Thổ Nhĩ Kỳ với ván bài quân sự ở Afrin

Thứ tư, 24/01/2018 12:35

Ankara ngày 23-1 đã ra điều kiện rằng, các chiến dịch quân sự của nước này tại khu vực Afrin sẽ chỉ kết thúc khi 3,5 triệu người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể hồi hương an toàn.

Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công nhằm vào lực lượng dân quân người Kurd ở Afrin. Ảnh: AFP

Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd, đồng minh của Mỹ, tại khu vực Afrin thuộc miền bắc Syria tiếp tục bùng nổ trong ngày 23-1, đánh dấu ngày tấn công thứ 4 liên tiếp ở khu vực này.

Trong ngày 23-1, pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đánh mạnh các mục tiêu các tay súng người Kurd thuộc Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG). Trong khi đó, các máy bay của quân đội nước này cũng mở các cuộc tấn công lớn vào các mục tiêu khác. Đài quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở Anh cho biết, các cuộc đụng độ dữ dội đang tiếp tục ở phía bắc và tây nam Afrin. Sau cuộc xung đột dữ dội này, lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ nắm quyền kiểm soát đồi Barsaya, điểm chiến lược quan trọng trong khu vực Afrin. SOHR cho biết, 25 phiến quân được Ankara hậu thuẫn và 26 chiến binh người Kurd bị giết trong cuộc chiến này cho đến nay. Cũng có tin nói rằng, ít nhất 24 thường dân thiệt mạng ở phía Syria, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ tin này, khẳng định, họ chỉ nhắm mục tiêu các chiến binh.

Ankara mong muốn quét sạch các tay súng người Kurd khỏi biên giới với Syria, trong khi lực lượng này lại nhận được sự hậu thuẫn từ Mỹ. Bắt đầu từ ngày 20-1, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động chiến dịch mang tên “Cành Ô-liu” nhằm đánh bật YPG khỏi thị trấn Afrin. Lực lượng này vốn bị xem là một nhóm khủng bố và là một mối đe dọa an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong đám tang binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên thiệt mạng trong chiến dịch xuyên biên giới này vào ngày 23-1, Tổng thống Erdogan đã thề sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến này bất chấp những quan ngại từ Mỹ. “Chúng tôi sẽ chiến thắng cùng với người dân của chúng tôi, cùng với lực lượng Quân đội Tự do Syria”, ông Erdogan nói tại lễ tang. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, các chiến dịch quân sự của nước này tại khu vực Afrin sẽ chỉ kết thúc khi 3,5 triệu người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể hồi hương an toàn.

Tuy nhiên, chiến dịch “Cành Ô-liu” đang gây ra mối lo ngại cho các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Mỹ, quốc gia vẫn đứng sau hỗ trợ YPG để đánh bại nhóm Hồi giáo cực đoan IS tại Syria. Trong ngày 23-1, Nhà Trắng tiếp tục hối thúc Ankara kiềm chế, cảnh báo chiến dịch này có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và phá vỡ một nơi vốn ổn định. Trong tuyên bố mạnh mẽ nhất về cuộc tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện “kiềm chế”.

Vụ việc này cũng đang đặt NATO vào thế khó. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các đồng minh NATO, giới phân tích băn khoăn liệu chiến dịch của Ankara sẽ đi đến đâu. Phó Tổng thư ký NATO, bà Rose Gottemoeller đã đến thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 22-1. Dù chuyến thăm được lên kế hoạch từ trước, và không liên quan tới chiến dịch quân sự hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin nhưng nó đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ, do hai đội quân lớn nhất của NATO (Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ) đang đứng ở hai bờ đối địch nhau trong chiến dịch này. Tuy nhiên, các quan chức NATO tại Brussles nhấn mạnh, bà sẽ không đóng vai trò hòa giải trong bất đồng này.

Giới quan sát cho rằng, Ankara đang đặt cược vị thế của mình trong chiến dịch lần này. Bởi ai cũng thấy rõ, Tổng thống Erdogan dường như hy sinh chút thiện chí còn lại ở Châu Âu để phục vụ mục đích chính trị của mình. Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin là ví dụ cho thấy liên minh mới được thiết lập giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran, liên minh này “đang đoàn kết  nhằm chống lại Mỹ tại Syria”. Và Washington buộc phải lựa chọn: hoặc rút lui hoặc thúc đẩy xung đột với Ankara, đồng minh NATO của mình.

KHẢ ANH