Thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật ngành điện tử

Thứ bảy, 24/02/2018 07:40

Mặc dù các doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam đang chuyển đổi hệ thống dây chuyền sản xuất sang tự động hóa, song trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp ngành này vẫn thiếu hụt lao động trầm trọng.

Theo tiến sĩ Chử Thị Lân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và điều kiện lao động (Bộ LĐ-TB-XH), nghiên cứu mới đây về việc làm bền vững trong ngành điện tử tại Việt Nam của bộ này cho thấy lao động trong ngành điện tử chủ yếu làm việc trong nhóm nghề: thợ có kỹ thuật lắp ráp, vận hành máy móc thiết bị, thợ thủ công có kỹ thuật và các thợ kỹ thuật khác. "Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động đang làm việc trong ngành điện tử không cao, có đến 68,75% chưa có bằng cấp, chứng chỉ. Trong đó, ở khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ này cao hơn. Đáng chú ý, có đến 80% DN điện tử gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động kỹ thuật", tiến sĩ Lân nói.

Mặc dù thời gian gần đây các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ robot thay thế lao động trong ngành điện tử, tuy nhiên, bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao (Văn phòng tổng giám đốc) Công ty Canon Việt Nam, cho rằng: "Đó là cảnh báo trong tương lai. Thời điểm hiện tại, các DN điện tử đều đang tiến hành tự động hóa máy móc thiết bị, song vẫn thiếu lao động trầm trọng. Không chỉ thiếu lao động có tay nghề mà ngay cả lao động phổ thông cũng khó tuyển, nhất là thời điểm sau Tết".

Theo tiến sĩ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động - Xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), một trong những nguyên nhân khiến các DN trong ngành điện tử thiếu hụt nhân lực là làn sóng công nghệ mới đã và đang có những tác động nhanh và mạnh đến các DN trên nhiều phương diện, như: đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, thu hút nhân lực chất lượng cao...

Còn PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng: "Lao động Việt Nam đa phần xuất thân từ nông thôn, không được đào tạo bài bản. Khi DN thay thế các thiết bị công nghệ mới, người lao động không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, điều kiện làm việc tại DN điện tử quá khắt khe, có tới 60% DN vi phạm quy định làm thêm giờ khiến nhiều lao động không chịu nổi áp lực".                                                              THEO TNO