Thỏa thuận LEMOA và lợi ích cho Mỹ – Ấn
(Cadn.com.vn) - Mỹ mong muốn một thỏa thuận chung về hậu cần quân sự hải quân với Ấn Độ để có thể tiếp tục duy trì vị thế ảnh hưởng lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương. Sau hơn một thập kỷ đàm phán, liệu thỏa thuận này có được ký kết thành công hay không trong khi New Delhi vẫn còn đang do dự về vấn đề này?
Vào giữa tháng 4, trong chuyến công du đến Nam Á, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cùng người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar thống nhất thỏa thuận sơ bộ về Biên bản Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần (LEMOA) trong vòng vài tuần tới. Thỏa thuận này cho phép quân đội 2 nước có thể sử dụng căn cứ hải quân của nhau để thực hiện việc tiếp nhiên liệu, sửa chữa và nghỉ ngơi, qua đó nâng cao khả năng phối hợp giữa quân đội hai nước.
Tuy nhiên, một số chính trị gia Ấn Độ lại phản đối kịch liệt LEMOA vì cho rằng, thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện cho Mỹ dễ dàng tiếp cận địa phận của quốc gia Nam Á cũng như nắm nhiều thông tin về hoạt động của quân đội nước này. Trong khi đó, nhiều người khác khẳng định, LEMOA là thỏa thuận hoàn toàn có lợi cho cả hai.
Lợi ích từ LEMOA
Hải quân Mỹ chắc chắn sẽ không thể tung hoành sức mạnh nếu thiếu sự trợ giúp của các tàu hậu cần đang ngày đêm lênh đênh trên khắp các đại dương để làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, nhiên liệu và đạn dược. Nếu thiếu những "trợ thủ" đắc lực này, các tàu Hải quân Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và buộc phải quay về cảng để được tiếp tế. Điều này sẽ khiến cho "sứ mệnh" tác chiến của họ bị cản trở và đối phương có thể lợi dụng điểm yếu này.
Dù vậy, số lượng tàu hậu cần của Lầu Năm Góc rất hạn chế khi chỉ có 30 con tàu được bố trí hoạt động tiếp tế cho tàu tác chiến ở 7 vùng biển. Nhưng hiện tại chỉ có 17 tàu hậu cần đang hoạt động và số còn lại đang phải bảo trì và sửa chữa. Các tàu chiến của Mỹ hoạt động chủ yếu tại các trung tâm hậu cần như Yokosuka và Sasebo ở Nhật Bản và Bahrain ở vịnh Persian, tức ở phía đông và phía tây của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Và Ấn Độ lại nằm ở vị trí trung tâm dọc theo các tuyến đường biển nối Nhật với vịnh Persian nơi tàu Hải quân Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ.
Chính vì vậy, việc ký kết thỏa thuận LEMOA sẽ tạo điều kiện cho tàu Hải quân Mỹ hoạt động hiệu quả hơn cũng như là "giải pháp tối ưu" giúp chính quyền Obama cân bằng cán cân quyền lực Châu Á - Thái Bình Dương trong thời điểm tình hình an ninh vùng biển còn biến động do những động thái mạnh bạo của Trung Quốc. Với Ấn Độ, quốc gia này cũng không hài lòng với Bắc Kinh trong thời gian gần đây, điển hình là sự hiện diện ngày càng tăng của tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Đồng thời, việc Trung Quốc quản lý cảng chiến lược Gwadar ở Pakistan và cảng Djibouti của nước cộng hòa Djibuti ở Châu Phi sẽ làm thu hẹp đáng kể không gian chiến lược và ảnh hưởng khu vực của Ấn Độ.
Chính vì vậy, thỏa thuận LEMOA cũng sẽ giúp New Delhi bao quát các cơ sở hậu cần từ vịnh Tokyo đến Bahrain đồng nghĩa với việc giúp Ấn Độ mở rộng hoạt động khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Phái đoàn Mỹ và Ấn Độ đàm phán về thỏa thuận LEMOA. Ảnh: Business Standard |
Đi đến ký kết?
Rõ ràng, trước những tham vọng "không giới hạn" của Trung Quốc, thỏa thuận LEMOA sẽ mang lại lợi ích cho cả Ấn Độ và Mỹ.
Tuy nhiên, giới chức lãnh đạo Ấn Độ vẫn đang e dè về hậu quả sau khi thỏa thuận LEMOA được ký kết. Cụ thể, New Delhi sẽ có khả năng đối mặt với những áp lực từ phía Trung Quốc vì LEMOA sẽ làm tổn thương lợi ích của quốc gia này tại Nam Á. Tệ hơn nữa, điều này có thể lôi kéo Ấn Độ vào những cuộc xung đột với các nước láng giềng. Vì vậy, việc Washington và New Delhi xích lại gần nhau để cùng ký kết thỏa thuận hay không là không thể báo trước. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang ra sức nỗ lực khiến người bạn Ấn Độ thay đổi quyết định và không còn cách nào hơn đó chính là chính sách ngoại giao kiên nhẫn với người bạn Ấn bất đắc dĩ này.
Tuệ Khanh
(Theo Foreign Policy)