Thị trường Tết Giáp Ngọ 2014: Chờ sau 20 tháng Chạp?

Thứ sáu, 17/01/2014 14:25

(Cadn.com.vn) - Đến thời điểm này (17-1), các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 gần như đã “tập kết” đầy đủ tại các chợ và siêu thị trên địa bàn TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ vẫn chưa có chuyển biến đáng kể khi sức mua còn rất yếu. Các tiểu thương, siêu thị đang hồi hộp chờ sự “đột phá” sau ngày 20-12, khi các cơ quan, DN... chi tiền thưởng Tết.

SỨC MUA ÈO UỘT

Theo ghi nhận của chúng tôi, các mặt hàng phục vụ cho dịp Tết Giáp Ngọ 2014 đã được các cơ sở kinh doanh nhập về dồi dào, sẵn sàng cung ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết. Tại các chợ lớn của Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Hàn... lượng cung hàng đã rất dồi dào. Bên cạnh đó, các siêu thị lớn trên địa bàn như Big C, Co.op Mart, Metro cũng chất đầy kệ những mặt hàng cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, các siêu thị cũng tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, những ngày qua, sức mua vẫn rất yếu, lượng hàng hóa tiêu thụ tăng không đáng kể. Có thể nói, lượng cung đã đầy đủ, nhưng cầu thì vẫn còn... ỉu xìu.

Điểm đầu tiên chúng tôi khảo sát là Chợ Cồn - địa điểm chuyên cả về bán sỉ và lẻ của TP Đà Nẵng. Hàng hóa phục vụ cho thị trường Tết đã được các tiểu thương nhập về cách đây cả tháng nhưng lượng tiêu thụ vẫn rất yếu. Giá nhiều mặt hàng thực phẩm như gạo, thịt heo cũng đã tăng 5-10%; những đồ gia vị như đường hay ngũ cốc tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 11 âm lịch. Bên cạnh đó, giá các loại bánh mứt, hạt khô - dòng hàng thường tiêu thụ mạnh cũng chỉ tăng 10-30 ngàn đồng/kg so với cùng thời điểm này năm 2013. Vậy nhưng, hầu như tiểu thương kinh doanh mặt hàng này vẫn rơi vào cảnh “chị ơi mua hàng giúp em!”. Theo chị Tâm, tiểu thương kinh doanh mặt hàng này cho biết, năm nay sức mua cực kỳ yếu, hàng nhập về gần như “chết đứng” vì không tiêu thụ được.

Tiếp đến, tại các chợ nhỏ như Bắc Mỹ An, An Cư..., hầu như hàng hóa đã “lên nòng”, nhưng các tiểu thương vẫn trong cảnh ngồi “tám” chuyện nhiều hơn là phục vụ khách hàng. Theo bà Tâm, kinh doanh hàng nhu yếu phẩm ở chợ Bắc Mỹ An, tiểu thương cực kỳ khó lựa chọn. Nếu không nhập hàng thì lo khách hỏi, còn nhập thì sợ khách không mua, đọng lại là chết. Vậy nên bà chọn cách an toàn là nhập với số lượng vừa phải (dựa trên khách quen) để điều hòa.

Hàng khô là mặt hàng bán chạy nhất trong những ngày qua.

CHỜ SAU 20 ÂM LỊCH

Hầu hết các tiểu thương cũng như siêu thị đều thừa nhận, năm nay sức mua rất yếu và chỉ còn chờ sau 20-12 âm lịch sẽ có cải thiện. Theo các siêu thị dự tính thì mặc dù đã công bố mức thưởng Tết nhưng đến thời điểm này rất ít Cty, DN chi tiền nên công nhân chưa thể sắm Tết. Vì vậy, hy vọng sau 20 âm lịch, khi các Cty, DN chi tiền thì mức mua sắm mới tăng.

Điều dễ nhận thấy là sau khi tăng giá vào dịp Tết Dương lịch thì mức giá của nhiều dòng thực phẩm được giữ ổn định trong hơn vài tuần nay. Vậy nhưng, mức “neo” giá này có thể bị phá vỡ vì thực sự người tiêu dùng vẫn chưa mấy mặn mà với các mặt hàng Tết. Theo chị Võ Thị Hồng, tiểu thương kinh doanh mặt hàng hải sản khô thì đây là “dòng sản phẩm” chạy nhất. Theo chị lý giải thì mặt hàng này chủ yếu phục vụ nhu cầu biếu, tặng nên rất được chú ý. Cũng theo chị Hồng, từ sau 20 âm lịch, chắc chắn các loại hàng hóa nói chung và mặt hàng này nói riêng sẽ tăng mạnh vì đó là thời điểm hầu như các Cty, DN đều trả tiền lương, thưởng.

Hy vọng là vậy, nhưng theo chúng tôi nắm thì hầu hết các gia đình đều tính toán dè dặt trong chi tiêu cho Tết Nguyên đán. Theo chị Phạm Thị Hoa, công nhân của một doanh nghiệp Nhật Bản tại KCN An Đồn thì năm nay mức thưởng Tết chỉ bằng phân nửa năm 2013 nên khó khăn lắm. Chị dự tính sẽ chỉ lo cho bữa Tất niên và vài thứ cần thiết cho Tết nên cũng chẳng mua sắm gì nhiều. Còn chị Tịnh, làm việc tại Khu danh thắng Non Nước cũng bảo, năm này “hẻo” về tiền thưởng, gia đình chỉ lo vài thứ thiết yếu chứ không mua sắm gì nhiều.

Mặc dù vậy, theo khảo sát của chúng tôi thì gần như “đến hẹn lại lên”, các mặt hàng thiết yếu tại các chợ đã có phần nhích giá so với ngày thường. Giải thích cho sự “nhảy” của giá cả, hầu như các tiểu thương đều có chung câu giải thích là “Tết, giá lên mà!”.

Chưa năm nào như năm nay, từ tiểu thương, siêu thị đến người dùng đều phân vân trước những điều tưởng như “đến hẹn lại lên” là mua sắm cho Tết!

Nhật Minh