Thiêng liêng Côn Đảo
(Cadn.com.vn) - Tháng Tư, hòa vào dòng người từ khắp mọi miền đất nước, chúng tôi về Côn Đảo, nơi hàng vạn đồng bào yêu nước, chiến sĩ cách mạng đã chịu cảnh tù đày gian khổ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, nơi cách đây hơn 40 năm được ví là chốn "địa ngục trần gian"...
Côn Đảo-xa mà gần
Mỗi ngày có hai chuyến tàu thủy khởi hành từ Bà Rịa-Vũng Tàu ra Côn Đảo và ngược lại với hành trình 12 giờ trên biển. Những ngày thời tiết tốt và không có gió chướng có từ 6 - 10 chuyến bay từ TPHCM đi và đến Côn Đào với thời gian bay khoảng 45 phút, bằng loại máy bay nhỏ ATR72 của Hãng Hàng không Vasco. Lần này chúng tôi ra Côn Đảo bằng máy bay bay ở tầm thấp. Từ trên cao thấy rõ những con tàu của ngư dân ta trên biển Đông. Khoảng 30 phút bay, từ xa đã nhìn thấy những cụm núi giữa biển khơi và một đường băng nối từ chân núi sát biển vào trung tâm núi lớn là sân bay Côn Đảo. Máy bay hạ cánh và rời sân bay Côn Đảo theo con đường vòng cung sát chân núi, hai bên có nhiều hoa anh đào trắng, qua những cung đèo quanh co, bên này là những vạt rừng nguyên sinh xanh ngắt một màu, bên kia là những sườn dốc nối dài theo bờ cát trắng bao bọc ven biển là bóng dáng thị trấn Côn Đảo. Thị trấn Côn Đảo (Đảo Lớn) trong cụm 16 hòn đảo ở đây, có điện tích 51 km2, là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chính quyền một cấp không có phường, xã, người dân xử lý công việc trực tiếp với chính quyền huyện, dân số khoảng 7.000 người, trong đó phần lớn là CBCC nhà nước, người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh, dịch vụ, 85%, các nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của quân và dân nơi đây từ đất liền chuyển ra.
Trước Nghĩa trang Hàng Dương
Không biết tự bao giờ, du khách khi về thăm Côn Đảo có lệ viếng nghĩa trang Hàng Dương vào lúc 12 giờ khuya. Đến nghĩa trang Hàng Dương với biết bao xúc động. Dòng người lặng lẽ đốt nhang trên hàng nghìn ngôi mộ nằm san sát bên nhau. Phía khu B Nghĩa trang có mộ chị Võ Thị Sáu. Đêm khuya, quanh mộ Chị, những cựu tù Côn Đảo, những du khách từ các miền đất của quê hương lần lượt vào viếng Chị. Bản nhạc "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" dìu dặt vang lên trong đêm vắng như quyện vào hồn thiêng sông núi. Những ánh lửa tỏa ra, những que nhang cháy mờ tỏ bên những nấm mộ... cảm xúc linh thiêng tràn ngập trong lòng mỗi người.
Đến nơi đây, chúng ta mới thấy hết sự khốc liệt của chế độ nhà tù thực dân, đế quốc, thấu hiểu sự hy sinh của những chiến sĩ cách mạng cho quê hương đất nước.
Những người con Quảng Nam- Đà Nẵng kiên trung
Tôi thường gặp những người đã từng chiến đấu, công tác ở chiến trường Khu V đều có những tình cảm sâu nặng với vùng đất này. Có một điều là mỗi khi nhắc đến Quảng Nam, Đà Nẵng, dù ở đâu họ cũng thấy gần gũi và thân thương với đất và người nơi này. Chúng tôi về Côn Đảo, qua những nhà tù, bảo tàng và những chứng tích còn lại ở nơi này. Tất cả như lặng trong cảm xúc đau thương khi đọc danh sách hàng trăm, hàng ngàn người con của Quảng Nam, Đà Nẵng, trải qua các giai đoạn lịch sử cách mạng đã chịu bao đau thương ngục tù, bao cực hình tra tấn man rợ của bọn thực dân và Mỹ-ngụy. Không biết bao nhiêu người con kiên trung của xứ Quảng đã hóa thân vào đất khi còn hàng nghìn nấm mộ vô danh, không biết bao người nằm lại trên mảnh đất Côn Đảo. Không ít người đã trở về với quê hương trong thương tật vẫn còn hằn sâu trên cơ thể.
Trong lịch sử 113 năm, từ khi thực dân pháp thành lập nhà tù Côn Đảo vào năm 1862, những tù nhân đầu tiên là những sĩ phu yêu nước phong trào cần Vương, Đông kinh Nghĩa thục, kháng thuế ở Trung kỳ. Trong đó phần lớn là người Quảng Nam như: Phan Châu Trinh, Nguyễn Thành, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng... Từ 1955-1975 có hàng trăm tù nhân là những người con của quê hương Quảng Nam- Đà Nẵng. Và còn có không biết bao nhiêu người con của quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng phải chịu những tháng ngày tù đày, cực hình khổ sai trong những khu nhà tù Côn Đảo như Chuồng cọp, Chuồng gà, Chuồng bò, Xà lim... nhưng những con người ngày ấy luôn mang trong mình tinh thần đấu tranh vì độc lập tự do và giải phóng dân tộc...
Côn Đảo-nơi yên nghỉ của hàng vạn đồng bào yêu nước và chiến sĩ cách mạng, giờ đây từng ngày thay đổi trong chiều hướng phát triển, đang thu hút khá nhiều nhà đầu tư trên nhiều lĩnh vực, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, tham quan... Chúng tôi chưa có dịp thống kê nhưng rất đông người dân xứ Quảng là những cựu tù Côn Đảo, những cư dân mới đến từ sau 1975, đang sinh sống làm ăn góp phần vào sự phát triển chung của Côn Đảo hôm nay. Không lâu nữa Côn Đảo có triển vọng sẽ là di sản hỗn hợp của thế giới đầu tiên ở Việt Nam (gồm Văn hóa-Lịch sử -Thiên nhiên) như trong dự án phát triển Côn Đảo trong tương lai.
Mai Phúc