Thiệt thòi khi dạy - học ở những điểm trường lẻ

Thứ bảy, 10/09/2016 09:17

(Cadn.com.vn) - Sau 20 năm “lên phố”, đến nay trên địa bàn Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường mầm non (MN) công lập lẻ nằm rải rác trong khu dân cư. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý, chất lượng chăm sóc trẻ mà còn tạo sự mất công bằng trong vấn đề thụ hưởng giáo dục đối với những cháu học tại các điểm trường lẻ. Đây là nỗi trăn trở của ngành GD-ĐT Q. Liên Chiểu nhiều năm qua...

Thiệt thòi và bất cập

Trước năm 1997, Trường MN công lập Măng Non thuộc xã Hòa Hiệp cũ (sau này là P. Hòa Hiệp, Q. Liên Chiểu) có 1 cơ sở chính tại Kiệt 829-Nguyễn Lương Bằng và 8 điểm trường lẻ nằm rải rác trong khu dân cư. Đến tháng 4-2015, P. Hòa Hiệp được chia tách thành 2 đơn vị hành chính, gồm: P. Hòa Hiệp Nam và P. Hòa Hiệp Bắc. Theo đó, có 3 điểm trường lẻ của Trường MN Măng Non nằm ở địa giới hành chính P. Hòa Hiệp Bắc. Do thời điểm mới thành lập, P. Hòa Hiệp Bắc chưa có trường MN công lập nên 3 điểm trường này vẫn thuộc sự quản lý của Trường MN Măng Non. Đến ngày 1-9-2006, khi có quyết định thành lập Trường MN Hướng Dương (kiệt 179-Nguyễn Văn Cừ, P. Hòa Hiệp Bắc) thì 3 điểm trường lẻ này mới được bàn giao cho Trường MN Hướng Dương quản lý theo đúng chức năng.

Từ đó đến nay, Trường MN Măng Non thuộc P. Hòa Hiệp Nam có 6 điểm trường gồm cơ sở chính (có 7 phòng học) và 5 điểm trường lẻ; trong đó, điểm trường ở khu vực Nam Ô 1 (cơ sở II) có 3 phòng học, các điểm trường còn lại chỉ có 1 phòng học. Năm học mới này, toàn trường đón nhận 379 cháu, trong đó tại cơ sở chính là 258 cháu, các điểm trường còn lại từ 6-30 cháu. Còn Trường MN Hướng Dương có 4 điểm trường gồm cơ sở chính (có 8 phòng học) và 3 điểm trường lẻ; trong đó điểm trường tại khu văn hóa Kim Liên có 2 phòng học; điểm trường khu vực Thủy Tú có 3 phòng học, điểm trường còn lại nằm gần chân đèo Hải Vân có 1 phòng học.

Với đặc thù nhiều điểm trường lẻ như vậy nên công tác quản lý tại 2 trường MN công lập này gặp không ít khó khăn, vất vả. Mỗi ngày, hiệu trưởng và các hiệu phó phải luân phiên đi kiểm tra các điểm trường lẻ; thức ăn được nấu tại cơ sở chính rồi được vận chuyển về cho các điểm trường lẻ có tổ chức bán trú... Cũng vì đặc thù nêu trên nên Trường MN Măng Non chỉ có cơ sở chính và cơ sở II tổ chức bán trú tại chỗ; các điểm trường còn lại không tổ chức bán trú. Còn Trường MN Hướng Dương tổ chức bán trú tại cơ sở chính và 2 cơ sở lẻ. “Do các điểm trường này đều cách cơ sở chính từ 1- 2km nên việc vận chuyển thức ăn đến các điểm trường này gặp không ít khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Để đảm bảo vấn đề vệ sinh ATTP trong quá trình vận chuyển, nhà trường phải bao bọc cẩn thận các vật dụng đựng thức ăn...”, Hiệu trưởng Trường MN Hướng Dương Trần Thị Hương cho biết...

Được biết, ngoại trừ điểm chính của Trường MN Măng Non cơ sở vật chất khang trang, các điểm trường lẻ của hai trường MN Măng Non và Hướng Dương đều chật hẹp và xuống cấp. Ngay như cơ sở chính Trường MN Hướng Dương xây dựng năm 2006, nhưng do được đầu tư xây dựng nhiều giai đoạn nên cũng chắp vá, không hoàn thiện, quy củ... Nhưng thiệt thòi hơn cả vẫn là các cháu đang theo học tại các điểm trường lẻ, bởi trang thiết bị, đồ dùng học tập, vui chơi tại đây không được đầu tư như cơ sở chính. Trong khi đó, phần lớn các cháu ở các điểm trường lẻ đều là con gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ có vậy, tại các điểm trường lẻ không tổ chức bán trú nên buổi trưa các cháu phải về nhà ăn, ngủ trưa, chiều lại ra lớp, nhiều cháu còn phải tự đi về nhà do bố mẹ bận mưu sinh, không có thời gian đưa đón...

Nghịch lý về cơ sở vật chất giữa cơ sở chính với cơ sở lẻ của Trường MN Măng Non (P.Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng). Ảnh: P.T

Mong sớm có trường MN công lập mới!

Hiện nay, P. Hòa Hiệp Nam có khoảng 1.300 cháu ở độ tuổi dưới 5 tuổi nhưng trên địa bàn chỉ có 1 trường MN công lập Măng Non, còn lại là 3 trường MN và 17 nhóm lớp tư thục. Còn P. Hòa Hiệp Bắc, thống kê đến cuối năm 2015 đã có hơn 1.100 cháu ở độ tuổi dưới 5 tuổi nhưng trên địa bàn phường chỉ có 1 Trường MN công lập Hướng Dương và 8 nhóm lớp tư thục... Trong khi đó, phần lớn người ở 2 địa phương này đều là lao động nghèo, tỉ lệ người làm nghề lao động phổ thông khá cao. Đối với việc học hành của con trẻ, họ chỉ trông chờ được gửi con vào trường công lập nhằm giảm bớt gánh nặng học phí...

Qua trao đổi với cô Phan Thị Thu Lời- Hiệu trưởng Trường MN Măng Non và cô Trần Thị Hương- Hiệu trưởng Trường MN Hướng Dương, được biết, trước đó, các cấp lãnh đạo đã đến kiểm tra thực tế tại 2 trường này và cũng có dự định dành quỹ đất để đầu tư xây dựng thêm trường MN tại đây. Cụ thể, P. Hòa Hiệp Nam thì có quỹ đất gần 3000m2 nằm ở tổ 21, P. Hòa Hiệp Nam; còn P. Hòa Hiệp Bắc thì “nhắm” vào quỹ đất hơn 2.100m2 ở khu Văn hóa biển Kim Liên...

Thiết nghĩ, thực trạng một trường học có nhiều điểm trường lẻ còn tồn tại trên địa bàn TP Đà Nẵng là điều rất bất cập. Do đó, rất mong TP nên quan tâm, dành quỹ đất để đầu tư xây dựng tại 2 địa bàn nói trên thêm trường MN công lập nhằm xóa đi những điểm trường lẻ này. Điều này góp phần giảm bớt áp lực học phí cho các hộ gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn, đồng thời tạo sự công bằng trong hưởng thụ giáo dục cho các cháu...

Phan Thủy