Theo dấu thú hoang

Thứ ba, 16/10/2012 00:00

* Kỳ 1:  Đột nhập đường dây tiêu thụ thú rừng

(Cadn.com.vn) - Hiện nay tại vùng miền núi Nghệ An, các loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm đang bị con người ráo riết săn bắn để làm mồi nhậu, nấu cao và làm cảnh. Phóng viên đã  có dịp thâm nhập các đường dây chuyên cung cấp thú rừng thuộc loại quý hiếm, mới thấy được hệ thống, thủ đoạn mà lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết.

TỪ THỢ SĂN ĐẾN VỰA THÚ RỪNG

Vườn quốc gia Pù Mát nằm trên địa giới hành chính của 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, và Tương Dương (Nghệ An) được biết đến là nơi còn nhiều ĐVHD (hơn 1.000 loài). Cũng vì thú rừng phong phú như vậy, nên quanh khu vực tồn tại nhiều nhóm thợ săn.  Lãng, cầm đầu nhóm thợ săn ở xã Môn Sơn (Anh Sơn) cho biết: “Trước đây, bọn tui chỉ bẫy thú rừng về mần thịt ăn thôi, nhưng mấy năm trở lại nay, có nhiều người về tận bản thu mua, đặt hàng với giá rất cao. Lợn rừng 200 ngàn đồng/kg, báo gấm 500 ngàn đồng/kg, vượn bạc má 300 ngàn đồng/kg... Vậy nên mỗi ngày có hàng chục tốp thợ săn, thậm chí có cả người ở dưới xuôi lên trang bị các loại bẫy, cả súng để săn bắn thú”. Theo Lãng, mỗi ngày có hàng trăm cá thể ĐVHD bị bẫy, bị bắn chết để bán cho các “chân rết” mang về xuôi.

Qua Lãng, chúng tôi tiếp cận Hùng, một  “chân rết” đang “nằm vùng” ở Con Cuông để gom hàng. Hùng kể: “Tui mấy năm trước làm nghề thu mua chó nhập cho các quán cầy nhưng thấy buôn bán thú rừng bở ăn rứa là tui mần. Nghề ni chẳng khó khăn chi, một vốn bốn lời. Con chết thì ướp đá lạnh, con sống bỏ cũi chở đi. Mỗi chuyến hàng, trừ chi phí tui cũng kiếm được gần chục triệu...”. Hùng mở chiếc tủ lạnh đặt trong xó nhà cho chúng tôi xem  thấy bên trong có chứa 3 con khỉ bị đạn bắn toét óc, nằm co quắp như xác người, máu đỏ lòm loang lổ trông thật kinh sợ. Chỉ chiếc cũi sắt có nhốt  5 con khỉ và 2 con cheo Hùng bảo: “Hàng mới mua sáng nay đó, ngày hôm qua tui cũng gom được hơn 5 tạ phải thuê xe bán tải chở đi”.

- Làm nghề này anh không sợ bị bắt à? -  Chúng tôi hỏi.

- Ôi dào! Nghề ni không bị bắt có mà lạ. Trước đây tui bị bắt như cơm bữa nhưng “sống lâu lên lão làng”. Bọn tui có đủ kinh nghiệm và thủ thuật để che mắt cơ quan chức năng”, Hùng ra vẻ tự hào.

Theo chỉ dẫn của Hùng, chúng tôi thâm nhập nhà hàng H.H  ở TT Quỳ Hợp. Bà chủ quán béo mũm mĩm hồ hởi: “Các chú dùng món gì? sơn dương, cheo, mang khỉ, hay lợn rừng? Nghe chúng tôi bảo muốn mua con báo gấm làm quà biếu sếp, bà chủ thoáng  chút nghi ngờ  nhưng thấy chúng tôi đi với một “đầu gấu” người bản địa nên bà cười đon đả: “Báo gấm là loại quý hiếm, hiện quán chị không có, chú cho số và điện thoại, ngày mai chú sẽ có hàng”.  Tôi nói với bà chủ rằng nếu chưa có báo gấm thì cần mua khoảng 10kg thịt thú rừng các loại để đưa về TP Vinh tiếp khách trong đêm nhưng sợ kiểm lâm phát hiện. Bà chủ lắc đầu: “Chú cứ yên tâm đi, ở đây giờ đang còn nhiều nhất là chồn, nhím, lợn rừng, rùa... Khoảng 5 giờ chiều chú quay lại tôi sẽ cho vào hộp xốp chứa đá lạnh, thịt đưa về Vinh tha hồ tươi”. 

