Thổ Nhĩ Kỳ chia rẽ trước cuộc trưng cầu dân ý

Thứ sáu, 14/04/2017 10:12

(Cadn.com.vn) - Các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 16-4 tới trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp có thể làm thay đổi hoàn toàn cách đất nước được quản lý.

 Nếu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, hệ thống nghị viện của nước này sẽ trở thành một hệ thống tổng thống, nhằm củng cố quyền lực của các cơ quan lập pháp thành một khối nằm dưới sự điều hành của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Điều đáng chú ý là nó cũng cho phép ông Erdogan - người từng là Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2003-2014 trước khi trở thành Tổng thống - sẽ giữ chức vụ này cho đến năm 2029.

Việc trao quyền mạnh hơn cho tổng thống là một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó những người ủng hộ chính sách này thì muốn nó sẽ mang đến cho quốc gia 78 triệu dân sự lãnh đạo mạnh mẽ cần thiết hơn, nhưng những người phản đối thì lại lo ngại nó sẽ làm nảy sinh tình trạng chuyên quyền. Ebril Ozdemir, 39 tuổi, cho biết: “Tôi lo lắng vì họ đang cai trị như một chế độ độc tài. Nếu cuộc trưng cầu được thông qua, những gì họ đang làm sẽ hợp pháp. Sau đó, chúng ta sẽ thấy chủ nghĩa phát xít thực sự”.

Ông Erdogan ngày càng củng cố sức mạnh kể từ sau cuộc đảo chính thất bại vào năm 2016, dẫn đến các cuộc đàn áp khiến 47.155 nhà phê bình, nhà nghiên cứu, nhà báo, quan chức quân đội và công chức bị bắt giữ. Tháng trước, đề xuất sửa đổi được bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý được Ủy ban Venice của Hội đồng Châu Âu mô tả là một “bước đi nguy hiểm” cho nền dân chủ.

Trong những ngày trước thềm cuộc trưng cầu, thủ đô Istanbul ngập trong các biểu ngữ: Biểu ngữ “Có” của đảng cầm quyền AKP và biểu ngữ “Không” của đảng Cộng hòa nhân dân đối lập (CHP).

Biểu tình ủng hộ (trái) và phản đối (phải) trưng cầu dân ý tại thủ đô Istanbul. Ảnh: CNN

“Quá nhiều tiếng nói”

Hôm 8-4, hàng ngàn người ủng hộ ông Erdogan tập trung tại Quảng trường Yenikapi để ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý. Người ủng hộ được xe buýt vận chuyển miễn phí đến quảng trường. Lokman Dilbirim, một công nhân dệt may 30 tuổi, cho biết ông sẽ bỏ phiếu “có” để Tổng thống có thể thực hiện các tiến trình chính trị phức tạp. “Trong một hệ thống như của chúng ta hiện nay, quá nhiều tiếng nói làm tình hình thêm rắc rối. Nếu chỉ có một người nói thôi thì tình hình sẽ ổn hơn”.

Bà nội trợ 38 tuổi Esma Eren cho rằng: “Ông Erdogan luôn muốn đẩy đất nước đi về phía trước, nhưng quá nhiều người muốn ngăn ông ấy”. Bà cho biết, trưng cầu dân ý sẽ cho phép ông Erdogan ổn định đất nước có nền kinh tế chậm chạp, khủng hoảng người tị nạn ở biên giới và cuộc xung đột kéo dài 30 năm qua với các chiến binh của đảng Lao động người Kurd (PKK).

“Không có tương lai”

Trong khi đó, tại một khu chợ lớn ở Istanbul, đảng Dân chủ Nhân dân ủng hộ người Kurd (HDP) đối lập tổ chức biểu tình nhỏ hơn về quy mô. Khuôn mặt người biểu tình lộ rõ những lo lắng. Berfin Yavas, 23 tuổi, cho biết: “Nếu chúng ta trao quyền cho một người, sẽ không có tương lai. Không có tự do ngôn luận, các nghị sĩ của chúng tôi bị bắt, ngay cả trong một hệ thống hiến pháp như bây giờ. Với việc chuyển sang hệ thống tổng thống mới, điều này thậm chí còn tồi tệ hơn”.

Nghị sĩ Hasip Kaplan của HDP cho biết đảng này đã không được đưa ra một nền tảng công bằng để vận động cho cuộc bỏ phiếu “Không”.

Selina Ozuzun Dogan, thành viên Đảng CHP cáo buộc AKP đang chia rẽ xã hội và làm mọi người mất niềm tin vào tiến trình hiến pháp.

An Bình