Thổ Nhĩ Kỳ-EU: Đã đến lúc cho kế hoạch B?

Thứ tư, 17/01/2018 09:29

Sau cuộc đấu thầu gia nhập kéo dài gần nửa thế kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) đang tiến vào một giai đoạn mới của mối quan hệ, nhưng được cho là sẽ không thể làm hài lòng Ankara – vốn vẫn nuôi mộng trở thành thành viên chính thức của liên minh này.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 1987 và các cuộc đàm phán bắt đầu năm 2005. Nhưng trong những năm qua, cả hai lại vấp phải nhiều thách thức do những căng thẳng quanh cuộc trấn áp của Ankara sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016. EU luôn khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cần thay đổi luật chống khủng bố để hưởng lợi từ thỏa thuận miễn thị thực. Trong khi đó, Ankara luôn chỉ trích EU vì sự thiếu đoàn kết với người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đảo chính bất thành, đồng thời cáo buộc EU áp dụng tiêu chuẩn kép trong cuộc chiến chống khủng bố.

Quan hệ hai bên xuống mức điểm thấp nhất vào năm 2017 khi quá trình tham gia liên minh này bị ngưng trệ và Tổng thống Recep Erdogan cáo buộc một số thành viên chủ chốt của EU, bao gồm cả Đức, có hành vi gợi nhớ lại thời kỳ phát-xít Đức. Và giờ đây, hơn 17 tháng kể từ vụ đảo chính, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thông qua việc mở rộng tình trạng khẩn cấp lần thứ 6 vào hôm nay (17-1). Và tất nhiên, mở một chương trình đàm phán mới là điều hoàn toàn không thể với Thổ Nhĩ Kỳ trong khi tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng.

Nhưng Tổng thống Erdogan đang rất nỗ lực. Ông bắt đầu năm 2018 với một tinh thần khác hẳn khi có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Pháp trong chuyến thăm được coi là bước đi cho chính sách nới lỏng mối quan hệ căng thẳng với EU. Trong khi đó, vị ngoại trưởng của ông cũng có chuyến đi hàn gắn rạn nứt quan trọng đến Đức.

Tại EU, các nhà lãnh đạo của khối cũng thúc giục một tinh thần hiện thực mới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, chuyến thăm của ông Erdogan là dấu hiệu cho thấy “đã đến lúc phải chấm dứt những tuyên bố “đạo đức giả” về việc có thể đạt những tiến bộ trong việc gia nhập EU của Ankara. Trên thực tế, cả hai bên đều hiểu rõ rằng quá trình gia nhập đã chết và sẽ không đi tới đâu. Vì vậy, EU và Thổ Nhĩ Kỳ cần nói về một kế hoạch mới và một mối quan hệ giao dịch với các nước thành viên Châu Âu, và điều đó có nghĩa là sẽ tập trung nhiều hơn vào thương mại. Thực tế này sẽ giúp Ankara nhìn nhận mọi việc và không làm ảo tưởng về việc khôi phục quá trình gia nhập.

Đã có những đề xuất “mối quan hệ đối tác có đặc quyền” giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì tư cách thành viên EU đầy đủ. Tuy nhiên, Ankara mạnh mẽ bác bỏ việc này.

THANH VĂN