Thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá: Chạy đua trước giờ G
Vợ ngư dân cầm chiếc điện thoại cảm ứng và ồ lên ngạc nhiên vì thấy được vị trí, tốc độ, vệt hành trình của tàu cá và có thể "a lô" bất cứ lúc nào với chồng. Đó là những tiện lợi mang lại từ thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Việc lắp đặt thiết bị này đang rất nóng, vì sau ngày 31-3-2020 thì tàu cá không được rời bến nếu thiếu thiết bị này.
Một ngư dân đang thử chiếc máy Thuraya SF 2500. |
* Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định rõ, tàu cá có chiều dài từ 15 đến dưới 24m, nếu không có hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trong quá trình khai thác hải sản ở các vùng biển xa, chủ tàu sẽ bị phạt 300 - 500 triệu đồng. Nếu tái phạm, chủ tàu cá loại này sẽ bị phạt 500 - 700 triệu đồng. Đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, không có hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trong quá trình đánh bắt hải sản trên các vùng biển xa, chủ tàu sẽ bị phạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng. |
Tại xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), vợ nhiều ngư dân cầm điện thoại và chỉ vào hành trình của tàu, một điều mà trước đó không ai tưởng tượng ra được. Màn hình điện thoại hiển thị thông số tàu QNg 91240 TS của ngư dân Võ Dũng, cùng với tọa độ chính xác đến mức chi tiết là 14 độ 25 phút 54 giây N - 109 độ 10 phút 53 giây E. Vợ các ngư dân chỉ vào chấm xanh đang hiển thị vệt di chuyển và cho biết: "Lắp thiết bị giám sát hành trình mới biết là quá tiện lợi, tàu chồng em đi đâu thì cũng thấy rõ, tàu đi tốc độ bao nhiêu, bao lâu nữa thì tới bờ bán cá, nếu lỡ chết máy ngừng di chuyển cũng nắm được và đi hỏi tàu nào gần đó thì tới hỗ trợ, nếu tàu nào trốn tránh không giúp thì mình cũng nắm được rõ".
Thông tin từ các Chi cục Thủy sản, TP Đà Nẵng có 526 tàu thuộc diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình, tỉnh Quảng Nam có 718 tàu, tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi có số lượng tương đương, Bình Định là 3.300 tàu, Quảng Ngãi là 3.351 tàu. Tỉnh Bình Định thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn vốn và được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động được 10,7 tỷ đồng (các nhà tài trợ hứa sẽ hỗ trợ 15 tỷ đồng). Ở tỉnh Quảng Ngãi, do số lượng lắp đặt thiết bị nhiều, ngư dân phải tự túc nên bà con đang chạy đua với thời gian để lắp đặt thiết bị này đúng thời gian quy định.
Đi dọc các cảng biển từ Quảng Ngãi ra Quảng Nam, tới khu neo đậu tàu đều nghe tiếng tít tít nối nhau vang lên khi ngư dân thử bấm nút, nhấn số để gọi trực tiếp từ thiết bị giám sát hành trình qua điện thoại di động. Theo ngư dân, từ nay khi đi biển, anh em đi bạn có thể gọi điện thẳng về nhà để thăm hỏi vợ con, nhắn chừng khi nào thì về bến. Tuy nhiên, do cước phí cao nên sẽ ghi vào sổ nhật ký riêng để trừ tiền từng người để thanh toán phí cuộc gọi lên đến 10.800 đồng/phút gọi và 9.000 đồng/phút nghe.
Không phải ngư dân nào cũng hào hứng với chiếc máy giám sát tọa độ của tàu cá. Một số ngư dân tỏ ý ái ngại về công năng của chiếc máy khiến "tàu của tui rõ quá, đi đâu cũng biết được hết, lỡ lộ luồng cá...". Ý kiến của số nhỏ ngư dân này bắt nguồn từ việc khi tàu ra tới vùng biển Hoàng Sa, nhưng có khi lại đi xa hơn, sang tận khu vực vùng biển giáp ranh Philippines và theo luồng cá đi lấn qua vùng biển nước bạn.
Ngư dân ngẫu hứng khi nhìn thấy 1 tàu cá hiển thị tọa độ neo ở quần đảo Hoàng Sa. |
Tại tàu cá của ngư dân Võ Thành Xây ở xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), các nhân viên kỹ thuật của VNPT Quảng Ngãi lắp đặt thiết bị có tên là Thuraya SF 2500. Bình quân thời gian lắp đặt, đấu nối với trung tâm điều khiển tại Hà Nội, sau đó kết nối vệ tinh diễn ra trong khoảng 45 phút. Các nhân viên kỹ thuật cho biết, mọi thứ trở nên gấp gáp, anh em phải làm việc hết công suất để có thể lắp đặt cho nhiều tàu cá theo tiến độ đã đề ra. Ban đầu ngư dân cũng hơi ái ngại, nhưng sau khi thấy tàu hiện ra trên điện thoại thì nhiều người rất thích.
Có 4 cơ quan cung cấp và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá với 4 loại máy có giá thành khác nhau. Thiết bị Thuraya SF 2500 của VNPT là hàng cao cấp nhất, được nhập về từ Hàn Quốc. Bề ngoài thiết bị này giống như chiếc điện thoại bàn truyền thống và được đấu nối với onten để bắt sóng vệ tinh GPS, sóng kết nối, hiển thị trực tuyến, ít bị chập chờn và ngư dân không lo việc thức đêm để nhấn nút gởi về các Chi cục Thủy sản để báo cáo tọa độ mỗi ngày 4 lần.
Việc lắp thiết bị giám sát hành trình cho toàn bộ đoàn tàu hàng ngàn chiếc ở 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định liệu có kịp tiến độ? Ông Võ Đình Tâm- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết, khó có thể lắp đặt kịp, vì tàu cá vào bờ vài ngày rồi lại đi biển, trong khi năng lực của các công ty lắp đặt thiết bị cũng giới hạn. Tỉnh Quảng Ngãi hiện nay đã lắp cho gần 900 tàu/3.351 tàu. Một số chủ tàu cá chia sẻ, nếu giờ chót không lắp đặt kịp thì chỉ còn cách lén lút vượt trạm kiểm soát biên phòng để ra khơi.
LÊ VĂN CHƯƠNG