hùng có đơn gửi Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam xin giảm án. Ngày 13-6-2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam có Quyết định số 753 QĐ-CTN bác đơn xin giảm án của Nguyễn Văn Hùng.

Sau này, khi đánh giá về những chiến công của lực lượng Cảnh sát hình sự trong sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân, Đại tá Trần Mưu - Nguyên phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng từng cho biết, dấu ấn để lại cho lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an TP Đà Nẵng đầu thế kỷ XXI chính là phá chuyên án 115C.

MAI VINH