Thiếu nước sinh hoạt mùa khô: Khát từ đồng ruộng khát ra…

Thứ bảy, 03/05/2014 08:10

(Cadn.com.vn) - Nắng nóng kéo dài làm nhiều nơi bị thiếu nước trầm trọng. Không chỉ thiếu nước sản xuất, nước dùng cho các nhu cầu tối thiểu như nấu ăn, tắm giặt cũng khan hiếm, nhiều hộ phải chấp nhận dùng nước phèn hoặc mua nước đóng bình về sử dụng.

Khát từ nông thôn…

Đã hơn một tháng nay, người dân thôn Diêm Phổ (xã Tam Anh Nam, H. Núi Thành, Quảng Nam) phải chật vật sinh hoạt với lượng nước ít ỏi. Nhà nào có điều kiện thì khoan giếng, tuy vậy phải khoan cách nhà 2km. Nhiều hộ phải đi mua nước bình hoặc dùng nước phèn. Mồ hôi nhễ nhại, anh Hạnh (48 tuổi) đang lom khom dưới nền nhà cũ bị giải tỏa: "Trời nóng bức lại phải dời nhà vô trong mà không có nước để dùng. Cứ sáng sáng tôi phải đi qua bên kia xin nước giếng. Nước từ trạm bơm thì lúc có lúc không. Hơn thế nữa đường đang làm nên ống nước dẫn vào nhà bị bể hết trơn. Hầu như nhà nào cũng bị, đợi sửa thì không biết tới bao giờ".

Trưởng thôn Mỹ Sơn Phạm Quốc Thông nhẩm tính: "Xã Tam Anh Nam hiện có hơn 1.500 hộ phải đối diện với cảnh thiếu nước này. Trong đó thôn Mỹ Sơn có khoảng 300 hộ đang thiếu nước dùng"". Hiện trên địa bàn xã Tam Anh có 3 hệ thống xử lý nước Diêm Phổ, Tiên Xuân 1, Mỹ Sơn - Nam Định. Tuy nhiên, những bể lắng này đã được xây dựng khá lâu và công suất thấp nên không đủ cung cấp cho các hộ dân. Chị Nguyễn Thị Cúc (35 tuổi) vừa sửa lại cái lọc nước vừa ngao ngán: "Gọi là công trình nước sạch chứ thực ra nước còn nguyên bùn và phèn. Chúng tôi phải lấy vải buộc vào vòi nước để lắng bớt bùn đất. Cứ 5 phút là lại phải thay vải lọc một lần, song chỉ dùng để tắm giặt còn ăn uống phải  mua nước bình. Nhà tôi có 2 mẹ con mà một tháng phải mua mười lăm bình mới đủ dùng chứ đừng nói nhà đông người".

Đến ngày 30-4, nguồn nước sinh hoạt tại khu dân cư An Cư 3 (P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà)
vẫn chảy nhỏ giọt.

Ông Lê Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam cho biết: "3 công trình nước sạch trên được tài trợ bởi Tổ chức Đông Tây Hội ngộ từ hơn 10 năm trước. Hiện nay xã phải chỉ trả tiền cho những người làm quản lý ở đây. Mỗi năm còn phải bù lỗ thêm mười mấy triệu tiền điện bởi nếu tăng giá nước thì bà con không chịu nổi. Nước không có mà vẫn phải bơm thường xuyên". Ông Hùng cũng chia sẻ: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ cho lắp đặt các đường ống dẫn nước từ nhà máy nước Tam Hiệp vào xã. Các đường ống này được lắp cùng với việc thi công QL 1A. Tuy nhiên để được sử dụng mỗi hộ phải nộp 1.200.000 đồng. Đây là một số tiền không nhỏ với người dân lao động".

Tại xã Duy Hòa (H. Duy Xuyên) nước bị nhiễm sắt rất nặng tuy nhiên chỉ có khoảng 15% số hộ được dùng nước máy, số còn lại phải tranh thủ xin nước từ các nơi.  Theo ông Phan Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên, huyện đã chỉ đạo cho Phòng NN-PTNT có kế hoạch khảo sát đề xuất biện pháp khắc phục tình trạng thiếu nước. Trong thời gian sắp tới huyện cũng tập trung một số dự án, công trình cấp thiết, đầu tư khai thác nước sông Thu Bồn phục vụ dân sinh. Tuy nhiên đó là tính chuyện tương lai, còn trước mắt người dân phải chịu cảnh sống chung với… thiếu nước.

Chị Cúc đang sửa lại miếng vải lọc nước dính đầy phèn.

Khát ra thị thành

Trong nhiều ngày qua, các khu dân cư ở P. An Hải Bắc (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt, mà chẳng nhận được sự thông báo nào từ công ty cung cấp nước Đà Nẵng. Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt diễn ra trầm trọng nhất ở các khu dân cư An Cư 4, 5 và 7 của P. An Hải Bắc và kéo dài từ ngày 27 đến  30-4.  Bà Diệm (khu An Cư 3) bức xúc: "Nước chảy nhỏ giọt, phải hứng từng xô. Nhà nào ở cuối tuyến phố thì nước cúp hẳn, phải đi xin nước hàng xóm, không dám giặt quần áo hay tưới cây". Bức xúc trước việc nước bị cúp nhiều ngày, người dân đã liên hệ với Chi nhánh cấp nước Sơn Trà, nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, phải đến ngày 1-5 nước sạch mới có trở lại tại các khu vực thiếu nước ở P. An Hải Bắc, tuy nhiên áp lực nước vẫn còn yếu.  Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Công ty MTV Cấp nước Đà Nẵng cho biết, Công ty đã tiến hành lắp một đường ống qua tuyến đường Lý Thánh Tông đấu nối vào đường ống Phạm Văn Đồng để bơm nước liên tục một ngày 3 lần, khắc phục và cấp nước trở lại cho người dân. Giải thích lý do xảy ra tình trạng thiếu nước ở P. An Hải Bắc, ông Ảnh cho hay, do những nơi này nằm ở cuối nguồn nước của nhà máy, nên việc thiếu nước rất dễ xảy ra trong mùa khô.

Bên cạnh đó, Sơn Trà có tốc độ tăng dân số và hộ dân cư nhanh, nhất là hệ thống các nhà hàng, khách sạn phát triển, tiêu thụ nước nhiều, trong khi công suất cấp nước không đổi nên dẫn đến thiếu hụt nước sinh hoạt cho người dân. "Các nhà hàng, khách sạn ở trên khu vực Sơn Trà tiêu thụ nguồn nước rất nhiều, khách sạn nào cũng có bể chứa lớn, vì thế khi các  khách sạn đồng loạt hút nước vào bể chứa sẽ khiến nguồn nước của người dân thiếu hụt, dù nhà máy nước đã chạy hết công suất thiết kế nhưng vẫn không đẩy nước đến được với các khu dân cư trên. Ngoài ra, hệ thống ống nước ở khu vực này đã cũ, nên không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng của người dân ở Sơn Trà", ông Ảnh nói. Ông Ảnh cũng cảnh báo, do nhiều lý do nên tình trạng thiếu nước sẽ còn diễn ra ở những khu vực cuối đường ống, người dân nên sử dụng nước tiết kiệm và có bể ngầm dự trữ đề phòng mỗi khi nước yếu.

Hà Dung- Hoàng Anh