Thơ xuân của vua Tự Đức và quan án Trần Hưng Nhượng
(Cadn.com.vn) - “Ta nghĩ rằng: Chọn người phục vụ chính quyền hãy tra sổ sách chép công cán. Cân nhắc tài để đặt vào địa vị, nên xét cái năng lực xử việc”, đó là những lời của vua Tự Đức khi nói về vị quan thanh liêm Trần Hưng Nhượng.
Văn bản vua Thiệu Trị bổ nhiệm ông Trần Hưng Nhượng làm tri phủ An Nhơn. |
Giữa vùng tháp Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1 – Núi Thanh – Quảng Nam) có ngôi nhà cổ lưu giữ nhiều sắc phong của ba triều đại vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, người dân địa phương gọi đó là “nhà quan án”, nơi lưu dấu về vị quan thanh liêm Trần Hưng Nhượng và mối giao tình của ông với vua Tự Đức... Ông Trần Nha-hậu duệ đời thứ 8 của quan Trần Hưng Nhượng cho tôi xem bộ tư liệu gốc gồm 23 văn bản chữ Hán có từ năm 1832 đến năm 1866 được bảo quản trong tình trạng gần như nguyên vẹn. Nó cho ta thấy hành trình làm quan của các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức của Trần Hưng Nhượng (sinh năm Tân Hợi 1791 và mất năm Ất Sửu 1866). Trong số văn tự đó, ta bắt gặp bài thơ Ngự chế ngày xuân của vua Tự Đức (1859) có tựa đề “Nguyên nhật tứ yến thị quần thần” viết ngày mồng 1 tháng Giêng năm 1859.
Niên kế do trường thủy tự xuân
Sơ diên tứ thiết phổ thần lân
Hạnh bàn tiêu tửu hương hà đạm?
Khúc nghiệt diêm mai ý tố thân!
Tôn trở tọa trù khôi thượng lược
Can thành hãn vệ tĩnh biên trần
Giao tình chỉ tại vô ngôn xử
Cọng tán hoàng du nhật nhật tân!
Nghĩa của bài thơ này là: Ngày đầu năm bày tiệc đãi quần thần, cho ta thấy mối giao tình của Vua với các quần thần trong ngày Tết. Dù vui trong tiệc rượu nhưng vua Tự Đức luôn dặn dò quần thần phải luôn suy nghĩ những phương kế tốt để giúp nước. Nghĩa vụ của kẻ bề tôi giữ gìn xã tắc, cùng nhau giúp triều đình - đất nước càng thêm yên ổn, phát triển.
Ông Trần Nha – bên những bản dịch Hán thư về quá trình làm quan của ông Trần Hưng Nhượng. |
Theo nhà nghiên cứu dân gian Phú Bình (Tam Xuân, Núi Thành, Quảng Nam) cho biết: những văn bản đó không chỉ nói về vị quan Trần Hưng Nhượng mà còn cho ta biết cách dùng người của vua ngày xưa. Ông Trần Hưng Nhượng, đỗ Tú tài hạng Bình năm Minh Mạng thứ 11 (1830), sau đó chờ chỉ dụ làm Huấn đạo. Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832) ông được bổ làm Huấn đạo huyện Long Thành (tỉnh Biên Hòa). Ông kinh qua 29 năm làm quan trải qua ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Đặc biệt trong thời vua Tự Đức ông được vua rất trọng dụng, yêu mến bởi có thời gian là thầy dạy của vua Tự Đức.
“Trong số Hán thư đó còn có một thư viết tay của Hoàng tử Hồng Nhậm (sau này là vua Tự Đức) gửi tặng quan Trần Hưng Nhượng khi ông được bổ làm tri phủ An Nhơn (Bình Định). Mấy năm sau ngày lên ngôi (1850), vua Tự Đức lại cho vời ông về Kinh, giao nhiệm vụ thanh tra các quan lại. Sách Đại Nam thực lục ghi rõ trong thời gian này, theo lời tấu của các trọng thần, nhà vua đã cho sắp xếp lại bộ máy hành chính của Lục bộ trong Kinh thành theo hướng tinh giản và đặt nặng vấn đề giữ sự thanh liêm trong hệ thống quan lại. Vì thế, việc giao nhiệm vụ “thanh lại” chứng tỏ vua Tự Đức rất tín nhiệm thầy dạy học cho mình. Thời gian cuối đời, ông đảm nhiệm chức Án sát sứ tỉnh Lạng Sơn, sau đó kiêm nhiệm chức “Hộ lý Tuần phủ quan phòng” hai địa phương Lạng Sơn và Cao Bằng. Năm 1860, ông xin về hưu”–ông Bình nói.
Trong sắc phong, vua Tự Đức ghi rõ: “Ta nghĩ rằng: Chọn người phục vụ chính quyền, hãy tra sổ sách chép công cán. Cân nhắc tài năng để đặt vào địa vị, nên xét cái năng lực xử việc. Xét ngươi Trần Hưng Nhượng: Văn học xem đủ; Tài khí đáng dùng; Vốn có mưu cơ, biết làm, biết giữ, thuật quyền chính nắm đà thật hợp. Thêm nết thanh liêm, cẩn thận, chăm chỉ, kẻ làm quan gương đáng nên soi. Làm việc mẫn cán, bao nhiêu công lao tích đọng. Thẻ bài xứng đáng giơ cao chốn sân đình. Vậy cho đặc thụ chức Phụng nghị đại phu Hộ bộ thưởng lộc Thanh lại ty, Viên ngoại lang”. Chừng đó thôi, cũng thấy công lao, tài đức và sự thanh liêm của một vị quan xứ Quảng. Khi ông mất, vua Tự Đức có câu đối đặt giữa gian thờ ông: “Thanh bạch đáo kim huyền lại kính/ Thận cần tự cổ yết quan châm”. Có nghĩa là sự thanh bạch của ông đến nay như tấm gương soi cho người làm chức việc nhà nước-Sự thận trọng, cần mẫn của ông từ lâu như là kiểu mẫu cho kẻ làm quan...
Ngày đầu năm mới kể chuyện xưa, để thấy rằng sự thanh liêm, thận trọng và cần mẫn của công chức thời nào cũng đáng quý.
Minh Hà