Thiên di - những chuyến bay trong tâm tưởng
![]() |
(Cadn.com.vn) - Thiên di (NXB Hội Nhà văn) là tên gọi tập thơ thứ 2 của nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, nối tiếp tập thơ Chân trời (2002) theo logic hình thức lẫn hàm nghĩa ngôn từ... Nhà thơ có đôi dòng tự sự: "Trên đường thiên lý, loài chim di trú trải qua nhiều cảnh tượng huy hoàng và rủi ro, bất trắc. Chúng bị rình rập bởi giông bão, cái đói, bệnh tật, già yếu, phường săn và sự tự hủy hoại của bầy đàn… Đối với loài thiên di, quê hương là khái niệm có ý nghĩa, nhưng đất sống, sự sống cao hơn là "sự tồn tại" lại mang một ý nghĩa khác.
Thân phận người - nhất là nghệ sĩ - phải chăng là một cánh thiên di? Trong không gian bay diệu vợi ấy, số phận cái đẹp mong manh và vĩnh hằng ước muốn chất chứa qua chữ và cấu trúc". Xuyên suốt tập thơ mỏng, hầu như tác giả chỉ tập trung vào một chủ đề duy nhất: hành trình về một chuyến đi-chuyến đi của thân phận đời người, đời thơ... Nhân vật mang tính biểu tượng trong tác phẩm là những cánh chim: Thương thay đôi cánh không mỏi/ thiên di lao về phía bầy đàn/ trăm năm nhọc lòng sỏi đá/ ngàn năm trở giấc hạc vàng".
Không hề có bài thơ riêng mang tên Thiên di, nhưng trong toàn tập thơ, người đọc không thể không sững sờ trước những hành trình của các cánh chim: "băng qua thu vàng và tầng mây trắng/ hãy bay sát vào nhau chống đỡ trận gió/phương Nam phương Nam vẫy gọi/ phía mù mịt cơn mưa giận dỗi thuở giao mùa" (Bay). Những cánh chim ấy đôi khi "bay ngược về phương Bắc", đôi khi "bay ngược chiều lũ sếu", lại có khi " có một cánh chim bay lạc/ bỗng dưng hót giữa núi đồi"..., nhưng cuối cùng cũng không tránh được bi kịch chốn trần gian: "Những lưới đạn vô tâm giăng mắc/ những vì sao nhấp nháy quá xa vời/ khi nhắm mắt bóng tối luôn gần nhất/ từng cánh nhạn lìa cùng lá thu rơi" (Đêm nhạn lẽ).
Thơ của Nguyễn Minh Hùng chắt lọc, trau chuốt, lấp lánh từng câu chữ, không dành cho người đọc dễ dãi, mà hướng đến kẻ tri âm, buộc phải đọc chậm, suy ngẫm, liên tưởng, mới thấu hiểu, sẻ chia: "khi đã chọn tiếng kêu tinh huyết/ rơi xuống đâu cũng âm vang sự sống của màu/ Chỉ thương một góc trời riêng cô lẻ/ nhận riêng mình trận thu phong...". Vốn là nhà giáo dục cần mần, mẫu mực, trong thơ Nguyễn Minh Hùng thể hiện tâm trạng đầy khát vọng tự do của một người nghệ sĩ đa đoan.
Đó là: "Xin những lỗi thề cùng về hối tiếc dưới trăng/ chiếc thuyền mở trộm trên dòng sông đêm ấy/ ánh trăng cùng chúng mình/trôi..." (Ánh trăng). Đó là: "Rồi bay đi lỡ bay mãi/ trời cao lỡ đã vô biên/ lỡ khi nào quay trở lại/ ngày xưa đã lỡ hư huyền"... Khép lại tập thơ mỏng Thiên di, nhưng những cánh chim di trú ấy vẫn không ngớt cùng ta bay mãi trong tâm tưởng... Chỉ cần như vậy, chắc tác giả hạnh phúc biết bao!
Trần Trung Sáng