Thổ Nhĩ Kỳ và bài toán Palestine - Israel

Thứ tư, 23/05/2018 08:06

Vụ việc quân đội Israel bắn chết 65 người biểu tình tại Dải Gaza kể từ tuần trước đã khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan quyết tâm dẫn dắt thế giới Hồi giáo chống lại nhà nước Do Thái. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã thề sẽ bảo vệ cuộc đấu tranh của người Palestine trước thềm cuộc tổng tuyển cử quan trọng.

Trên thực tế, đang có một khoảng cách giữa các quốc gia Arab về vấn đề Palestine. Và Ankara đang nỗ lực lấp đầy nó trong bối cảnh xung đột căng thẳng giữa người Hồi giáo Sunni và Shiite tiếp tục gia tăng. Trong ngày 22-5, khu vực biên giới Gaza - Israel vẫn bất ổn. Quân đội Israel tiếp tục nã đạn vào một cứ điểm của phong trào Hồi giáo Hamas sau khi cáo buộc người dân Gaza xâm nhập vào lãnh thổ của quốc gia Do Thái này và phóng hỏa một chốt quân sự trước khi trở lại phần lãnh thổ của Palestine. 

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề Palestine được các cử tri bảo thủ ủng hộ. Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay là quốc gia Hồi giáo thẳng thắn nhất trong việc đứng ra tố cáo vụ “thảm sát” người biểu tình Palestine vốn đứng lên chống lại quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump về việc chuyển đại sứ quán tại Israel đến thành phố Jerusalem đang tranh chấp.

Một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 24-6, một cuộc bầu cử mà ông Erdogan được đánh giá sẽ tiếp tục giành chiến thắng, nhà lãnh đạo này đã phát động một cuộc tấn công mãnh liệt chống lại những vụ bắn giết vô tội vạ của binh sĩ Israel khi nhấn mạnh đó là “hành động thảm sát dã man” hoặc “hành động diệt chủng”.

Cuối tuần qua, nỗ lực của Ankara càng được thể hiện rõ khi Tổng thống Erdogan triệu tập một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (IOC) gồm 57 thành viên ở Istanbul, trong khi các cuộc biểu tình phản đối Mỹ và Israel bùng nổ tại thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ. IOC sau đó ra tuyên bố không chấp nhận việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và nhấn mạnh việc chuyển Đại sứ quán Mỹ sang Israel là động thái “khiêu khích và thù địch” chống lại các nhóm Hồi giáo. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã triệu hồi đại sứ của họ, trong khi đó, phần lớn các báo chính thống của Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án chính phủ Israel trong những điều kiện khắc nghiệt nhất trong nhiều ngày qua.

Rõ ràng, Tổng thống Erdogan đang xây dựng đất nước hướng đến “quyền lực mềm” bằng cách mở rộng ảnh hưởng trong một khu vực mà người Thổ Nhĩ Kỳ đã cai trị trong nhiều thế kỷ dưới đế chế Ottoman. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến chỉ trích cho rằng, ông Erdogan thực ra quan tâm nhiều hơn đến việc thúc đẩy ảnh hưởng tên tuổi cá nhân trước thềm bầu cử hơn là những lo toan cho người Palestine.

THANH VĂN