Thơ nữ xứ Quảng: Đa sắc, đa thanh

Thứ ba, 12/01/2021 19:00

Thơ nữ của Chi hội Văn học (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam) đã góp phần làm nên diện mạo của mảnh đất thơ “chưa mưa đà thắm”. Đó là nhận định, đánh giá của nhiều nhà lý luận phê bình, nhà thơ và độc giả tại hội thảo “Thơ nữ Chi hội Văn học Quảng Nam” được tổ chức cuối tuần qua.

Các gương mặt thơ nữ Quảng Nam.

Đa âm, đa thanh

Chi hội Văn học Quảng Nam có 10 tác giả nữ làm thơ: Lê Thị Kiều Chinh, Nguyễn Thị Phương Dung, Lê Thị Điểm, Huỳnh Thu Hậu, Đỗ Thị Kết, Hồ Loan, Ngô Thị Thục Trang, Vương Thi (Vương Thị Bé), Mai Thanh Vinh và Nguyễn Thị Minh Thùy. Thơ họ xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, là những cái tên trên thi đàn trong và ngoài tỉnh, tuy mức độ lan tỏa của từng người có khác nhau. Và, trong số những tác giả thơ nữ Chi hội Văn học Quảng Nam có 6 nhà giáo làm thơ, đó là Nguyễn Thị Phương Dung, Ngô Thị Thục Trang, Nguyễn Thị Minh Thùy, Huỳnh Thu Hậu, Mai Thanh Vinh và Lê Thị Điểm.

Trong đề dẫn tại hội thảo “Thơ nữ Chi hội Văn học Quảng Nam”, nhà thơ Nguyễn Chiến - Chi hội phó Chi hội Văn học Quảng Nam nhận định: “Đọc thơ của các nhà thơ nữ Quảng Nam, thấy thơ họ mở ra phía cuộc đời rộng lớn và cũng là để đi sâu khám phá chính mình. Đề tài thơ họ khá phong phú, từ chuyện chợ búa, con cái, nhà cửa đến chuyện yêu đương, chuyện người, chuyện đời, chuyện quê hương, đất nước, dân tộc, lịch sử. Qua đó, các chị trải lòng, bộc lộ “bản lai diện mục” với những sắc màu khác nhau”. Nhận định đó rất công tâm, khái quát về thơ nữ xứ Quảng. Đó là Ngô Thị Thục Trang với những hồi ức về quê nhà ở ven sông Thu thuộc xã Đại Thạnh, H. Đại Lộc: “Em - con gái miền Trung/ nấu ăn nêm nhiều gia vị/ cọ ngực sông Thu suốt tuổi mười lăm/ lên sáu bồng em/ mười tuổi sàng gạo/ mùa đông bấu mười ngón chân đường trơn đến lớp/ rút mái tranh nhen lửa thổi cơm/ nón cời trải lúa phơi giữa đường/ vừa đuổi gà vừa ngủ gật...”. Đó là Nguyễn Thị Phương Dung với những hoài niệm đổ vỡ, những ẩn ức tình yêu cần được giải bày, có những mối “tình thơ” được sẻ chia: “Ta đi suốt tháng ba tìm nụ sưa vàng/ gặp lại thời mười sáu/ thời ngu ngơ đánh rơi trái tim con gái/ dưới chân một bài thơ”. Và, trên “cánh đồng thơ” nữ Chi hội Văn học Quảng Nam, ta bắt gặp những lấp lánh đam mê: “Gió lùa nhẹ cởi vạt êm/ xõa giải yếm để mặc đêm tự tình” (Hồ Loan), “Em muốn cắn mây trắng/ thèm hôn lên gió (...)/ em lịm vào anh/ đắm đuối” (Huỳnh Thu Hậu)... Theo nhà thơ Nguyễn Chiến, các nhà thơ nữ Quảng Nam đã lựa chọn con đường “khổ hạnh”, đau đớn và đắm say mà bước tới, và đi hết đời mình lại như mới khởi hành. Mong các nhà thơ nữ, dọc đường đi, hái được những bông hoa thơ ngát hương đời.

Bước “khởi hành” mới

Ngoài đề dẫn của nhà thơ Nguyễn Chiến, hội thảo “Thơ nữ Chi hội Văn học Quảng Nam” có 3 tham luận được trình bày bởi nhà thơ- nhà phê bình Phùng Tấn Đông, nhà thơ Nguyễn Tấn Ái, nhà thơ Ngô Phú Thiện cùng một số ý kiến trao đổi tại hội thảo. Nhà thơ Lê Thị Điểm cho rằng: “Làm thơ với tôi chỉ là sự giải tỏa những ẩn ức, có thể có những thiếu sót, gây hiểu lầm cho một số người. Qua hội thảo rất bổ ích này để tôi cũng như các tác giả nữ rút kinh nghiệm trong sáng tác thơ trong thời gian tới”. Còn nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Minh Thùy chia sẻ: “Tôi là một nhà giáo nên viết nhiều thơ về nghề, về mái trường. Nhưng trước hết, là rất nhiều bài thơ về đề tài tình yêu nhưng ít hoặc chưa muốn công bố. Do đó, có thể có những nhận định về thơ tôi chưa xác đáng. Từ hội thảo này, tôi sẽ có một tâm thế rõ ràng hơn cho sáng tác”.

Theo nhà thơ - nhà phê bình văn học Nguyễn Tấn Ái, thơ nữ Quảng Nam cần tiếp tục được nhìn nhận, ghi nhận bằng sự đồng cảm, đồng điệu, sẻ chia chứ không phải “thông cảm” bởi các lý do giới tính, để nhìn thấy rõ hơn ở họ tâm lực, tâm thế và tâm thức sáng tạo. Trong đó, chỉ đơn cử như vấn đề “thiên tính nữ” trong thơ của họ cũng đã là một sự giàu có, đủ để làm nên những cuộc luận bàn sôi nổi, hấp dẫn. Nhà thơ Nguyễn Chiến chia sẻ: “Nhiều tác giả nữ đến với thơ bằng tâm thức hậu hiện đại, đưa vào thơ cái tôi cá nhân, hoài nghi, đổ vỡ... Nhiều tác giả nữ đã nỗ lực làm mới mình, biểu đạt thơ dạng liên văn bản. Đó là những thành công rất đáng ghi nhận và biểu dương của các tác giả thơ nữ Quảng Nam trong hoạt động văn học - nghệ thuật xứ Quảng”.

Nhà thơ Phan Chín- Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng cho biết: Các tham luận tại hội thảo vừa khái quát, vừa chi tiết, đánh giá toàn diện thơ nữ Chi hội Văn học Quảng Nam. Đồng thời, tham luận có sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc và động viên với các tác giả thơ nữ. Tuy nhiên, trong một số tham luận cũng có những nhận định, đánh giá chưa xác thực với cách thức diễn ngôn, cảm nhận của các tác giả nữ. “Tôi có điều kiện đọc nhiều thơ các tác giả nữ xứ Quảng nên khi đọc thơ, nếu chưa nhìn đến tên tác giả, cũng có thể nhận diện tác giả đó là ai, bởi mỗi chị có một “mã nhận diện” khác nhau” - nhà thơ Phan Chín nói. Theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học Quảng Nam, chưa nói đến học thuật thì hội thảo là một nỗ lực tạo ra “sân chơi” cho các nhà thơ nữ và những người quan tâm đến thơ nữ Chi hội Văn học Quảng Nam. Mong các tác giả nữ nhận ra thế mạnh của mình để tiếp tục trên một cuộc khởi hành mới đa sắc, đa thanh hơn.

THẠCH HÀ