 2 con khỉ này bị thợ săn bẫy được ở khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An; và những con voọc bị bắn chết được ướp lạnh.

Nhân viên bán hàng đưa chúng tôi ra nơi “hành hình” thú rừng, thấy thi thể 5-6 con chồn cheo, mang đang bị mấy nhân viên mổ bụng. Các loại thú sau khi làm thịt đều được tấp vào các tủ đông lạnh để phục vụ ăn khách ăn nhậu tại chỗ và đến mua đem về tự nấu. 

Được biết, nhà hàng này là vựa thú rừng lớn nhất  Quỳ Hợp. Và đây không phải là vựa thú rừng duy nhất. Tại các huyện miền núi Nghệ An có hàng chục vựa thú rừng lớn  nhỏ khác. 

VÀ NHỮNG ÔNG TRÙM XUYÊN LỤC ĐỊA

Hà “hàng con” ở Đô Lương được biết đến như một đại gia bởi anh ta sở hữu xe hơi hạng sang, tiền tiêu không tiếc tay. Thực chất, để trở nên đại gia như vậy, Hà đã nhờ vào cái nghề buôn hàng “con” của mình. Hà kể: “Tui trước đây đi gom  các loài, rùa, rắn, kỳ đà, tắc kè đem đi nhập cho các đại lý ở Vinh. Dần dần quen mối tôi chơi cả các loài thú rừng quý hiếm”.  

Hiện nay Hà không còn chạy đi các vùng miền núi để gom hàng nữa mà anh ta có hệ thống chân rết khắp mọi vùng núi ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Những chân rết này  thu mua hàng ở các bản làng, sau đó nhập cho Hà.  Tại nhà Hà, anh ta sẽ phân ra những lô hàng để đem nhập. Theo Hà thì khỉ sống và khỉ chết, trăn được anh ta nhập cho các đại lý nguyên liệu nấu cao. Các loại chồn, cheo, sơn dương, mang, cáo... bán cho các nhà hàng đặc sản ở các thành phố lớn. Các loại ĐVHD quý hiếm như báo gấm, chồn bạc má, khỉ mặt đỏ, rắn hổ chúa được mang lên Lạng Sơn nhập cho đại lý lớn để họ đưa sang Trung Quốc...

Vẫn biết hành vi của lâm tặc ngày càng tinh vi trong việc tàn sát ĐVHD, nhưng do lực lượng bảo vệ còn mỏng nên rất khó cho việc phát hiện và bắt giữ. Mỗi khi chúng đặt bẫy xong thì đều tản đi nơi khác, lực lượng chúng tôi khi phát hiện đặt bẫy cũng chỉ biết thu giữ và phá hủy
Anh Nguyễn Công Thành - cán bộ bảo vệ Vườn QG Pù Mát

Tôi có nhã ý muốn đi thăm nơi Hùng tập kết hàng nhưng anh ta lắc đầu đầy cảnh giác:  “Hàng tôi không tập kết ở nhà mà ở trang trại. Tôi có trang trại hơn 3ha ở trong rừng. Nhưng nay đã hết hàng”.  Hà cho biết thêm, hiện nay những người làm nghề như anh ta rất nhiều, mỗi huyện cũng có 7-8 người, còn hệ thống chân rết  thì được họ cài cắm khắp mọi nơi. Hỏi Hà có “chơi” hổ và tê giác, ngà voi không? Hà cười: “Hổ và tê giác ở các cánh rừng việt Nam hầu như đã cạn kiệt. Nhưng nếu chú cần anh a-lô một phát là có ngay. Hà tiết lộ: “Hổ, tê giác, ngà voi, đuôi voi chủ yếu là ở Lào, Châu Phi thẩm lậu về Việt Nam. Tại Nghệ An, Hà Nội và Hà Tĩnh có các ông trùm chuyên về mặt hàng này. Họ là những maphia thú rừng quý hiếm xuyên lục địa. Những mặt hàng cao cấp này đều được bán cho các đại gia, các VIP để họ nấu cao, bồi dưỡng sức khỏe và làm cảnh để khẳng định đẳng cấp quý tộc”.

Hà ngậm điếu xì gà rít một hơi nhả khói mờ mịt: “Nghề này bị bắt suốt, nhưng nó cũng là một mặt hàng siêu lợi nhuận như ma túy nên nhiều người vẫn ham dẫu có bị tù”, Hà nói.

Phóng sự: Lê Hà
(còn nữa)