Thỏa thuận chia sẻ thông tin Hàn - Nhật trước giờ G

Thứ tư, 21/08/2019 11:19

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 20-8 cho biết họ sẽ chờ xem kết quả đàm phán cấp cao với Nhật Bản diễn ra tại Bắc Kinh trong tuần này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc duy trì hay hủy bỏ Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự Hàn - Nhật (GSOMIA).

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha trả lời báo chí tại sân bay quốc tế Gimpo trước khi khởi hành đến Trung Quốc ngày 20-8.   Ảnh: Yonhap

Vẫn chưa quyết định

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha trước đó đã đến Bắc Kinh để tham gia cuộc gặp 3 bên với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và Nhật Bản Taro Kono. Bà Kang và ông Kono cũng sẽ hội đàm song phương vào ngày hôm nay  (21-8). Dự kiến, hai nhà ngoại giao sẽ thảo luận về cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nước, khởi đầu bởi chính sách hạn chế xuất khẩu của Tokyo đối với Seoul nhằm đáp trả những mâu thuẫn liên quan đến vấn đề lịch sử. Lý do Tokyo đưa ra cho hành động này là bảo vệ an ninh quốc gia khỏi những nguy cơ tiềm tàng. Trong khi đó, Seoul đang cân nhắc việc nên duy trì hay hủy bỏ GSOMIA nhằm đối phó lệnh kiểm soát xuất khẩu này.

Tuần này là hạn chót để đưa ra quyết định giữ hay bỏ, trước khi hiệp định hết hạn vào tháng 11. Để hủy bỏ hiệp định này, mỗi bên phải thông báo bên còn lại về ý định của mình 90 ngày trước khi hiệp định hết hạn. Một quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho hay: “Vẫn chưa có quyết định về GSOMIA, và vấn đề này cần được quyết định sau khi xem xét toàn diện”. Quan chức này cũng cho biết quyết định sẽ được đưa ra sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, bao gồm thái độ của Nhật Bản và đánh giá về chất và lượng của các thông tin tình báo quân sự. Khi được hỏi liệu kết quả của cuộc họp ngoại trưởng tại Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến quyết định của Seoul về số phận của GSOMIA hay không, ông này khẳng định Hàn Quốc sẽ “tích cực giải thích” quan điểm của chính phủ trong cuộc họp.

Những tranh cãi về việc duy trì hiệp định

GSOMIA đã gây tranh cãi trong  dư luận ngay từ khi được ký kết, là do có một số ý kiến hoài nghi rằng liệu có thỏa đáng trao đổi thông tin với Tokyo, nước không hề có sự tự kiểm điểm về lịch sử xâm chiếm, hay không.

Mới đây, mối quan hệ căng thẳng nghiêm trọng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản lại dấy lên ý kiến về hiệu lực của văn bản này. Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản đang trong những ngày tháng tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1965; đặc biệt sau khi tòa án Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu các Cty Nhật Bản bồi thường các nhóm công dân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên 1910-1945. Đối với vấn đề này, Nhật Bản cho rằng mọi vấn đề liên quan đến bồi thường chiến tranh đã được giải quyết trong hiệp định song phương được ký vào năm 1965. Vào đầu tháng, hai nước đã có động thái “ăn miếng trả miếng”, loại tên lẫn nhau khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy.

Tuy vậy, việc hủy bỏ hiệp định hợp tác quân sự với Nhật Bản không phải là sự lựa chọn tốt nhất, vì nếu phá bỏ thỏa thuận này thì Hàn Quốc không được trao đổi thông tin mà Nhật Bản nắm giữ và sẽ có thêm nhiều khoảng trống về thông tin quân sự. Đặc biệt, trong bối cảnh Triều Tiên đang tiếp tục gây đe dọa bằng vũ khí hạt nhân, Seoul không nên có lỗ hổng về thông tin.

Thế mạnh riêng

Quân đội Hàn Quốc từng nhấn mạnh, GSOMIA sẽ tăng cường khả năng giám sát và chất lượng thông tin về Triều Tiên. Đó là bởi thế mạnh của hai nước có sự khác biệt.

Điểm mạnh của Tokyo là khả năng thu thập thông tin thông qua trang thiết bị, trong khi thế mạnh của Seoul là thu thập thông tin tình báo qua con người. Nhật Bản sở hữu những trang thiết bị thu thập thông tin như vệ tinh, radar, máy bay cảnh báo sớm và máy bay tuần tra biển và có thể thu thập các thông tin liên quan đến căn cứ tàu ngầm, căn cứ tên lửa đạn đạo và tên lửa đạn đạo có khả năng được phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên. Những thông tin này rất có ích cho Hàn Quốc. Trong khi đó, Seoul có đủ thông tin thu thập thông qua con người như những người tị nạn Triều Tiên, những người ở khu vực biên giới Trung-Triều và các loại trang thiết bị nghe lén được lắp đặt ở đường ranh giới quân sự liên Triều. Các thông tin này rất chi tiết và không thể có được ở bất cứ nơi nào khác, do đó đây là những thông tin hữu ích đối với Tokyo. Do vậy, việc phá bỏ GSOMIA có thể gây hại cho cả hai nước.

T.NGỌC

Hàn Quốc xem xét đình chỉ thêm nhiều chuyến bay tới Nhật Bản

Hãng hàng không Korean Air Lines của Hàn Quốc ngày 20-8 thông báo đang xem xét tạm dừng thêm những chuyến bay tới Nhật Bản trong bối cảnh số lượng du khách tới quốc gia láng giềng này sụt giảm đáng kể do quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Trong một thông báo, hãng cho biết đường bay Busan-Osaka sẽ bị tạm dừng từ ngày 16-9, trong khi các đường bay Incheon-Komatsu và Incheon-Kagoshima sẽ bị dừng từ ngày 29-9 đến 16-11, còn tuyến Incheon-Asahikawa tạm dừng từ ngày 29-9 đến 26-10.