Thịnh và giấc mơ Festival Huế
(Cadn.com.vn) - Nhắc đến các hoạt động mỹ thuật trong các kỳ Festival Huế, người ta thường nhắc đến nghệ thuật sắp đặt của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh. Anh là giáo viên dạy hội họa Trường THCS Nguyễn Tri Phương, nhưng cứ đến mỗi kỳ Festival, anh lại chìm ngập trong những ý tưởng nghệ thuật mong góp một phần nhỏ của mình để tôn vinh cho lễ hội đậm chất văn hóa này.
Đinh Khắc Thịnh đã từng tâm sự rằng: “Ở Huế, tôi sống cùng gia đình trong ngôi nhà nhỏ, con ngõ hẹp. Suốt ngày loay hoay với những con đường ngoằn ngoèo, gặp chừng đó người, nói chừng đó câu. Ấy vậy mà Huế bao giờ cũng gợi cho tôi những rung cảm sâu xa từ cái vẻ tĩnh lặng, thâm trầm đến u uất đó”.
Những rung cảm sâu lắng của anh đã tạo ra những tác phẩm “để đời” như: Chợ đêm, Tinh tú, Vàng bướm mơ tiên tại Festival Huế 2002. Mùa hè năm 2005, tác phẩm sắp đặt Dưới giàn thiên lý xuất hiện tại Festival Nghề truyền thống Huế lại tạo thêm một dấu ấn Đinh Khắc Thịnh. Tác phẩm này có quy mô 1.000 chiếc chuông gió được kết bằng 4.000 chiếc nón các cỡ, 8.000 gương soi và 1 chiếc nón lớn kết bằng 460 chiếc nón nhỏ.
Toàn bộ tác phẩm được treo trên một giàn tre dài 150m, cạnh sông Hương. Những chiếc phong linh nón lá, vừa hiện đại lại vừa chân quê, rơm rạ đến nao lòng. Tác phẩm này của Đinh Khắc Thịnh đã được ghi vào sách Kỷ lục Việt
Tại Festival Huế 2010 sắp tới, Đinh Khắc Thịnh cũng đã ấp ủ rất nhiều ý tưởng, và 3 trong số đó đã trình lên Ban tổ chức Festival. Đó là các tác phẩm: Chiếc cầu trẻ thơ, Bến bờ vui và Hoa trạng nguyên. Tác phẩm Chiếc cầu trẻ thơ lấy ý tưởng từ cây cầu Trường Tiền. Đây là cây cầu biểu tượng của thành phố Huế thơ mộng, đã trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, chiếc cầu đã trở thành đề tài lớn cho nghệ thuật.
![]() |
Tác giả và phối cảnh tác phẩm "Hoa trạng nguyên". |
Tác giả sẽ sử dụng 10 bức tranh cho học sinh tiểu học và trung học của thành phố (phù hợp với các hình thức thực hành ngoài trời) phóng lớn trên chất liệu HIFLAX (được chiếu sáng về đêm) và phủ kín 5 mố của cầu Trường Tiền. Qua đó, tạo nên cho cầu Trường Tiền, đặc biệt là phần gầm cầu trở thành một không gian nghệ thuật hồn nhiên và thơ trẻ bên cạnh một thành phố cổ tích.
Tác phẩm Hoa trạng nguyên lấy ý tưởng từ khung cảnh sĩ tử ngày xưa đi thi. Ở Huế vốn có nhiều công viên và rừng thông nhỏ của các di tích, nơi mà vào mùa hè (khoảng tháng 6 đến tháng 9) có rất nhiều học sinh đến ôn thi và cũng là nơi du khách tham quan thường đến nghỉ ngơi, thư giãn nhưng không có chỗ nghỉ thoải mái. Lấy cảm xúc từ hoa trạng nguyên mà người dân thường trồng làm cảnh và cầu mong sự đỗ đạt trong học hành cho con cháu, tác giả sẽ treo hàng loạt võng màu đỏ trong Công viên Lý Tự Trọng và 2 rừng thông nhỏ ở phía sau chùa Linh Mụ (100 chiếc mỗi địa điểm).
![]() |
Phối cảnh tác phẩm "Chiếc cầu trẻ thơ". |
Không gian những nơi ấy sẽ có thêm một nét duyên mới, và từ đó nó không còn là công viên, một khoảng rừng thuần túy nữa mà là một tác phẩm sắp đặt với hàng trăm chiếc võng màu đỏ trên nền xanh của cây cỏ và đặc biệt các thí sinh hoặc du khách có thể sử dụng nghỉ chân và cảm nhận thiên nhiên thơ mộng của xứ Huế, đặc biệt là trong dịp Festival. Đồng thời nói như là một sự tương tác giữa công chúng và tác phẩm nghệ thuật.
Nếu như 2 tác phẩm trên lấy ý tưởng từ hình ảnh của những ngày xưa cũ, thì tác phẩm Bến bờ vui lại lấy ý tưởng từ sự phát triển lớn mạnh của Festival Huế. Lần đầu tiên chỉ có 2 quốc gia tham dự, sau 5 lần tổ chức đã có 32 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. “Tôi sẽ triển khai một tác phẩm sắp đặt gồm 4.000 đơn nguyên là quốc kỳ của các quốc gia tham gia lễ hội trên một vị trí được xem là nơi thu hút nhiều sự chú ý của công chúng (có thể nhìn từ cầu Trường Tiền, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đường Lê Lợi, đường Hoàng Hoa Thám, Phạm Hồng Thái, cầu Phú Xuân và Công viên Thương Bạc). Qua đó, tác phẩm truyền đạt thông điệp: Huế - Việt
3 tác phẩm của Đinh Khắc Thịnh là chiếc cầu nối từ quá khứ đến hiện tại, và qua đó, giới thiệu một TP Huế đang đổi thay từng ngày, một Huế vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc và riêng biệt khiến ai một lần đến Huế đều lưu luyến mãi và đó cũng là cách mà Đinh Khắc Thịnh thể hiện tình yêu của mình đối với Huế thương yêu...
An Đông