Thiếu hụt chip xử lý, nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam gặp khó

Thứ tư, 19/05/2021 07:13

Hiện tình trạng thiếu hụt chip điện tử đang khiến các doanh nghiệp và các nhà sản xuất điện tử gặp khó khăn. Nhiều dự báo cho thấy, tình trạng thiếu hụt này có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2022.

Bộ vi xử lý - chipset xuất hiện trong hầu hết các sản phẩm điện tử, thiết bị công nghệ.

Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, việc khan hiếm nguồn hàng chip xử lý đang khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất. Không chỉ thiếu hàng mà thời gian giao hàng cũng trở nên dài hơn rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, công nghệ tại Việt Nam đã phản ánh sự ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, dù ở nhiều mức độ khác nhau.

Một chuyên gia về công nghệ thuộc Công ty Appota chia sẻ, chipset hay bộ vi xử lý xuất hiện trong rất nhiều sản phẩm đời sống, từ các loại thẻ điện tử đến các thiết bị khác như tivi, tủ lạnh, camera, ô-tô... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gần như chưa có doanh nghiệp trong nước nào làm ra đầy đủ được một con chip, gồm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất. Các sản phẩm đều phải nhập khẩu từ các nước, chủ yếu là Trung Quốc. Điều này khiến cho hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ trong nước bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chip toàn cầu. Điều này có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng tới đây.

Sản xuất ô-tô được xem là một trong số những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi chip xử lý giữ vai trò quan trọng với các bộ phận từ pin cho đến điều khiển máy tính trên ô-tô. Nhiều nhà sản xuất xe trên thế giới đã buộc phải ở trong tình trạng cắt giảm sản xuất do thiếu chip. Đơn cử như Hyundai Motor đã có kế hoạch cho máy Ulsan số 5 nơi sản xuất xe Tucson và xe điện Nexo, Ulsan số 3 nơi sản xuất các dòng Avante, Venue tạm nghỉ sản xuất. Trước đó, Hyundai cũng đã phải tạm đóng cửa nhà máy Ulsan số 1 và Ulsan số 4 do thiếu hụt linh kiện điện tử. Không chỉ Hyundai, các hãng xe như Honda, BMW cũng đã có những thông báo về việc tạm ngừng sản xuất xe...

Ở lĩnh vực sản xuất ô-tô trong nước, ông Ninh Hữu Chấn, Tổng thư ký VAMA cho hay, trong thời gian tới, việc thiếu hụt nguồn cung chip xử lý sẽ khiến lượng xe đưa ra thị trường giảm sút và giá có thể sẽ tăng, nhất là xe nhập khẩu. Tình trạng thiếu hụt này có thể sẽ còn kéo dài tới hết năm nay, thậm chí sang tới năm 2022. Việc này ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh xe   ô-tô trong năm của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo nhận định từ các chuyên gia, việc thiếu hụt chip xử lý trên toàn cầu xảy ra là do nhu cầu về điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị điện tử khác tăng lên trong thời đại dịch COVID-19, cùng với đó là căng thẳng thương mại liên quan tới công nghệ giữa Mỹ-Trung Quốc thời gian qua. Thời gian qua, nhằm tăng vị thế cạnh tranh, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc như Xiaomi và Oppo đã tăng cường tích trữ chip để phục vụ sản xuất. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện này, cùng với tình trạng khan hiếm container, chi phí vận tải cũng đang ở mức cao, thì việc thiếu chip xử lý phục vụ sản xuất tạo sức ép lên doanh nghiệp sản xuất.

Sản xuất chip vốn là một ngành đòi hỏi mức độ tinh vi và hàm lượng công nghệ cao, vốn đầu tư lớn và cần thời gian để xây dựng và lắp đặt thiết bị. Ông Đào Phan Long cho biết chi phí để xây dựng nhà máy sản xuất các con chip xử lý rất tốn kém, lên tới hàng chục tỷ USD cùng công nghệ đi kèm. Chính vì vậy, đến nay, trên thế giới có rất ít hãng có thể sản xuất như Intel, Samsung... chiếm phần lớn trong đầu tư ngành sản xuất chip thế giới. Độ chính xác và chất lượng của các con chip cũng có những yêu cầu rất khắt khe.

Ở Việt Nam cũng có những ý tưởng về đầu tư xây dựng công nghiệp sản xuất chip, nhằm góp phần chủ động nguồn cung cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những khó khăn trên thì điều này gần như là không thể. Có chăng, Việt Nam chỉ sản xuất các sản phẩm phụ trợ, dịch vụ gia tăng của sản phẩm này, ông Long cho hay. Để ứng phó với tình trạng này, các doanh nghiệp trong nước sản xuất các thiết bị điện tử, công nghệ đã phải tính tới hướng đa dạng hóa nguồn cung.

Ông Trần Việt Hải, Tổng giám đốc Công ty BKAV Electronics cho hay, về dài hạn, công ty đã có các phương án như đa dạng nguồn cung linh kiện, chuyển đổi thiết kế sang các dòng sản phẩm, linh kiện an toàn hơn về nguồn cung...

Cũng theo đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, để khắc phục khó khăn, các doanh nghiệp cần tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế, mở rộng hơn mạng lưới cung cấp. Đặc biệt, nếu có thể, cần chủ động trong nghiên cứu, phát triển và định hướng sử dụng các sản phẩm linh kiện, chipset phổ thông, linh hoạt hơn... Đơn cử như Công ty Điện Quang, doanh nghiệp này đang đẩy mạnh đầu tư các dây chuyền sản xuất đồng bộ đạt tiêu chuẩn quốc tế, từ dây chuyền sản xuất chip LED, bo mạch điện tử, linh kiện ép nhựa cho đến các sản phẩm hoàn thiện, chưa kể dây chuyền sản xuất chip LED tự động 150 triệu con chip/năm... Hay như Công ty VNPT Technology đang đẩy mạnh khả năng thiết kế và làm sản phẩm để chủ động thay đổi các linh kiện, nguyên vật liệu khác nhau mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. 

Đức Dũng