Thỏa thuận Mạnh Vãn Châu và 3 năm "đốt cháy" quan hệ Mỹ - Trung

Thứ hai, 27/09/2021 09:26

Khi đến sân bay Vancouver của Canada vào ngày 1-12-2018, bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei chỉ dự định quá cảnh một lúc, nhưng cuối cùng mắc kẹt gần 3 năm qua, trong một vụ khủng hoảng ngoại giao kéo dài và đẩy quan hệ giữa Mỹ, Canada và Trung Quốc đến bờ vực thẳm.

Bà Mạnh Vãn Châu vẫy chào người dân Trung Quốc khi bước ra khỏi máy bay vào tối 25-9.  Ảnh: Tân Hoa Xã

Trung Quốc trải thảm đỏ đón bà Mạnh Vãn Châu

Việc bà Mạnh được trả tự do và trở về sau 3 năm mắc kẹt trong trận chiến pháp lý kéo dài được người dân Trung Quốc chào đón như một anh hùng. 

CFO của Huawei bước trên thảm đỏ khi xuống máy bay ở Thâm Quyến giữa sự chào đón của hàng trăm người. Đoạn băng được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát trực tiếp cho thấy, bà Mạnh bước đi trên thảm đỏ được trải đến tận chân máy bay, các nhân viên Huawei đứng quanh chào đón và một người mặc đồ bảo hộ trao cho bà một bó hoa. Phát biểu đầu tiên của bà Mạnh khi đặt chân xuống Trung Quốc là: "Cuối cùng tôi đã về nhà". Bà Mạnh cũng gửi lời cảm ơn tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Đoạn phát sóng trực tiếp màn chào đón bà thu hút tối đa 100 triệu người xem vào cùng một thời điểm. Hãng tin Tân Hoa Xã gọi việc bà Mạnh được thả tự do là "nỗ lực của chính phủ Trung Quốc". Trong khi đó, Nhân dân Nhật báo lại cho rằng đây là "chiến thắng lớn của người Trung Quốc".

Trong thông cáo ngày 25-9, Huawei cho biết mong muốn bà Mạnh được đoàn tụ với gia đình và tuyên bố "sẽ tiếp tục tự bảo vệ mình trước các cáo buộc tại tòa án quận đông New York". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng cho rằng, cáo buộc nhằm vào bà Mạnh là bịa đặt nhằm "đàn áp các doanh nghiệp công nghệ cao" của nước này.

Đằng sau thỏa thuận Mạnh Vãn Châu

Bà Mạnh Vãn Châu, con gái nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, bị giới chức Canada bắt giữ hôm 1-12-2018 tại sân bay Vancouver theo đề nghị của Mỹ. 

Washington cũng đề nghị dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ để xét xử với cáo buộc nói dối HSBC về mối quan hệ của Huawei với Skycom, một công ty kinh doanh ở Iran, khiến HSBC có nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự vì vi phạm lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ. Và sau 3 năm tranh cãi, bà Mạnh đã được tự do, từ Canada trở về Trung Quốc sau khi đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến pháp lý với giới chức Mỹ. 

Chi tiết thỏa thuận chưa được công bố, nhưng theo Financial Times, bà Mạnh đã dự một phiên điều trần trực tuyến do tòa án Brooklyn tại thành phố New York chủ trì ngày 24-9 (giờ Mỹ) để giải quyết các cáo buộc và yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Tại phiên điều trần vừa diễn ra, bà Mạnh một lần nữa không thừa nhận những cáo buộc chính của Mỹ, nhưng theo thỏa thuận, bà thừa nhận đã từng cung cấp "những tuyên bố sai lệch".

Với thỏa thuận này, Mỹ đồng ý rút lại đề nghị dẫn độ đối với vị CFO của Huawei. David Kessler, một luật sư của phía Mỹ, nói rằng thỏa thuận hoãn truy tố sẽ có hiệu lực 4 năm, từ ngày bà Mạnh bị bắt đến ngày 1-12-2022. Theo Kessler, nếu bà Mạnh tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận, Mỹ sẽ tiến tới xóa bỏ các cáo buộc chống lại bà. Ngược lại, bà Mạnh vẫn có thể bị truy tố. 

Còn nhiều thách thức

Vậy là sau 3 năm kéo dài dai dẳng với những cáo buộc gây tranh cãi, những phiên tòa tốn nhiều công sức vốn khiến quan hệ các nước liên quan căng thẳng, việc bà Mạnh được thả tự đã chấm dứt một màn kịch dẫn độ kéo dài 3 năm giữa Trung Quốc và Canada. Vụ việc đã giúp loại bỏ một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất, cũng như gieo hy vọng cho một sự hàn gắn trong quan hệ Mỹ - Trung, nhất là vấn đề thuế quan. 

Báo SCMP dẫn lời ông Huang Jing, giáo sư tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, kết quả vụ việc lần này tất nhiên sẽ có tác động tích cực đến mối quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Canada. Thỏa thuận đạt được giữa bà Mạnh và Washington có thể cho thấy khả năng hợp tác và giải quyết bất đồng giữa Trung - Mỹ bất chấp những tranh chấp gay gắt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, cạnh tranh Mỹ-Trung trong các lĩnh vực quan trọng khác, bao gồm công nghệ 5G, có khả năng tiếp tục, thậm chí leo thang hơn nữa. "Đây có thể là một chiến thắng trong cuộc chiến ngoại giao, nhưng về lâu dài, tôi nghĩ Mỹ sẽ không từ bỏ việc kiềm chế Trung Quốc", một giáo sư giấu tên nói.

KHẢ ANH